Kỷ lục 110 triệu người trên toàn thế giới buộc phải di cư
Kỷ lục 110 triệu người trên toàn thế giới đã buộc phải sơ tán khỏi nhà của họ, LHQ cho biết hôm 14/6, coi sự bùng nổ này là một "bản cáo trạng của thế giới".
- 08-03-2023Bất ngờ với làn sóng di cư ở Nhật Bản: Bỏ quê hương với mong mỏi tìm "việc nhẹ, lương cao"
- 01-03-2023Nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư trở lại châu Âu
- 08-01-2023'Cuộc di cư' lớn nhất hành tinh trở lại sau 2 năm gián đoạn: Hơn 2 tỷ lượt đi lại là trải nghiệm như thế nào?
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, cuộc chiến Nga - Ukraine, người tị nạn chạy trốn khỏi Afghanistan và cuộc chiến ở Sudan đã đẩy tổng số người tị nạn buộc phải tìm nơi trú ẩn ở nước ngoài cũng như phải sơ tán trong nước tại những quốc gia này lên một mức cao chưa từng có.
Vào cuối năm 2022, 108,4 triệu người đã phải di dời, UNHCR công bố trong báo cáo thường niên Xu hướng toàn cầu về di dời cưỡng bức. Con số này đã tăng 19,1 triệu người từ cuối năm 2021, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay kể từ khi hồ sơ bắt đầu được thống kê vào năm 1975.
Kể từ đó, xung đột, giao tranh ở Sudan đã dẫn tới nhiều cuộc di cư hơn, khiến tổng số người phải đi sơ tán trên toàn cầu ước tính tăng lên tới 110 triệu người vào tháng 5.
"Chúng tôi có 110 triệu người đã phải bỏ trốn vì xung đột, đàn áp, phân biệt đối xử và bạo lực, thường được trộn lẫn với các động cơ khác, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu", người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nói trong một cuộc họp báo ở Geneve. "Đó là một bản cáo trạng đối với thực trạng của thế giới chúng ta".
Người tị nạn Congo xếp hàng để được kiểm tra an ninh và sức khỏe ở Zombo, gần biên giới giữa Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo. (Ảnh: UNHCR)
Trong tổng số người phải sơ tán toàn cầu trong năm 2022, 35,3 triệu người tị nạn chạy ra nước ngoài, với 62,5 triệu người phải sơ tán trong nước. Có 5,4 triệu người xin tị nạn và hơn 5,2 triệu người khác, chủ yếu đến từ Venezuela, cần được quốc tế bảo vệ.
Ông Grandi nói: "Tôi quan ngại rằng con số này có thể sẽ tăng cao hơn nữa".
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn lưu ý rằng khoảng 76% người tị nạn chạy sang các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong khi 70% ở lại các nước láng giềng.
Khoảng 467.000 người đã rời khỏi Sudan kể từ khi giao tranh giữa các bên tham chiến nổ ra vào giữa tháng 4, trong khi hơn 1,4 triệu người đã phải di dời trong nước.
Có 6,5 triệu người tị nạn Syria vào cuối năm 2022, trong đó 3,5 triệu người tới nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.
5,7 triệu người tị nạn Ukraine, trong đó cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 đã gây ra dòng người tị nạn nhanh nhất kể từ Thế chiến II.
Năm 2022, hơn 339.000 người tị nạn ở 38 quốc gia đã quay trở lại quê hương, trong khi 5,7 triệu người tản cư trong nước đã trở về nhà.
Các quốc gia có nhiều người tị nạn nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (3,6 triệu), Iran (3,4 triệu), Colombia (2,5 triệu), Đức (2,1 triệu) và Pakistan (1,7 triệu).
VTV