MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất huy động sắp tăng trở lại?

15-08-2017 - 21:11 PM | Tài chính - ngân hàng

“Nếu Ngân hàng Nhà nước không có động thái hỗ trợ theo kỳ vọng, cùng với thực trạng tín dụng càng được đẩy mạnh vào nửa cuối năm, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ nhanh chóng quay lại”.

Áp lực tăng lãi suất huy động có thể gia tăng vào cuối năm

Đầu năm 2017, các ngân hàng đẩy mạnh huy động đảm bảo tuân thủ Thông tư 06 khiến mặt bằng lãi suất huy động tăng nhanh, trung bình 0,1-0,5% so với cuối năm 2016. Cá biệt, một số ngân hàng thương mại cổ phần đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá khiến lãi suất huy động dài hạn lên đến 9,2%/năm.

Tuy vậy, lãi suất huy động đã bắt đầu giảm nhiệt kể từ quý II khi thị trường kỳ vọng về việc giãn lộ trình áp dụng Thông tư 06 và thanh khoản hệ thống được cải thiện nhờ lượng tiền gửi lớn của KBNN tại các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định, ngoại trừ 1 số điều chỉnh nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên sau động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ ngày 10/7/2017.

Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2016 đã đạt 8,16%, so với cùng kỳ năm 2016 là 7,86%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng năm 2016 là 18,71% và tín dụng cuối năm thường tăng tốt hơn đầu năm, mục tiêu 18% trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Tại thời điểm cuối quý II, một số ngân hàng đã sử dụng 70% giới hạn mục tiêu của NHNN và có thể xin gia tăng hạn mức. Trong trường hợp NHNN nới hạn mức đề xuất của các ngân hàng này, tín dụng cả năm nhiều khả năng được đẩy mạnh hơn nữa. Trường hợp ngược lại, các ngân hàng này có thêm động lực để cơ cấu các khoản vay, chọn lọc khách hàng tốt và cải thiện chất lượng tài sản.

Áp lực tăng lãi suất huy động đã được giảm nhẹ trong quý II/2017. Tuy nhiên, theo trong một báo cáo mới công bố, các chuyên gia tại CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, nếu NHNN không có động thái hỗ trợ theo kỳ vọng, cùng với thực trạng tín dụng càng được đẩy mạnh vào nửa cuối năm, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ nhanh chóng quay lại.

“Điều này nếu xảy ra sẽ rủi ro cho các ngân hàng khi lãi suất cho vay khó tăng, đặc biệt sau động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, ảnh hưởng tiêu cực đến NIM các ngân hàng. Trong khi đó, thanh khoản thị trường liên ngân hàng có thể đảo chiều, gây bất lợi đối với các khoản đầu tư trái phiếu kỳ hạn dài diễn ra sôi động trong nửa đầu năm”, báo cáo này cho hay.

VCBS cũng cho rằng, NHNN còn dư địa để hỗ trợ mặt bằng lãi suất thấp, trong đó có thể cân nhắc đến các phương án như nới lỏng quy định Thông tư 06 hoặc đẩy mạnh mua ngoại tệ...

“Với hệ số CAR thấp sát mức quy định tối thiểu của NHNN, các ngân hàng thương mại Nhà nước ngày càng giới hạn dư địa tăng trưởng tín dụng. Theo đó, chúng tôi dự kiến các ngân hàng này sẽ quyết liệt hơn vấn đề huy động vốn trong nửa cuối năm 2017 và đầu năm sau”, VCBS nhận định.

Theo đó, các biện pháp có thể được cân nhắc sử dụng có thể bao gồm hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt; huy động vốn cấp 2 bằng phát hành trái phiếu; và thúc đẩy phát hành riêng lẻ.

Trong đó, biện pháp thứ hai dự kiến vẫn là phương pháp nhiều khả năng được thực hiện do cả phát hành riêng lẻ và tạm dừng chia cổ tức đều có thể hạn chế ở các cấp quản lý. Và vì vậy, áp lực từ phát hành trái phiếu dự kiến tiếp tục gây tác động tiêu cực lên chi phí vốn cho các ngân hàng.

Lợi nhuận bất thường nhờ…xử lý nợ xấu

Vấn đề nợ xấu ngành ngân hàng đã tồn tại nhiều năm mà chưa được xử lý triệt để. Tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay. Nếu tính cả nợ xấu tiềm ẩn thì tỷ lệ này là 10,08%.

Tuy nhiên, kể từ năm 2017 nhiều tín hiệu tích cực về phía chính sách đã được đưa ra như Nghị quyết 42/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; Nghị định 61/2017/NĐ-CP ban hành ngày 16/5/2017 về việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoán nợ xấu có giá trị lớn; NHNN đẩy mạnh xử lý các ngân hàng 0 đồng thông qua M&A. Trong khi đó, bản thân các ngân hàng cũng cho thấy quan điểm quyết liệt khi đặt kế hoạch xử lý sớm trái phiếu đặc biệt VAMC trong năm 2017 và 2018.

Các thông tin trên đã tạo ra hiệu ứng kỳ vọng rất tích cực về quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngành. Theo đó, nếu các chính sách trên đươc thực thi hiệu quả, dự kiến tốc độ xử lý nợ của các TCTD được đẩy nhanh, dòng vốn được khơi thông và các ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận bất thường trong vài năm tới.

VCBS cho rằng, quá trình xử lý nợ xấu sẽ được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2017 khi các chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội thông qua.

“Các chính sách mới có thể tác động tích cực bằng nhiều cách khác nhau như cải thiện thu hồi nợ thông qua tài sản đảm bảo; thúc đẩy sự tham gia của VAMC; hỗ trợ dòng tiền mới và thanh khoản thị trường mua bán nợ nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư mớI”.

Theo đó, nếu các chính sách trên được thực thi hiệu quả, dự kiến thị trường mua bán nợ xấu sẽ sớm được đưa vào hoạt động, đẩy nhanh xử lý nợ xấu và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Tất nhiên, điều này cần đi liền với sự phối hợp và hỗ trợ tích cực từ cả chính sách và các cơ quan quản lý có liên quan.

Theo Trần Thúy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên