Khách mất tiền, sếp nhà băng khuyên khách không xâm phạm quyền lợi Eximbank
Eximbank cho rằng không thể tự ý giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ án theo ý chí riêng của mình khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của toà án...
- 17-03-2018Mỏi mòn chờ Eximbank trả 50 tỉ ‘bốc hơi’
- 16-03-2018Đã nghỉ việc, cựu nhân viên Eximbank vẫn chiếm đoạt được hơn 34 tỷ của khách
- 16-03-2018Tín hiệu tích cực từ Eximbank
Sau khi nhận đơn đề nghị trả tiền khẩn cấp của khách hàng, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank khuyên khách hàng nên bình tĩnh, hợp tác chờ phán quyết của tòa; không nên xâm phạm quyền, lợi ích của ngân hàng này.
Eximbank tạm ứng 1,55 tỷ đồng là "xúc phạm khách hàng"
Liên quan đến vụ nhân viên ngân quỹ Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương có hành vi giả mạo chữ ký khách hàng để chiếm đoạt 50 tỷ đồng, mới đây, 1 trong 6 người bị mất tiền là ông Nguyễn Tiến Nam (Đô Lương, Nghệ An) đã làm đơn đề nghị trả tiền khẩn cấp gửi đến hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank.
Theo đó, ông Nguyễn Tiến Nam cho biết, sau khi ông ủy quyền cho các luật sư vào Hội sở chính của Eximbank làm việc với Ban giám đốc để yêu cầu trả lại số tiền 28 tỷ đồng trong 13 sổ tiết kiệm, đến ngày 20/3/2018, đại diện ngân hàng Eximbank đã đề nghị tạm ứng số tiền 1,55 tỷ đồng cho ông Nam, nhưng ông không đồng ý.
Ông Nam cho rằng, cơ quan điều tra đã ban hành kết luận điều tra, Viện kiểm sát nhân dân Nghệ An đã ban hành bản cáo trạng, lẽ ra Eximbank phải trả lại ngay toàn bộ số tiền gốc và lãi trong sổ tiết kiệm cho khách hàng để giữ hình ảnh, uy tín trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, thể hiện sự quan tâm đối với khách hàng.
"Ngược lại Eximbank lại bảo tôi phải chờ phán quyết của toà án, số tiền gửi của tôi là hơn 28 tỷ chưa kể tiền lãi suất, nhưng phía ngân hàng đưa ra thương lượng cho tôi tạm ứng 1,55 tỷ đồng, đó là sự xúc phạm của Eximbank đối với bản thân tôi", ông Nam nhận định.
Ông Nam lập luận, về hình sự toà án sẽ tuyên phạt các bị cáo bao nhiêu năm tù, về dân sự toà án sẽ tuyên bị cáo cáo phải bồi thường cho Eximbank bao nhiêu tiền. Do vậy, khách hàng như ông không có lý do gì, không có quy định nào bắt buộc phải chờ phán quyết của toà án rồi mới được phép đưa sổ tiết kiệm đến Eximbank để rút tiền.
"Nếu Eximbank không trả lại tiền ngay cho tôi, tôi sẽ uỷ quyền 10 người/1 sổ tiết kiệm đến phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Vinh và các phòng giao dịch khác của Eximbank trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thậm chí là vào hội sở chính của Eximbank để yêu cầu rút tiền trên sổ tiết kiệm", ông Nam nói rõ trong đơn đề nghị.
Không nên xâm phạm đến quyền, lợi ích của Eximbank?
Trả lời đơn đề nghị của ông Nguyễn Tiến Nam ngày 23/3/2018, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank Lê Văn Quyết cho biết, mặc dù cơ quan điều tra đã ban hành kết luận điều tra, Viện kiểm sát nhân dân Nghệ An đã ban hành bản cáo trạng nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ bản án có hiệu lực pháp luật nào được ban hành. Vì thế, yêu cầu thanh toán ngay lập tức 28 tỷ đồng của ông Nam, Eximbank chưa thể thực hiện được.
"Với tư cách là một đương sự trong vụ án, Eximbank có nghĩa vụ tôn trọng tòa án, tôn trọng pháp luật, do đó Eximbank không thể tự ý giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ án theo ý chí riêng của mình khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của toà án", ông Lê Văn Quyết nhấn mạnh.
Lãnh đạo Eximbank cũng khẳng định chưa bao giờ từ chối trách nhiệm đối với người gửi tiền, nhưng là bên có liên quan, Eximbank phải có nghĩa vụ tuân thủ trình tự giải quyết của cơ quan chức năng.
"Eximbank mong quý ông bình tĩnh, hợp tác và chờ đợi cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử và có phán quyết theo đúng quy định của pháp luật. Cân nhắc việc ủy quyền cho nhiều người rút tiền theo các sổ tiết kiệm, vì đây không phải là giải pháp phù hợp, có thể ảnh hưởng đến các hoạt động ngân hàng hợp pháp của Eximbank và có thể gây thêm sự phức tạp trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Eximbank", ông Quyết cho biết.
Nhìn nhận về tình huống này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Ngân hàng Eximbank kiện nhân viên của mình ra tòa vì gây thiệt hại cho ngân hàng là vấn đề của Eximbank.
"Khách hàng gửi tiền cho ngân hàng, ngân hàng làm mất tiền của họ thì ngân hàng phải đền càng sớm càng tốt", ông Hiếu nói.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, theo thông lệ quốc tế, nếu ngân hàng có trách nhiệm trong vấn đề làm mất tiền của khách thì phải bồi thường cho khách hàng trong vòng 72 tiếng. Sau đó, ngân hàng có thể điều tra, đòi lại tiền, đấy là trách nhiệm của ngân hàng.
"Điều đình với khách hàng, cho họ vài tỷ, vài chục tỷ để họ đợi thì đây là điều không hợp lý", TS. Hiếu nhấn mạnh.
Vneconomy