Không phải các nhà máy, người tiêu dùng mới là bộ phận đang gồng gánh kinh tế toàn cầu
Dựa trên chỉ số PMI tháng 6 mới được nhiều nước công bố, có thể thấy hoạt động sản xuất tại nhiều nền kinh tế lớn đang suy giảm mạnh.
- 07-06-2023Cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu
- 19-04-2023Dự báo kém vui cho kinh tế toàn cầu
- 18-04-2023‘Gấp đôi’ Mỹ: Quốc gia châu Á này sẽ là động lực tăng trưởng số 1 cho nền kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới
Tờ Bloomberg nhận định, đang xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới giờ đây phụ thuộc vào 1 cỗ máy duy nhất. Ngành dịch vụ trở thành động lực chính của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các nhà máy từ Nhật Bản tới Mỹ buộc phải giảm tốc độ của dây chuyền sản xuất và chật vật tìm kiếm đơn hàng mới.
Theo chỉ số PMI tháng 6 mới được nhiều nước công bố, hoạt động sản xuất tại nhiều nền kinh tế lớn đang suy giảm mạnh. PMI của Mỹ chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, trong khi của Eurozone sụt giảm mạnh hơn dự báo và xuống thấp nhất trong hơn 3 năm trở lại đây.
Khi mà người tiêu dùng chuyển sự tập trung sang ngành dịch vụ thay vì mua hàng hóa như thời gian trước, các công ty lại phải đối phó với hàng tồn kho chất đống. Và chiến dịch tăng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập kỷ của các NHTW từ Fed đến ECB lại khiến chi phí huy động vốn tăng vọt.
Tin tức xấu về PMI kéo theo nỗi lo suy thoái và khiến sắc đỏ bao trùm chứng khoán toàn cầu trong khi trái phiếu tăng giá mạnh. Chứng khoán Mỹ vừa ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3. Với các NHTW vẫn muốn tăng lãi suất để chống lạm phát, lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài lại rơi xuống mức thấp hơn kỳ hạn ngắn. Hiện tượng này gọi là đường cong lợi suất bị đảo ngược – điều mà các chuyên gia kinh tế coi là dấu hiệu điển hình cho thấy suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Ở Đức, đường cong lợi suất đảo ngược mạnh nhất kể từ năm 1992. Ở Anh, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cao hơn 10 năm với mức chênh lệch lớn chưa từng thấy kể từ năm 2000. Tại Mỹ cũng tương tự.
Bỗng chốc nguy cơ suy thoái lại hiện ra rất rõ ràng, trái ngược với nhận định thế giới sẽ tránh được suy thoái mà nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các nhà hoạch định chính sách đưa ra trong thời gian gần đây.
Vừa mới bước sang nửa sau của năm 2023, các công xưởng trên toàn thế giới đồng loạt co hẹp hoạt động sản xuất. Điều đó đồng nghĩa người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong vài năm gần đây.
“Số đơn hàng mới sụt giảm mạnh nghĩa là các nhà máy đang dần cạn kiệt việc làm”, Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence nhận định. “Giờ đây câu hỏi đặt ra là liệu ngành dịch vụ có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh khi phải đối diện với sự suy giảm trong ngành sản xuất và những tác động từ các đợt tăng lãi suất hay không”.
Còn đối với các NHTW, tình thế hiện nay khiến họ càng đau đầu trước quyết định nên tăng lãi suất bao nhiêu. “Fed muốn tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, bởi vì chỉ có như vậy thì lạm phát mới có thể hạ nhiệt. Kinh tế Mỹ có thể không suy giảm quá sâu và quá lâu, nhưng sự suy giảm đó là rất cần thiết”, Lindsey Piegza, chuyên gia kinh tế trưởng tại Stifel Nicolaus nói.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường