Lãi suất huy động sẽ về 7%/năm, lãi suất cho vay chỉ còn quanh 10%/năm?
Có 3 yếu tố thuận lợi để đưa mặt bằng lãi suất về quanh ngưỡng này.
- 02-04-2023Tuần tới là mốc quan trọng để các NHTW bắt đầu xem xét lại chính sách thắt chặt tiền tệ
- 02-04-2023Sức ép hạ lãi suất cho vay
- 01-04-2023Bất ngờ với cái tên ngân hàng nắm bất động sản thế chấp nhiều nhất hiện nay
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm và có thể duy trì quanh ngưỡng 7%, tương ứng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10% (đối với kỳ hạn 12 tháng bình quân nhóm ngân hàng quốc doanh) thời điểm cuối năm, nhờ các yếu tố hỗ trợ sau: (1), Lạm phát được kiểm soát dưới 4,5%; (2), Thanh khoản ngân hàng ổn định; và (3), Fed đang ở cuối lộ trình tăng lãi suất, kì vọng đảo chiều chính sách vào cuối quý 2/2023.
Cụ thể, lạm phát bình quân được kiểm soát tốt trong ngưỡng mục tiêu 4 – 4,5% của Chính Phủ, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%. Quan sát quá khứ giai đoạn 2000 – 2022, KBSV nhận thấy trong môi trường lạm phát bình quân biến động trong khoảng 4 -5% thì lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh mức 7,0-8,0% và lãi suất cho vay bình quân biến động từ 9,5 -11,0%/năm.
Ngoài ra, thanh khoản 3 tháng đầu năm 2023 của hệ thống ngân hàng đã ổn định, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ việc giảm mặt bằng lãi suất, nhờ nghiệp vụ mua 3,5 tỷ USD gia tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tương ứng bơm khoảng 82 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.
Năm 2023, nhóm phân tích kì vọng thanh khoản sẽ tiếp tục được cải thiện khi cung tiền M2 mở rộng hơn so với năm trước, ước tính tăng 14% do: (1), NHNN có thể thực hiện lại nghiệp vụ mua USD - kỳ vọng 10 đến 12 tỷ, tương ứng 15% phần tăng thêm của cung tiền M2 trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài; và (2), Tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng cải thiện dự báo đạt trên 80% kế hoạch (so với mức 75% của năm 2022), giúp khơi thông nguồn vốn bị tắc nghẽn ở kho bạc, tương ứng 3-4% phần tăng thêm của cung tiền M2.
Hiện Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang ở chặng cuối của hành trình nâng lãi suất, dự báo mức lãi suất FFR cao nhất có thể đạt 4,5 – 4,75% vào tháng 3, sau đó duy trì đi ngang và đảo chiều chính sách vào cuối quý 2/2023. Năm 2023, KBSV dự báo VND có thể phá giá khoảng 2-3%, kết hợp với nền lãi suất FFR duy trì quanh 4%, nếu có biến động trên thị trường ngoại hối thì có thể sử dụng lại công cụ tín phiếu để cân đối duy trì lãi suất thị trường 2 ở mức hợp lý quanh ngưỡng 5%. Nhìn chung, rủi ro tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể và không phải yếu tố đáng quan ngại gây áp lực lên lãi suất. Ở các thời điểm tỷ giá diễn biến thuận lợi, NHNN sẽ mua tăng dự trữ ngoại hối (ước tính cả năm 2023 đạt 10-12 tỷ USD), qua đó hỗ trợ xu hướng hạ lãi suất như đã phân tích ở trên.
Trong một diễn biến đáng chú ý mới đây, trong vòng hơn 2 tuần, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành.
Cụ thể, ngày 15/3, NHNN đã giảm lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Đồng thời, NHNN cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Từ ngày 03/4, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6,0%/ năm xuống 5,5%/năm. NHNN cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vì mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
NHNN cho biết, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nêu trên là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành cũng tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhịp sống thị trường
- Lãi suất cao, dòng tiền đổ mạnh vào chứng chỉ tiền gửi
- Tiền đã rẻ hơn nhưng vì sao nhà đầu tư vẫn ngập ngừng?
- Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất từ ngày 3/4, nhiều nhà băng còn giảm cả kỳ hạn trên 6 tháng
- Giá vàng SJC giảm, nhà đầu tư nên mua hay bán?
- Lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng chính thức giảm từ hôm nay 3/4