Kỷ lục gần 123.000 vụ lạm dụng trẻ em vào năm 2023 tại Nhật Bản
Cảnh sát Nhật Bản đã cảnh báo các trung tâm phúc lợi trẻ em về con số kỷ lục 122.806 trẻ nghi bị lạm dụng vào năm 2023, tăng 6,1% so với năm trước đó.
- 27-03-2024Công ty Nhật Bản chuyển từ sản xuất tã lót trẻ em sang bỉm người lớn
- 28-02-2024‘Buồn’ của nền kinh tế hàng đầu thế giới: 8 triệu người lớn, 3 triệu trẻ em đang chịu cảnh 'chạy ăn từng bữa', đến mua rau cũng phải ‘nâng lên hạ xuống’...
- 23-02-2024Trung Quốc là một trong những nơi nuôi dạy trẻ em đắt đỏ nhất thế giới
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh lo ngại và nhận thức ngày càng tăng về thực trạng lạm dụng trẻ vị thành niên, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết hôm 28/3.
Theo dữ liệu do Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản tổng hợp, cảnh sát nước này đã tiến hành 2.385 cuộc điều tra hình sự về các vụ lạm dụng trẻ em vào năm 2023, tăng 9,4% so với năm 2022 và cũng là con số cao nhất từ trước đến nay.
Số trẻ em dưới 18 tuổi được chuyển đến các trung tâm phúc lợi trẻ em vì bị bạo hành tinh thần đã tăng lên mức cao kỷ lục 90.761 trẻ, trong đó có 52.611 em chứng kiến bạo lực gia đình đối với các thành viên trong gia đình.
Những trẻ em bị lạm dụng thể chất là 21.520, trong khi 10.205 trẻ bị bỏ rơi hoặc bỏ mặc và 320 em bị lạm dụng tình dục.
Trong số các vụ án dẫn đến điều tra hình sự, 1.903 trẻ bị lạm dụng thể chất, 372 bị lạm dụng tình dục, 65 bị bạo hành tinh thần và 45 bị bỏ mặc hoặc bỏ rơi.
Tuy nhiên, có 28 trường hợp tử vong liên quan đến lạm dụng trẻ em vào năm 2023 - mức thấp kỷ lục và thấp hơn đáng kể so với con số đỉnh điểm là 111 vụ vào năm 2006.
Trong khi đó, số vụ tư vấn về tình trạng bị theo dõi (hành động chủ yếu diễn ra trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, Internet... hay bất cứ đâu miễn là người bị theo dõi hay thường xuyên đăng tải và cập nhật nội dung về bản thân) tại Nhật Bản lần đầu tiên tăng sau 6 năm, lên 19.843 trường hợp. Lệnh cấm theo dõi được đưa ra cũng đạt mức cao kỷ lục 1.963, vượt qua số lượng cảnh báo ban đầu do cảnh sát đưa ra kể từ khi luật kiểm soát việc theo dõi sửa đổi có hiệu lực vào năm 2017.
Sự thay đổi về mặt lập pháp cho phép chính quyền Nhật Bản ban hành các lệnh cấm nghiêm trọng hơn nhanh hơn bằng cách cho phép họ bỏ qua các cảnh báo ban đầu.
Tư vấn về bạo lực gia đình đã tăng 4,9% so với năm trước đó, lên 88.619 trường hợp, với 70,5% nạn nhân là phụ nữ và 29,5% nam giới. Số nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình là nam giới đã tăng lên mỗi năm từ tỷ lệ 21,7% vào năm 2019, điều mà giới chức Nhật Bản cho rằng do có ít rào cản hơn đối với nam giới khi khiếu nại.
VTV