MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn

Nền kinh tế Việt Nam có sức chống chịu tốt với nhiều khó khăn, thách thức và đang phục hồi tốt.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức nhưng Việt Nam đang ở thời điểm vô cùng quan trọng với rất nhiều cơ hội, nếu doanh nghiệp bỏ lỡ sẽ vô cùng lãng phí.

Nhận định trên được các chuyên gia chia sẻ tại buổi "Cà phê doanh nhân HUBA" lần thứ 75 với chủ đề: "Kinh tế Việt Nam và Thành phố 2024 - Vấn đề doanh nhân quan tâm" diễn ra ngày 9-3, do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức.

Tại chương trình, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhận định, kinh tế thế giới năm 2024 dự báo tăng trưởng chậm so với 2023 (2,4% so với mức 2,6% của năm 2023) nhưng tín hiệu tích cực là lạm phát tiếp tục giảm, các ngân hàng Trung ương trên thế giới đang tính toán giảm lãi suất. Sức cầu ở các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ, châu Âu… đang phục hồi.

Kinh tế Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn- Ảnh 1.

Ts Cấn Văn Lực chỉ ra nhiều cơ hội kinh tế phục hồi năm 2024

Trong nước, sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam tương đối tốt, kinh tế phục hồi rõ nét ở hầu hết lĩnh vực. Sản xuất công nghiệp và dịch vụ phục hồi tốt hơn; xuất khẩu và tiêu dùng tiếp đà phục hồi; đầu tư công, đầu tư tư nhân và thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được đẩy mạnh; cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu từ việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia. 

Cùng với đó, lạm phát được dự báo tăng nhưng trong tầm kiểm soát, lãi suất giảm, tỉ giá cơ bản sẽ ổn định, thị trường chứng khoán và bất động sản cũng đang có dấu hiệu phục hồi.

Bên cạnh nhiều cơ hội, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với những thách thức như: giải ngân đầu tư công chưa có đột phá, nhiều rủi ro ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian mới có thể xử lý và lành mạnh hóa. 

Bên cạnh đó, thể chế cho các lĩnh vực mới (kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn…) còn chậm ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ vẫn còn diễn ra.

Cũng nhìn nhận sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam lẫn các doanh nghiệp tại Việt Nam tương đối tốt, tuy nhiên TS Trần Du Lịch, Thành viên tư vấn hội đồng tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 (Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM), dự báo tăng trưởng trong nước năm 2024 không cao.

Kinh tế Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn- Ảnh 3.

Theo Ts Trần Du Lịch, TP HCM đang xây "đà" để tạo sức bật cho trung và dài hạn

"Giai đoạn 2024-2025, chúng ta tập trung thể chế, hạ tầng để tạo sức bật cho năm 2026 trở về sau. Có thể thấy TP HCM đang phát triển không theo tư duy nhiệm kỳ, giải quyết vấn đề trước mắt mà xây dựng, củng cố nền tảng cho phát triển trung và dài hạn" – TS Lịch nói.

Ông đặt vấn đề làm sao cho khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp thuần Việt phát triển mạnh. Trong giai đoạn tới, chính sách phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước, làm sao cho doanh nghiệp Việt lớn lên trong bối cảnh mới, cơ hội mới là đặc biệt quan trọng bởi doanh nghiệp trong nước là đội ngũ quyết định sự phát triển của đất nước.

Theo Thanh Nhân

Báo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM