MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KOTO: Từ tổ chức từ thiện cho trẻ em đường phố đến một doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững

11-12-2018 - 15:11 PM | Doanh nghiệp

“Biết một, dạy một”, KOTO đã trang bị hành trang vào đời cho hàng nghìn trẻ em đường phố. Khi trưởng thành, học viên của KOTO tiếp tục giúp đỡ cho những người khác có hoàn cảnh khó khăn, cơ cực.

20 năm đào tạo trẻ em đường phố

Phố Văn Miếu (Hà Nội) và Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) là nơi có những nhà hàng đặc biệt. Tại đây, hàng nghìn trẻ em đường phố Việt Nam đã có mái ấm và được nhận sự đào tạo nghề.Năm 1999, Jimmy Phạm Việt Tuấn đã sáng lập Trung tâm KOTO (Know One, Teach One) và bắt đầu thu nhận những trẻ em đường phố có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Ý tưởng này xuất hiện sau lần trở lại Việt Nam vào năm 1996, khi Jimmy bắt gặp 4 đứa trẻ bụi đời ở quận 1 (TP.HCM). Jimmy muốn thay đổi cuộc đời của những trẻ em đường phố Việt Nam bằng sức mạnh của giáo dục.Tên đầy đủ của KOTO có ý nghĩa là "Biết một, dạy một". 

Theo Jimmy, câu này thể hiện mong muốn được giúp đỡ thêm thật nhiều trẻ em, biết một người, dạy một người. Dù vậy, khả năng hiện tại chưa cho phép điều đó. KOTO chỉ tiếp nhận người trong độ tuổi 16 đến 22. Quá trình tuyển chọn kéo dài 2-3 tháng nhằm xác định người đó có hoàn cảnh đặc biệt như thế nào và mức độ phù hợp với công việc ra sao.

97% trẻ em chọn tiếp tục theo học tại KOTO sau tuyển chọn. Kinh phí đào tạo trong 2 năm cho mỗi học viên là khoảng 10.000 USD, được huy động từ các nguồn tài trợ từ thiện. Những học viên hoàn thành khóa học sẽ được cấp chứng chỉ quốc tế về lĩnh vực nhà hàng khách sạn. Đồng thời, các bạn trẻ cũng được dạy về kỹ năng mềm cần thiết trong cuộc sống như tiếp, quản lý chi tiêu,… mở ra con đường việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

KOTO: Từ tổ chức từ thiện cho trẻ em đường phố đến một doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững - Ảnh 1.

Jimmy và các học viên tại KOTO

Năm 2015, số lượng học viên tốt nghiệp từ trung tâm KOTO đã lên đến con số 600. Những bạn trẻ này sau đó tiếp tục có đóng góp trong việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Jimmy từng chia sẻ, KOTO đang dần từ bỏ hình ảnh của một tổ chức từ thiện để trở thành một doanh nghiệp có khả năng tự túc lâu dài nhờ lợi nhuận từ hoạt động của nhà hàng và đóng góp của chính các học viên đã tốt nghiệp.

Các cựu học viên KOTO tiếp tục nhân lên những điều kỳ diệu

Không chỉ huấn luyện để mỗi cá nhân có thể sống độc lập bằng nghề của mình, KOTO đã thực sự giúp những trẻ em đường phố năm nào có thể phát triển lên cao hơn. Năm 2012, nhóm cựu học viên KOTO đã cùng nhau mở ra nhà hàng Pots’n Pans tại Hà Nội. Một phần lợi nhuận từ nhà hàng này được ủng hộ cho hoạt động của KOTO.

Nguyễn Thị Thảo, học viên khóa 1 tại KOTO đã được nhận làm việc tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội. Sau đó, cô đã quyết định trở lại nhà hàng KOTO để truyền lại kiến thức và kinh nghiệm cho các học viên mới. Khi được chọn là Đại sứ thiện chí KOTO, Thảo đã sang Australia để tham gia khóa học Cử nhân Quản trị Du lịch Khách sạn tại Học viện Box Hill.

KOTO: Từ tổ chức từ thiện cho trẻ em đường phố đến một doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững - Ảnh 2.

Nữ hoàng Đan Mạch chế biến món ăn cùng các học viên KOTO tại Hà Nội năm 2012

Mô hình KOTO được nhiều nhà lãnh đạo thế giới quan tâm và quan tâm đặc biệt. Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã tới dùng bữa tại nhà hàng KOTO Hà Nội, khi đó mới mở cửa được 2 năm. Năm 2012, Nữ hoàng Đan Mạch cũng đã tới thăm nhà hàng và cùng chế biến món ăn với các học viên.

Với sự thành công của mô hình KOTO, Jimmy đã lọt vào chung kết Giải thưởng Doanh nghiệp xã hội của Quỹ Schwab (nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới –WEF). 2 năm sau (năm 2011), WEF đã bình chọn Jimmy là Lãnh đạo trẻ toàn cầu (Young Global Leader). UNICEF cũng đã trao giải thưởng ZEROaward cho nhà sáng lập trung tâm KOTO vì những sáng tạo trong việc hỗ trợ trẻ em.

Bình An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên