MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KQKD ngành phân bón quý 1: Bên lãi đậm, bên thua lỗ nặng nề

Trong khi Đạm Cà Mau bị sụt giảm lợi nhuận, Đạm Hà Bắc thua lỗ thì Đạm Phú Mỹ lại gây bất ngờ với con số lãi gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020 – quý có nhiều biến động do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên khắp thế giới và kéo dài.

Các doanh nghiệp ngành phân bón cũng không ngoại lệ khi phần lớn các doanh nghiệp trên sàn đều có kết quả kinh doanh giảm sút so với cùng kỳ, thậm chí nhiều doanh nghiệp lỗ.

Bất ngờ đến từ Đạm Phú Mỹ

Tuy vậy, nổi bật trong đó vẫn có những doanh nghiệp lãi lớn so với cùng kỳ. Bất ngờ nhất là Đạm Phú Mỹ (DPM) với số lãi gần gấp đôi quý 1 năm ngoái, đạt 106 tỷ đồng.

Không chỉ lợi nhuận tăng, doanh thu quý 1 của Đạm Phú Mỹ đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó chi phí giá vốn chỉ tăng 4% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đã tăng 26% so với cùng kỳ.

Giải trình từ phía công ty, nguyên nhân làm tăng lợi nhuận trong kỳ là do giá khí là nguyên liệu đầu vào chính của sản phẩm Đạm Phú Mỹ nên giá khí quý 1/2020 giảm đã làm cho giá thành sản phẩm giảm, ngoài ra sản lượng hàng bán Ure ĐPM tăng so với cùng kỳ là 40%.

Tuy vậy, nếu so với kết lợi nhuận quý 4/2019 – quý diễn ra ngay trước đó, thì lợi nhuận quý 1 vừa qua của Đạm Phú Mỹ đạt chưa bằng một nửa.

KQKD ngành phân bón quý 1: Bên lãi đậm, bên thua lỗ nặng nề - Ảnh 1.

Lợi nhuận của Đạm Cà Mau giảm mạnh

Một trong những "ông lớn" khác trong ngành phân bón là Đạm cà Mau (DCM) với doanh thu giảm sút 7% xuống còn 1.347 tỷ đồng, còn gần 93 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với số lãi gần 188 tỷ đồng đạt được quý 1 năm ngoái.


Theo báo cáo, giá bán Ure thương mại bình quân 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019 làm giảm doanh thu sâu hơn tỷ lệ giảm giá vốn.

KQKD ngành phân bón quý 1: Bên lãi đậm, bên thua lỗ nặng nề - Ảnh 2.

Đến cuối quý 1/2020 Đạm Cà Mau vẫn duy trì khoản tiền gửi ngân hàng rất lớn với kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới 12 tháng trên 2.000 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho đến cuối quý 1 tăng 354 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên 1.663 tỷ đồng chủ yếu do tăng giá trị thành phẩm và hàng hóa. Trong khi đó công ty cũng duy trì khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.150 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 675 tỷ đồng. Tổng vay nợ tài chính 1.825 tỷ đồng).

Cả Phân bón Bình Điền (BFC), Super Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), phân bón Hóa chất và Dầu khí Miền Trung (PCE), Phân lân Nung chảy Văn Điển (VAF)... cũng có lợi nhuận quý 1 giảm sút mạnh so với cùng kỳ.

Đạm Hà Bắc lỗ nặng, đã âm vốn chủ sở hữu 880 tỷ đồng

Đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp ngành phân bón lỗ nặng là Đạm Hà Bắc (DHB) với số lỗ hơn 360 tỷ đồng, gấp 6 lần so với số lỗ hơn 53 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1 năm ngoái. Và quý 1 năm nay Đạm Hà Bắc cũng lỗ lớn, tăng 65% so với số lỗ hơn 217 tỷ đồng ghi nhận ngay trong quý 4 vừa qua. 

Quý 1 năm nay cũng là quý lỗ lớn nhất của Đạm Hà Bắc trong nhiều năm trở lại đây. Tổng lỗ lũy kế đến hết quý 1/2020 lên đến 3.649 tỷ đồng, công ty đã âm vốn chủ sở hữu 880 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận giảm, nhưng doanh thu quý 1 vừa qua của Đạm Hà Bắc lại tăng 10% lên gần 819 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là bán hàng dưới giá vốn, làm cho công ty đã lỗ gộp 85 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.

KQKD ngành phân bón quý 1: Bên lãi đậm, bên thua lỗ nặng nề - Ảnh 3.

Khó khăn mà Đạm Hà Bắc gặp phải vẫn là vấn đề giá bán sản phẩm giảm do giá thế giới và trong nước giảm mạnh. Trong khi đó chi phí lãi vay, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn.

Những doanh nghiệp lỗ trong quý 1 còn có DAP Vinachem (DDV) và Phân bón Miền Nam (SFG).

Các doanh nghiệp dè dặt đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020

Sang năm 2020 diễn ra trong bối cảnh các yếu tố về thị trường phân bón, giá khí tiếp tục có những khó khăn như đã diễn ra trong năm 2019. Đặc biệt, về nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn, các nguồn khí giá rẻ sụt giảm sản lượng. 

Tuy nhiên, với nỗ lực hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm, Đạm Phú Mỹ kỳ vọng cụm dự án mới NH3 –NPK sẽ vận hành thương mại ổn định và đóng góp đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn tới. Do vậy DPM ước đạt 9.237 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 33% so với con số 6.945 tỷ đồng đạt được năm 2019. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 512 tỷ đồng. Và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 433 tỷ đồng, tăng 17% kết quả đạt được năm 2019.

Bên cạnh đó, hàng loạt các thách thức do các yếu tố bên ngoài như giá khí cao, hạn hán, ngập mặn kỷ lục tại ĐBSCL, dịch bệnh Covid-19 dẫn đến mọi hoạt động đều bị đình trệ, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao. 

Do vậy Đạm Cà Mau cũng dè dặt đặt mục tiêu kinh doanh cho năm 2020 với doanh thu ước tính đạt hơn 7.956 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với kết quả đặt ra cho năm 2019. Tuy nhiên kế hoạch lợi nhuận thấp bất ngờ với lãi trước thuế dự kiến chỉ hơn 57 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt gần 52 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh của công ty tạm tính theo phương án giá dầu năm 2020 đạt bình quân 60USD/thùng.

KQKD ngành phân bón quý 1: Bên lãi đậm, bên thua lỗ nặng nề - Ảnh 4.

Phân bón Bình Điền (BFC) nhận định tình hình hoạt động kinh doanh của công ty sẽ còn nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chính sách về thuế phòng vệ đối với mặt hàng DAP nhập khẩu, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt... sẽ là những tác động trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Do vậy Phân Bón Bình Điền đặt kế hoạch gần 6.023 tỷ đồng tổng doanh thu năm 2020, giảm 3,3% so với tổng doanh thu đạt được năm 2019. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 153 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2019, trong đó lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ 102 tỷ đồng.

Quý 1 năm 2020 đã khép lại với nhiều biến động trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong hầu hết các ngành nghề. Dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Việt Nam nhưng vẫn đang hoành hành và lan rộng trên toàn thế giới, làm ảnh hưởng nhiều đến kinh tế nói chung.

Do vậy những quý tiếp theo được dự báo là sẽ còn nhiều khó khăn với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

KQKD ngành phân bón quý 1: Bên lãi đậm, bên thua lỗ nặng nề - Ảnh 5.

Thạch Lâm

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên