Khách hàng không thể rút tiền tiết kiệm khi đáo hạn do bị cách ly thì hưởng lãi suất thế nào?
Nếu người gửi tiền không đến rút tiền và không có các yêu cầu hoặc thỏa thuận khác thì TCTD kéo dài thêm một thời hạn mới theo quy định của TCTD về hình thức tiền gửi tiết kiệm đó...
- 05-08-2021Người thuộc diện F0 đang bị cách ly làm thế nào để rút tiền từ sổ tiết kiệm?
- 27-06-2021Đề xuất lãi tiền gửi 0%: Người dân sẽ ồ ạt rút tiền, gây rủi ro cho hệ thống
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản hướng dẫn xử lý kiến nghị của các tổ chức tín dụng (TCTD) bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Cụ thể, đối với kiến nghị hướng dẫn xử lý các khoản nợ vay đến hạn đối với các khách hàng trong thời gian cách ly không thể đi ra ngoài vùng cách ly để thanh toán nợ; đề xuất cho phép TCTD được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ thuộc đối tượng nằm trong vùng cách ly, NHNN cho biết giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được quy định cụ thể tại Thông tư 01 (đã được sửa đổi, bổ sung).
Vì vậy, NHNN đề nghị NHNN chi nhánh các tỉnh căn cứ vào quy định nêu trên và chỉ đạo của NHNN tại công văn 3947/NHNN-TD ngày 3/6/2021 để hướng dẫn TCTD trên địa bàn xem xét, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khi số dư nợ của khoản nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Thông tư 01, phù hợp với quy định nội bộ của TCTD và quy định pháp luật liên quan.
Với việc xử lý chung đối với kiến nghị của khách hàng gửi tiền trong thời gian cách ly không thể đi ra ngoài vùng cách ly để rút tiền tiết kiệm khi đáo hạn thì được hưởng lãi suất có kỳ hạn trên sổ tiết kiệm cho khách hàng trong những ngày cách ly. NHNN cho biết, điều 15 Thông tư 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2017 về tiền gửi tiết kiệm quy định, vào ngày đến hạn của khoản tiền gửi tiết kiệm, nếu người gửi tiền không đến rút tiền và không có các yêu cầu hoặc thỏa thuận khác thì TCTD kéo dài thêm một thời hạn mới theo quy định của TCTD về hình thức tiền gửi tiết kiệm đó.
Điều 6 Thông tư 48 quy định, TCTD quy định cụ thể về từng hình thức tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho TCTD. Quy định về hình thức tiền gửi tiết kiệm phải có tối thiểu các nội dung về phương thức trả lãi, phương thức tính lãi, kéo dài thời hạn gửi tiền, rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm, các trường hợp người gửi tiền phải thông báo trước việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm.
Điều 9 Thông tư quy định, TCTD quy định lãi suất tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của NHNN về lãi suất trong từng thời kỳ. Phương pháp tính lãi tiền gửi tiết kiệm thực hiện theo quy định của NHNN. Phương thức trả lãi tiền gửi tiết kiệm thực hiện theo thỏa thuận giữa TCTD và người gửi tiền.
Điều 1, Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 về lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD quy định, TCTD áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân không vượt quá mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình TCTD. TCTD áp lãi suất bằng đồng Việt Nam đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và các nhân trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
“Căn cứ vào các quy định pháp luật, trường hợp khách hàng không đến rút tiền gửi tiết kiệm khi đáo hạn do đang bị cách ly phòng dịch thì TCTD thực hiện theo quy định của TCTD về hình thức tiền gửi tiết kiệm đã được TCTD niêm yết công khai phù hợp với quy định của Thông tư 48/2018-TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan”, NHNN cho biết.
Bizlive