Khi thế giới chìm sâu vào hỗn loạn, hãy tư duy như một nhà hiền triết: Nhân định thắng thiên, chỉ cần tâm vững thì mọi sự đều lành
Những ngày dễ dàng luôn là những ngày đã qua. Để vượt qua nghịch cảnh, chúng ta không còn cách nào khác là thích nghi và thay đổi tư duy của mình.
- 22-04-2020Ngoài việc tiết kiệm, đây là thứ tiền bạn nhất định phải có trong đời: Người trưởng thành, khôn ngoan và cẩn trọng biết sớm ngày nào, lợi thân ngày đó!
- 21-04-2020Tiền kiếm được dù ít hay nhiều, khôn ngoan nhất vẫn là mang đi tiết kiệm: Cuộc sống là muôn vạn chữ ngờ, chờ lúc khó khăn mới nhận ra thì hối chẳng kịp!
- 21-04-2020Khi cả thế giới chìm trong dịch bệnh, cuộc sống vẫn còn đó những vẻ đẹp chỉ người lạc quan mới nhìn ra: Trong bóng tối, ta mới biết đâu là ánh sáng để trân trọng
Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, tâm trí hoảng loạn chính là một loại gánh nặng. Nó trở thành chướng ngại vật ngăn chúng ta suy nghĩ thấu đáo và tìm cách để vượt qua sóng gió.
Khi con người rơi vào trạng thái này, một chuỗi phản ứng sẽ bắt đầu. Nỗi sợ dần tăng lên khiến đầu óc chúng ta không còn được minh mẫn, bức tranh toàn cảnh và sự lạc quan dường như cũng trở nên xa vời. Khi tầm nhìn bị thu hẹp, chúng ta lại càng lo lắng hơn về hiện tại lẫn tương lai.
Hãy nhớ rằng những phản ứng tâm lý này đều hết sức tự nhiên - rất con người. Tuy nhiên, sự thực là nó cũng đem lại cảm giác đau khổ và che mờ đi lý trí của chúng ta. Không còn cách nào khác, con người chỉ có thể rèn luyện sự kiên cường trong tinh thần - nâng cao khả năng chống chịu với những điều bất ổn và khó lường.
Chúng ta không thể nào chuẩn bị trước cho khủng hoảng, bởi nó thường đến một cách bất ngờ, biến cuộc sống thành một mớ hỗn độn. Tuy nhiên, chúng ta có thể chuẩn bị trước cho bản thân, để sẵn sàng đối đầu với mọi biến số trước mắt.
Chỉ cần nhìn vào cách mà các nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử đã vượt qua sự hỗn loạn, ngẫu nhiên và khó lường của cuộc sống, chúng ta có thể tự rút ra bài học cho chính mình.
Các nhà hiền triết vĩ đại sẽ tập trung vào thứ họ có thể kiểm soát
Theo định luật tự nhiên, khó khăn và thách thức là những thứ luôn tồn tại mà chúng ta không thể tránh được. Dù vậy, lo lắng và hoảng loạn không ngừng chẳng thể khiến cho khủng hoảng ngừng xảy ra, mà chỉ làm tốn năng lượng và thời gian của bạn.
Khi gặp thất bại, các nhà hiền triết sẽ dồn toàn bộ nguồn lực để tập trung vào những thứ họ có thể kiểm soát - kể cả khi họ chỉ có thể kiểm soát được nỗ lực và thái độ của bản thân.
Epictetus - nhà triết học người Hy Lạp sống ở thế kỷ 1-2 TCN, chia mọi thứ ra thành hai loại: trong tầm kiểm soát và ngoài tầm kiểm soát.
Ông mở đầu tác phẩm kinh điển Enchiridion của mình bằng một ý tưởng về sự kiểm soát: “Có những thứ nằm trong khả năng của chúng ta, có những thứ không. Những thứ ta kiểm soát được là ý kiến, động lực, khát vọng, ác cảm, hay nói cách khác là bất cứ thứ gì chúng ta tự làm. Những thứ ta không kiểm soát được là cơ thể, tài sản, danh tiếng, hay nói cách khác là những thứ chúng ta không tạo ra”.
Theo ông, để duy trì được thái độ tích cực với cuộc sống, bạn cần nhận ra sự khác biệt giữa những thứ kiểm soát được và những thứ không kiểm soát được. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy giận dữ, ghét bỏ, khao khát điều gì, hãy nhìn nó dưới hai góc độ này.
Bạn không cần phải lo lắng liệu có còn rắc rối trong tương lai, bởi chắc chắn rắc rối sẽ xảy ra. Quan trọng là bạn tìm được cách để vượt qua từng rắc rối một.
Trong thời điểm hiện tại, bạn không thể kiểm soát số người nhiễm Covid-19 xung quanh mình, những biện pháp phòng ngừa mà chính quyền áp dụng, những hàng hóa còn lại trên kệ siêu thị. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát được việc rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng nhất có thể, đảm bảo giãn cách xã hội mỗi khi ra ngoài mua đồ, ở nhà trừ khi có việc cần thiết và giữ liên lạc với đồng nghiệp và những người thân yêu.
Một tư duy khắc kỷ - biết chịu đựng trong nghịch cảnh - là điều quan trọng hơn tất thảy vào lúc này. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ sẽ dùng năng lượng của mình để tạo ra những cơ hội tuyệt vời hơn, để giải quyết mọi vấn đề họ gặp phải.
“Bản chất thực sự của con người sẽ được bộc lộ trong những thời điểm khó khăn. Vì thế, khi rắc rối ập tới, hãy nghĩ bản thân như một đô vật được Chúa - như một người huấn luyện - gửi tới và bắt phải thi đấu với một đối thủ hung bạo. Để làm gì? Để biến bạn thành một vận động viên đẳng cấp Olympic”, Epictetus viết.
“Mọi khó khăn trong đời đều đem lại cơ hội để ta nhìn vào bên trong và khơi dậy nguồn lực tiềm tàng. Con đường mà chúng ta chịu đựng sẽ đưa chúng ta tới thế mạnh của mình. Những người thận trọng sẽ biết nhìn xa, hình thành những thói quen tốt để có thể dùng những lúc cần đến. Khi biến cố xảy ra, hãy nhìn vào bên trong và tự hỏi mình có gì để đối đầu với nó. Hãy đào thật sâu. Bởi lẽ bạn sở hữu sức mạnh mà chính bạn có thể cũng không nhận ra. Hãy tìm đúng thứ mình cần. Hãy sử dụng nó”, Epictetus khuyên.
Kiểm soát những thứ trong tầm tay
Bạn không thể kiểm soát mọi thứ xảy ra với mình, nhưng bạn có thể kiểm soát cách mà mình phản ứng. Sức mạnh lớn nhất của bạn đều nằm cả trong đó.
Lo lắng không thể thay đổi quá khứ hay tương lai. Theo những người theo chủ nghĩa khắc kỷ, bạn nên chuyển sự chú ý của mình vào những lĩnh vực nhỏ mà mình có thể kiểm soát. Hãy liệt kê ra những thứ bạn có thể kiểm soát được và những gì bạn có thể làm được để kiểm soát chúng.
Trong khi bạn đang làm mọi thứ để có thể an toàn trong thời điểm khó khăn này, đừng quên ưu tiên những kế hoạch hành động để bảo vệ chính mình và người thân trong đình. Cuộc sống luôn đầy ắp những biến số mà phần lớn bạn không thể kiểm soát được; bạn cũng không thể thay đổi được những chuyện đã diễn ra hay sự thật là đại dịch đã thay đổi mọi thứ.
Charles R. Swindoll - một mục sư kiêm nhà giáo dục nổi tiếng - từng nói: “Tôi tin rằng cuộc sống gồm 10% những gì xảy ra với tôi và 90% cách tôi phản ứng với chúng”. Quả thật, cách bạn phản ứng với những sự kiện tồi tệ trong đời mình sẽ quyết định bạn có tồn tại và phát triển được hay không.
Tình cảnh bệnh dịch lúc này buộc chúng ta phải giãn cách xã hội và tự cách ly tại nhà, nhưng chúng ta không nên chỉ lo lắng về mỗi sức khỏe. Tinh thần và thể chất của chúng ta cũng đang gặp nguy hiểm. Vì thế, hãy coi đây như là cơ hội để bạn thay đổi để sống một cuộc đời khỏe mạnh hơn.
(Theo Medium)
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19