MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khoảng 300 sàn giao dịch BĐS đóng cửa, 500 tạm dừng hoạt động một phần

10-03-2020 - 11:18 AM | Bất động sản

Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam chia sẻ trên báo chí mới đây. Nguyên nhân là bởi những tháng đầu năm 2020 tình hình hoạt động của nhiều sàn BĐS rất thê thảm.

Theo ông Đính, tình hình hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch BĐS đang rất khó khăn. Có 2 nguyên nhân chính, một là tình hình thị trường ảm đạm do không có nhiều nguồn cung mới, hai là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường khiến nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động một phần.

Cụ thể, ông Đính cho biết có tới 1/3 số sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa vì chủ đầu tư dự án không mở bán sản phẩm. Tính đến hết năm 2019, cả nước có khoảng 1.000 sàn BĐS hoạt động trên thị trường, hiện đã có khoảng 300 trong số này phải đóng cửa vì khó khăn chồng chất.

Cũng theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của hội, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Một phần cho nhân viên nghỉ một phần; phần còn lại là chia nhân sự công ty thành nhiều nhóm nhỏ, các nhóm sẽ làm việc và nghỉ phép luân phiên để giảm việc giảm lương mà vẫn duy trì được bộ máy.

Theo ghi nhận, cả năm 2019 và bước sang đầu năm 2020, thị trường hiếm hàng, những sàn nhỏ lẻ thì cầm hơi, rất nhiều sàn không duy trì được phải chấp nhận đóng cửa là thực tế đang diễn ra trên thị trường địa ốc. Thị trường không đủ hàng để bán, trong khi nhân viên lại quá nhiều, các sàn phải vừa phải cầm cố trả lương cho nhân viên, vừa lo các chi phí như mặt bằng, marketing… khiến họ hụt hơi.

Thực tế, thời gian qua rất nhiều môi giới BĐS không thể “kiếm cơm” từ nghề. Không ít trong số họ đã dần chuyển qua làm việc khác hoặc tạm nghỉ một thời gian. Ở các điểm nóng BĐS hiện người đi xem đất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều nền đất có hiện tượng hạ giá để ra hàng cũng không có giao dịch.

Khoảng 300 sàn giao dịch BĐS đóng cửa, 500 tạm dừng hoạt động một phần - Ảnh 1.

Hầu hết các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm ra thị trường của sàn BĐS, của chủ đầu tư không thể thực hiện được ở thời điểm này. Ảnh: Minh họa

Bên cạnh khó khăn về nguồn cung, nhiều dự án không ra được hàng bởi dịch Covid-19. Khá nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị cho các kế hoạch tiếp cận khách hàng nhưng do lượng khách quan tâm dự án ít nên dừng kế hoạch để triển khai nội dung khác. Một số doanh nghiệp khác thì chờ diễn biến của dịch bệnh mới bung hàng hoặc dời kế hoạch triển khai dự án vào quý cuối năm. Hầu hết các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm ra thị trường của sàn BĐS, của chủ đầu tư không thể thực hiện được ở thời điểm này.

Số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra, tính đến hết năm 2019, BĐS là ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể cao nhất với 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% theo năm và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4%.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, lượng 686 doanh nghiệp BĐS giải thể nói trên chủ yếu là những công ty cung cấp dịch vụ môi giới.

Trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp nhỏ chịu nhiều tác động nhất. Không chỉ các sàn quy mô nhỏ mà các chủ đầu tư nhỏ cũng phải “cầm cự” và có nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào. Theo các chuyên gia trong ngành, xu hướng doanh nghiệp BĐS nhỏ ngừng hoạt động và giải thể gia tăng trong năm qua là điều đã được đoán trước đó. Đây là hệ quả của khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng khi lãi suất gia tăng và hạn chế những chương trình ưu đãi dành cho ngành BĐS.

Cụ thể, lãi suất tiếp tục tăng cao (lãi suất huy động lên 8,7%, cộng thêm biên độ 3% thì lãi suất cho vay lên đến 11-12%); nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay BĐS tăng từ 150% lên 200%… khiến cho ngân hàng phải cẩn trọng hơn trong việc cho vay kinh doanh BĐS.

Theo chuyên gia, trong giai đoạn 2009-2010, thị trường đã đối mặt với cuộc khủng hoảng "thừa" khi nguồn cung bất động sản lớn nhưng không có người tiêu thụ thì hiện nay thị trường BĐS lại đối mặt với “khủng hoảng thiếu” khi nhu cầu có nhưng không có nguồn cung để đáp ứng.

Cũng theo các chuyên gia, có thể từ quý 2/2020 trở đi thì thị trường BĐS Tp.HCM và các tỉnh lân cận mới có dấu hiệu rục rịch trở lại với một số dự án chung cư/nhà phố được bung ra thị trường. Tuy vậy, một số doanh nghiệp vẫn tin tưởng rằng năm nay là năm sàng lọc của thị trường BĐS và diễn biến chung là vẫn sẽ phát triển ổn định trong vòng 2 năm tới.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên