MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kho báu dưới nước trăm nghìn tấn của Việt Nam: Thu về gần 1 tỷ USD trong năm qua, gần 2/3 thế giới ‘đặt gạch’ mua hàng

27-01-2024 - 07:35 AM | Thị trường

Mặt hàng này đã mang về hơn 800 triệu USD cho Việt Nam trong năm 2023.

Kho báu dưới nước trăm nghìn tấn của Việt Nam: Thu về gần 1 tỷ USD trong năm qua, gần 2/3 thế giới ‘đặt gạch’ mua hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Việt Nam may mắn sở hữu một ‘kho báu biết bơi’ với sản lượng mỗi năm lên tới hàng trăm nghìn tấn chính là loài cá ngừ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá ngừ tập trung chủ yếu ở miền Trung Việt Nam và trung tâm Biển Đông. Sản lượng cá ngừ của Việt Nam ước đạt hơn 600 nghìn tấn, trong đó cá ngừ vằn là loài khai thác chính, chiếm hơn 50% tổng nguồn lợi cá nổi. Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 3 tỉnh khai thác lớn nhất.

Sản lượng cá ngừ hàng năm (bao gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn và các loại khác) đạt hơn 200 nghìn tấn. Cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có trữ lượng trung bình trên 45 nghìn tấn, với sản lượng khai thác hàng năm từ 17.000 đến 21.000 tấn. Cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to được khai thác trong giai đoạn 6 tháng từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau. Trong khi cá ngừ vằn có thể được khai thác quanh năm.

Theo VASEP, trong tháng cuối cùng của năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022 với 73 triệu USD. Chốt năm 2023, ngành cá ngừ Việt Nam thu về 845 triệu USD, giảm 17% so với năm 2022.

Kho báu dưới nước trăm nghìn tấn của Việt Nam: Thu về gần 1 tỷ USD trong năm qua, gần 2/3 thế giới ‘đặt gạch’ mua hàng - Ảnh 2.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Trong số các thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cá ngừ Việt Nam với 326 triệu USD, giảm 33% so với năm trước tuy nhiên đã có sự bứt phá trong 3 tháng cuối năm.

Israel là thị trường lớn thứ 2 của cá ngừ Việt Nam với hơn 50 triệu USD, tăng 37% so với năm 2022 với mức tăng trưởng tốt trong các tháng đầu năm.

Bên cạnh đó xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản cũng sụt giảm trong tháng 12, với mức giảm lần lượt là 12% và 8%.

Trái với xu hướng xuất khẩu sang các thị trường kể trên, xuất khẩu cá ngừ sang châu Âu tiếp tục tăng trưởng tốt với mức tăng 25% trong tháng 12. Tuy nhiên tính cả năm 2023, xuất khẩu sang khối thị trường này chỉ tăng nhẹ 6% so với năm 2022. Tại khối thị trường này, Italy vẫn là thị trường điểm sáng với tốc độ tăng trưởng “phi mã”, tăng 361% so với năm 2022.

Sau một khoảng thời gian nhiều biến động, xuất khẩu cá ngừ sang Nga đã tăng liên tục trở lại sau những tháng cuối năm 2023. Tính riêng tháng 12, xuất khẩu cá ngừ sang Nga tăng 96% so với cùng kỳ. Lũy kế năm 2023, xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 29 triệu USD, tăng 18% so với năm trước đó.

Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam hiện đã xuất khẩu được sang 99 thị trường trên thế giới và tiếp tục mở rộng trong năm 2023, trong đó Mỹ, EU, CPTPP, Israel, Thái Lan, Saudi Arabia, Nga, Philippines, Ai Cập là 9 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, ngành cá ngừ vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2024, nhất là việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo Thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Ngoài ra, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm nhiệt, tuy nhiên căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao làm cho giá cá ngừ thành phẩm vẫn sẽ cao.

Cùng với đó, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm nên nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tại nhiều nước chưa có dấu hiệu hồi phục. Cạnh tranh tại các thị trường ngày càng gay gắt và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao.

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên