MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hungary gửi tối hậu thư cho EU về Ukraine

24-11-2023 - 11:30 AM | Tài chính quốc tế

Trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Hungary đề nghị xem xét lại toàn bộ chính sách của EU đối với Ukraine, làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng bế tắc kéo dài giữa Budapest và Brussels.

Hungary gửi tối hậu thư cho EU về Ukraine - Ảnh 1.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại cuộc họp báo ở Budapest. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Politico (Mỹ) ngày 22/11, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang đe dọa chặn tất cả viện trợ của EU cho Ukraine, cũng như việc nước này gia nhập khối trong tương lai, trừ khi các nhà lãnh đạo châu Âu đồng ý xem xét lại toàn bộ chiến lược hỗ trợ của họ cho Kiev.

Trong bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, nhà lãnh đạo Hungary nói rằng không có quyết định nào về việc tài trợ cho Ukraine, mở các cuộc đàm phán gia nhập EU hoặc các biện pháp trừng phạt bổ sung chống Nga có thể được thực hiện cho đến khi “cuộc thảo luận chiến lược” này diễn ra nhân dịp các nhà lãnh đạo châu Âu dự hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào giữa tháng 12 năm nay.

“Hội đồng châu Âu nên đánh giá việc thực hiện và tính hiệu quả của các chính sách hiện tại từ EU đối với Ukraine, bao gồm các chương trình hỗ trợ khác nhau”, Thủ tướng Orban viết trong bức thư.

Ông Orban cũng đặt câu hỏi tại sao EU nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine vào thời điểm mà Mỹ, quốc gia đã cung cấp phần lớn viện trợ quân sự cho Kiev, có thể không thể tiếp tục tài trợ do sự bế tắc đảng phái liên quan đến viện trợ trong tương lai.

Bức thư của ông Orban nêu rõ: “Hội đồng châu Âu phải có một cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở về tính khả thi về các mục tiêu chiến lược của EU tại Ukraine”.

Theo nhà lãnh đạo Hungary, Hội đồng châu Âu "không có quyền" đưa ra các quyết định quan trọng về các đảm bảo an ninh được đề xuất hoặc hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine, cũng như tán thành việc tăng cường hơn nữa chế độ trừng phạt của EU hoặc đồng ý về tương lai của quá trình mở rộng trừ khi có sự đồng thuận của các thành viên về chiến lược đối với Ukraine.

Bức thư của ông Orban làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng bế tắc kéo dài giữa Budapest và Brussels, nơi đang giữ lại 13 tỷ euro tiền tài trợ cho Hungary vì lo ngại rằng nước này đang vi phạm các tiêu chuẩn của EU về vấn đề pháp quyền.

Dù không đề cập trực tiếp, nhưng bức thư của Thủ tướng Hungary gợi ý rằng Budapest có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn việc giải ngân khoản viện trợ trị giá 50 tỷ euro theo kế hoạch cho Ukraine - số tiền cần thiết để tài trợ cho Chính phủ Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga kéo dài.

Ngoài 50 tỷ euro, ông Orban còn đe dọa sẽ chặn 500 triệu euro viện trợ quân sự theo kế hoạch cho Ukraine, cũng như phản đối mở các cuộc đàm phán chính thức để Kiev gia nhập EU, điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu khác hy vọng sẽ thông qua vào thời điểm diễn ra cuộc họp của Hội đồng châu Âu dự kiến vào ngày 14 - 15/12 tới.

Theo một nhà ngoại giao EU, Thủ tướng Orban đã gây nguy hiểm cho toàn bộ quá trình ra quyết định của EU liên quan đến Ukraine như một phần trong chiến lược gây áp lực lên Ủy ban châu Âu để giải ngân 13 tỷ euro cho Hungary.

Nhà ngoại giao này lưu ý rằng với những trường hợp khác, Budapest đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu quan trọng và cho phép EU áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, thì trong trường hợp này, điều đó không xảy ra. “Đó không phải là vấn đề trung lập đối với Hungary. Đó là về đòn bẩy", quan chức ngoại giao EU nói.

Tối hậu thư của ông Orban gửi đến Hội đồng châu Âu vào thời điểm được cho là đặc biệt nhạy cảm đối với Ukraine, khi quân đội nước này đang nỗ lực giành lợi thế trước các lực lượng Nga và ngay sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cảnh báo rằng “cánh cửa viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine đang đóng lại”.

Với cảnh báo trên từ Hungary, một số quốc gia đã tính toán các cách để giải quyết vấn đề với Budapest và duy trì dòng viện trợ đến Kiev. Một cách giải quyết tiềm năng là các nước EU gửi viện trợ tài chính cho Ukraine thông qua các thỏa thuận song phương thay vì thông qua các cơ cấu của EU như Quỹ Hòa bình châu Âu, nơi điều phối viện trợ quân sự của EU cho Kiev. Điều này có thể giúp "đóng băng" sự phản đối của Budapest một cách hiệu quả.

Nhưng cách tiếp cận trên sẽ không hiệu quả khi mở các cuộc đàm phán chính thức để Ukraine gia nhập EU, vì Hungary sẽ phải tham gia vào quá trình đó. Kết quả là, việc đóng băng trên đối với Hungary vẫn chưa phải là một ý tưởng hay xét đến khía cạnh nhằm duy trì sự thống nhất của EU.

Trong trường hợp Hungary phủ quyết, một lựa chọn khác cho EU là trì hoãn quyết định giải phóng các quỹ của khối dành cho Budapest.

Theo Công Thuận

Báo tin tức

Trở lên trên