MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lao đao vì 700.000 tấn đường nhập lậu

07-04-2019 - 11:26 AM | Thị trường

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, với 36 nhà máy đang hoạt động, hàng năm ngành mía đường đã sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường, tạo giá trị sản lượng khoảng 300.000 tỉ đồng, đóng góp ngân sách khoảng 20.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngành mía đường và người trồng mía đang trong cơn bĩ cực khi lượng đường tồn kho ngày càng lớn không thể tiêu thụ nổi, bởi đường nhập ngoại và đường lậu tràn ngập thị trường, trong đó chỉ riêng năm 2018 lượng đường nhập lậu đã lên tới gần 700.000 tấn.

500-700.000 tấn đường ngoại “bóp chết” đường nội

Với công nghệ sản xuất hiện đại, chữ đường cao, lại được tuồn vào thị trường Việt Nam qua đường tiểu ngạch, nên 1kg đường lậu được bán ra trên thị trường có giá còn rẻ hơn cả giá thành đường được sản xuất trong nước. Báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường chiều 4.4.2019, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: Do tiêu thụ chậm, lượng tồn kho cao (có thời điểm lên tới 70%-75%), nên các doanh nghiệp (DN) phải liên tục giảm giá đường, có thời điểm giá giảm thấp chỉ bằng giá đường lậu, có nhà máy phải bán bằng hoặc thấp hơn giá thành, nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi với đường lậu đang ngày đêm thẩm lậu vào Việt Nam với số lượng “khủng” - khoảng 500.000-700.000 tấn/năm. Đặc biệt, lượng đường lỏng nhập khẩu (NK) tiếp tục gia tăng. Nếu như năm 2014 NK 46.000 tấn thì năm 2018 NK lên tới 140.000 tấn, tăng gấp 3 lần.

Tình trạng buôn lậu đường cát “nóng” nhất là ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Long An, Quảng Trị, Hà Tĩnh… Ngoài các “điểm nóng” trên, đường nhập lậu cũng được vận chuyển qua đường biển ở các địa phương như Hải Phòng, Thái Bình... Đường lậu được tập kết dọc biên giới Lào và Campuchia rồi vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy vào nước ta. Sau đó, đưa đến nơi tập kết và vận chuyển bằng ôtô tải thẳng về các điểm tiêu thụ. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nếu như trước đây các đối tượng buôn lậu còn sang chiết đường cát lậu vào những bao nhỏ, vận chuyển ban đêm để tránh phát hiện, thì nay đường được ngang nhiên vận chuyển bằng xe tải lớn, khi đưa vào thị trường trong nước bán tại các cửa hàng vẫn còn nguyên bao, nhãn mác nước ngoài. “Có thời điểm lực lượng quản lý thị trường ập vào kho và bắt được hàng chục tấn đường còn nguyên bao, mác, chữ Thái Lan” - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Phạm Quốc Doanh cho biết. Thông thường, sau khi tập kết vào nước ta, đường lậu được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất rồi “mặc” bao bì, nhãn mác của nhà máy, Cty đường trong nước để lừa người tiêu dùng…

Bên cạnh đường lậu, sản lượng đường tồn kho lớn cũng khiến các DN đang “sống dở chết dở”. Cập nhật đến ngày 15.3.2019, có 36/36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất, ép được gần 8 triệu tấn mía, sản xuất được 750.000 tấn đường các loại; tinh luyện được khoảng 150.000 tấn đường từ nguyên liệu đường thô NK. Tình hình tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho vụ trước lớn, cộng cả tồn kho vụ trước và hiện nay khoảng 75%, giá bán ở mức thấp, trong đó giá đường kính trắng RS phổ biến khoảng 10.500đ/kg. “Nếu bán với mức giá này, DN chúng tôi không sống nổi bởi giá thành sản xuất đã cao hơn rất nhiều” - Chủ một DN sản xuất mía đường tại ĐBSCL bày tỏ.

Lối đi nào cho DN mía đường?

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2018-2019 là năm thứ 3 liên tiếp chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết khiến năng suất, sản lượng mía giảm nghiêm trọng, nhất là tại các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên và ĐBSCL (với mức giảm tương ứng là 13%, 22% và 23%). Niên vụ 2018-2019, sản lượng mía đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và tương đương niên vụ 2015-2016 và 2016-2017. Dự kiến tình hình sản xuất niên vụ 2019-2020 sẽ tiếp tục giảm so với niên vụ 2018-2019, diện tích còn khoảng 220.000ha, sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so niên vụ 2018-2019. Ngành mía đường đang chồng chất khó khăn, đặc biệt là áp lực hội nhập theo Hiệp định ATIGA (có hiệu lực từ 1.1.2020), ngành mía đường cần tìm lối thoát để không bị xóa sổ, trờ thành địa chỉ gia công mía đường cho các DN ngoại.

Để cứu hàng triệu nông dân trồng mía và các DN sản xuất mía đường, theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT xem xét thẩm định Đề án cơ cấu lại ngành mía đường, nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo kiến nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Chính phủ và Bộ NNPTNT cơ cấu lại sản xuất nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu để nông dân có lãi.

“Cần cơ cấu lại giá mía nguyên liệu theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà máy, Cty với nông dân tỉ lệ 70/30. Giá một tấn mía nguyên liệu tương đương 70kg đường với giá đường chưa có thuế VAT tại thời điểm ở cửa nhà máy. Cơ cấu lại công nghiệp chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đủ khả năng cạnh tranh; phấn đấu giá thành đường dưới 10.000đ/kg” - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu ý kiến và nhấn mạnh các giải pháp đa dạng các sản phẩm công nghệ chế biến đường, bao gồm các sản phẩm chính là đường các loại; điện sinh khối từ bã mía; nhiên liệu sinh học (ethanol, cồn từ mật rỉ và mía); phân bón hữu cơ, vi sinh từ bã bùn…; đồng thời cơ cấu lại hệ thống thương mại, tiêu thụ, bán lẻ theo thị trường, tăng cường vai trò quản lý của nhà nước nhằm ổn định sản xuất, bình ổn thị trường giá cả trong nước, chia sẻ lợi ích giữa sản xuất và tiêu dùng; có giải pháp chủ động điều tiết, quản lý lượng đường NK khi xóa bỏ hạn ngạch thuế quan…

Theo Kim Khánh

Lao động

Trở lên trên