Kinh tế Việt Nam 2023: Nhiều điểm sáng nổi bật
(Chinhphu.vn) - Thể chế tiếp tục được hoàn thiện, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công tăng cao so với năm 2022, xuất khẩu phục hồi trở lại… là những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
- 02-12-2023Phê duyệt đầu tư Dự án Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn
- 02-12-2023Nhà đầu tư Hàn Quốc rót tới 14,5 tỷ USD vào tỉnh nhỏ nhất Việt Nam, phía Samsung, Amkor đề xuất giải pháp về thuế tối thiểu toàn cầu, sử dụng nhân sự trình độ cao
- 02-12-2023Chỉ còn 1 tháng hoàn thành, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn thiếu cát
Đó là đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo "Nền kinh tế Việt Nam năm 2023: Có bao nhiêu điểm sáng" do Câu lạc bộ Các nhà kinh tế phối hợp với Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tổ chức ngày 1/12.
Chính sách hỗ trợ thị trường chưa từng có
Nhận định về nền kinh tế Việt Nam năm 2023, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng có nhiều điểm sáng nổi bật.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam không thể tránh được những tác động từ tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, nhưng những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế hiện khá rõ nét. Nền kinh tế có nhiều động lực cho tăng trưởng cả năm 2023 và 2024, như: Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; dịch vụ, tiêu dùng tăng khá; đầu tư công được đẩy mạnh, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; lạm phát và lãi suất đang giảm, tỉ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát…
Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 5-5,2%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Củng cố cho những nhận định trên, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra những điểm sáng cụ thể như xuất khẩu tháng đầu năm giảm tới 26% nhưng đến thời điểm này, mức giảm chỉ còn dưới 6%. Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp, thời điểm đầu năm có lúc tăng trưởng âm đến 15% nhưng hiện đã đạt mức tăng dương 1%. "Mức độ giảm đang ít đi có nghĩa là kinh tế đang tốt lên. Rõ ràng chúng ta đã phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng tích cực", TS. Cấn Văn Lực khẳng định.
Về đầu tư, với ba dòng vốn đầu tư chính của nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đánh giá đầu tư công đang triển khai rất tốt, đến thời điểm hiện nay đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng trưởng khoảng 4%. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân chưa như kỳ vọng, chỉ đạt khoảng trên 3%, trong khi thông thường mức tăng vào khoảng 6-7%. Do đó, ông khuyến nghị, thời điểm này cần có các biện pháp để phục hồi đầu tư của khối tư nhân.
Trái phiếu doanh nghiệp, giá trị phát hành cũng đang chuyển biến tích cực. Đến cuối tháng 11, phát hành trái phiếu đạt 240.000 tỷ đồng. Quan sát số liệu từng tháng cho thấy, giá trị phát hành tháng sau cao hơn tháng trước, riêng tháng 10 giá trị trái phiếu phát hành thành công khoảng 41.000 tỷ đồng, tăng 194% so với tháng 10 năm 2022.
Với thị trường bất động sản, lượng cung nhà ở bắt đầu tăng trở lại và số lượng giao dịch trong quý III đã tăng 1,5 lần so với quý II, vào khoảng 6.000 giao dịch thành công. Tuy chưa được như mong muốn nhưng thị trường quan trọng này đang chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, một điểm sáng quan trọng theo TS. Cấn Văn Lực đó là việc thúc đẩy hoàn thiện thể chế. Nhiều quy định, luật quan trọng, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… được sửa đổi, dù không thông qua cùng thời điểm.
Bên cạnh đó, toàn bộ các chính sách (bao gồm giãn, hoãn, giảm thuế, phí…) mà Chính phủ ban hành trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ cho các thị trường, như thị trường vốn, đất đai, bất động sản, du lịch…, có thể nói là chưa từng có. Đáng chú ý, hầu hết các chính sách áp dụng từ thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đến nay được giữ nguyên.
Cơ hội trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao
Cùng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, từng có nhiều năm làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, TS. Phạm Đỗ Chí, cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn hiện nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng đầu năm vẫn đạt hơn 322 tỷ USD (chỉ giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022) là một trong những điểm sáng quan trọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Cùng với đó, con số kiều hối chuyển về nước năm 2023 ước đạt 14 tỷ USD và số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 11 tháng đạt gần 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước cũng là những điểm sáng ấn tượng.
Vị chuyên gia này cho biết rất kỳ vọng vào việc Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác lên mức chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Theo ông, việc nâng cấp này sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao của thế giới trong tương lai.
Theo TS. Phạm Đỗ Chí, trong bối cảnh địa chính trị trên thế giới phức tạp, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực công nghệ. Tiêu biểu như Tập đoàn Samsung đầu tư 19 tỷ USD, gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam; hay Apple và nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới khác như Google, Dell, Amazon cũng đang thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Đây sẽ là những cơ sở để Việt Nam phát triển ngành công nghệ bán dẫn trong nước. Tuy nhiên, đó là kế hoạch dài hạn, cần có sự chuẩn bị về chính sách, đào tạo nguồn nhân lực....
Nông nghiệp tiếp tục là "trụ chính" của nền kinh tế
Theo PGS.TS. Nguyễn Chí Hải, nguyên Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm đạt 3,43%, vượt mức cùng kỳ năm 2022, đóng góp 9,16% vào mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Dự báo đến hết năm 2023 sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3,5%, như kế hoạch đặt ra.
Về giá trị, kết quả xuất khẩu nông nghiệp 9 tháng đầu năm đạt hơn 38 tỷ USD, nhập khẩu hơn 30 tỷ USD, xuất siêu hơn 9 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến cả năm xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt mục tiêu 54 tỷ USD.
Đánh giá cao vai trò của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế, nhất là trong một năm nhiều khó khăn, PGS.TS. Nguyễn Chí Hải nhìn nhận việc giữ được tăng trưởng ổn định cho thấy nông nghiệp tiếp tục là "điểm sáng" nổi bật của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò "bệ đỡ" và là "trụ chính" của nền kinh tế.
Triển vọng năm 2024
Theo các chuyên gia, với những thách thức do xung đột địa chính trị và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nguy cơ lạm phát tại các thị trường chủ chốt của Việt Nam vẫn tiềm ẩn, thị trường trong nước còn yếu, đầu tư khu vực tư nhân chưa phục hồi…, tuy nhiên, những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023, những động lực cho tăng trưởng hiện nay sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Green+, ông Đặng Đức Thành cho biết, 11 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 322,5 tỷ USD, mức giảm chỉ còn 5,9% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu gần 26 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 11 tháng ước đạt 88 tỷ USD. Do đó, ưu tiên sản xuất những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cho thị trường này nên là hướng đi mà các doanh nghiệp, trong đó có Green+ cần quan tâm trong thời gian tới.
TS. Phạm Đỗ Chí nhận định, việc Fed tạm ngừng tăng lãi suất, chính sách của Fed ổn định sẽ giúp cho nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi, đồng thời cũng sẽ tác động tích cực đến các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Thêm vào đó, năm 2024 cũng là năm bầu cử, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ chi tiêu mạnh hơn, do đó, triển vọng xuất khẩu vào thị trường này của Việt Nam sẽ rất tích cực. Và các doanh nghiệp nên có kế hoạch tăng cường sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khi kinh tế Hoa Kỳ và các thị trường khác phục hồi.
Với thị trường trong nước, bên cạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, cần quan tâm chính sách kích cầu và chính sách tiền tệ trong năm 2024. Giảm VAT nên áp dụng đến cuối năm 2024.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, tăng trưởng kinh tế năm 2024, thế giới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ nhưng Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6 - 6,5%. Để đảm bảo mức tăng trưởng này, những cơ chế, chính sách về tài khóa từ năm 2023 nên tiếp tục áp dụng. Các chính sách tiền tệ, như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cũng cần kéo dài thực hiện đến hết năm.
Với các doanh nghiệp, phải đẩy mạnh cơ cấu lại, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng, và nhất là nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh hóa và số hóa. Với các doanh nghiệp bất động sản, phải chấp nhận bán tài sản để cơ cấu lại nợ. Hiện giá bất động sản tại Việt Nam vẫn tương đối cao so với mặt bằng thu nhập, giá bất động sản nên giảm xuống cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân, chỉ như thế mới phát triển bền vững.
VGP