Lộ diện những doanh nghiệp lỗ lớn trong quý 2
Đây là những doanh nghiệp có mức thua lỗ từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, cá biệt có khoản lỗ 282 tỷ đồng của Ocean Group - hiện đang đứng đầu danh sách lỗ.
Hiện các doanh nghiệp niêm yết đang dồn dập công bố BCTC quý 2/2017, với khoảng 577 báo cáo thì hiện có khoảng 55 doanh nghiệp báo lỗ chiếm tỷ lệ gần 10%. Có thể thấy những doanh nghiệp hiện báo lỗ trong quý 2 thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, có những doanh nghiệp chỉ lỗ vài chục triệu đồng trong khi đó những khoản lỗ vài chục tỷ cũng không phải là quá hiếm. Lỗ nhiều hay ít đều có thể thấy ở một lý do khá phổ biến đó là áp lực chi phí tăng cao.
Lỗ đầu bảng là NVT
Sau những năm tháng khó khăn, thua lỗ kéo dài, tín hiệu khởi sắc đã dần trở lại với Ninh Vân Bay (NVT) trong những tháng đầu năm 2017 khi doanh nghiệp báo lãi gần 15 tỷ đồng quý 1, gần bằng kết quả đạt được trong cả năm 2016.
Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi trong quý 2, mặc dù doanh thu tăng trưởng 52% nhưng NVT bất ngờ báo lỗ gần 300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi gần 1,3 tỷ đồng – Đây là khoản lỗ lớn nhất mà NVT từng ghi nhận đồng thời công ty còn soán ngôi Ocean Group (OGC) để trở thành “quán quân” lỗ quý 2 tính đến lúc này.
Ngôi "á khôi" thuộc về Ocean Group
Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (OGC) sau khi báo lãi 12,5 tỷ đồng trong quý 1, đã quay lại lỗ 292 tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng đầu năm, Ocean Group lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là 278 tỷ đồng, qua đó nâng tổng lỗ luỹ kế đến 30/6/2017 lên 2.762 tỷ đồng, tương đương hơn 90% vốn điều lệ. Nguyên nhân lỗ của Ocean Group là do trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp. Một doanh nghiệp họ Ocean khác là Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) cũng đã báo lỗ gần 42 tỷ đồng do tăng chi phí trích lập dự phòng công nợ. Năm nay trong khi OGC lên kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư, thoái một số khoản đầu tư, tìm đối tác chuyển nhượng một số dự án và dự kiến lỗ 14 tỷ đồng thì OCH lên kế hoạch lãi trước thuế hợp nhất 28,72 tỷ đồng trong đó công ty mẹ lãi 18,18 tỷ đồng.
Nỗi buồn mang tên VOSCO
VOSCO khiến nhà đầu tư ngán ngẩm khi tiếp tục báo lỗ thêm 88 tỷ đồng trong quý 2/2017 - ghi nhận quý thứ 10 liên tiếp không thể kinh doanh có lãi. Nếu năm nay doanh nghiệp này không kinh doanh có lãi thì VOS sẽ tiếp gót VST, NOS, VSP, SSG… bị hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tiếp. Câu hỏi được đặt ra là đến bao giờ doanh nghiệp này sẽ có lãi khi triển vọng kinh doanh chưa thấy có dấu hiệu sáng sủa, vẫn dựa chủ yếu vào việc bán tàu.
Các ông lớn cũng lỗ
Khoản lỗ khiến nhà đầu tư đau lòng nhất có lẽ phải kể đến Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX), doanh nghiệp này đã bất ngờ báo lỗ hơn 7 tỷ đồng, đánh dấu quý đầu tiên công ty thua lỗ trong suốt 4 năm qua, bất chấp doanh thu đạt kỷ lục 1.035 tỷ đồng – tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Việc Haxaco báo lỗ trong quý 2/2017 có nguyên nhân quan trọng đến từ việc lợi nhuận khác (chủ yếu là tiền thưởng đạt chỉ tiêu theo chương trình của Mercedes Benz Việt Nam) giảm mạnh chỉ còn hơn 7 tỷ đồng, con số thấp nhất kể từ quý 4/2015 tới nay. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc Haxaco nhận thưởng rất thấp chỉ đơn giản là do công ty chưa đến kỳ nhận thưởng. Nhiều khả năng, khoản thưởng cho việc tiêu thụ xe kỷ lục trong nửa đầu năm 2017 sẽ đến vào quý 3 tới đây.
Ông lớn dầu khí PV Drilling (PVD) luôn được nhắc đến một trong những doanh nghiệp “độc quyền” trong ngành khai thác dầu khí tại Việt Nam khi luôn luôn nắm giữ thị phần chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ khoan và các dịch vụ liên quan đến khoan dầu khí. Tuy nhiên chỉ trong 3 năm, từ "đại gia" ngành dầu khí lợi nhuận trên 2.500 tỷ, hiện tại PVD chỉ có một ước muốn là "không lỗ". Quý 2/2017, PVD lỗ tiếp gần 60 tỷ đồng trong đó phần lỗ của cổ đông công ty mẹ là hơn 45 tỷ đồng nâng mức lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên đến 246 tỷ đồng. PVD hiện tại đang đối diện với một bức tranh “xám xịt” nhất trong lịch sử hoạt động của mình.
Doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó
Dabaco Việt Nam (DBC) đã gây thất vọng khi báo lỗ 33,2 tỷ đồng trong quý 2 trong khi cùng kỳ công ty ghi nhận khoản lợi nhuận 149 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là bởi vì quý 2 là thời điểm khó khăn nhất của ngành chăn nuôi nói chung cũng như Dabaco nói riêng. Sự sụt giảm về giá bán thức ăn chăn nuôi và giá bán lợn hơi dẫn đến kết quả họa động sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gia công giảm so với cùng kỳ năm trước.
Một công ty chăn nuôi khác là Chăn nuôi – Mitraco (MLS) - Doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh lợn giống, chăn nuôi lợn siêu nạc cũng đã chịu tổn thất nghiêm trọng trong quý 2 với khoản lỗ ròng 30,7 tỷ đồng khiến cho vốn chủ sở hữu của MLS chỉ còn 22,3 tỷ đồng so với con số 71,8 tỷ đồng, bốc hơi mất 2/3 giá trị so với hồi đầu năm.
Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc (Hakinvest - HKB) cũng đã bất ngờ báo lỗ lớn 23,7 tỷ đồng do giảm trừ giá trị lợi thế thương mại và giá tiêu giảm. 6 tháng đầu năm 2017 Hakinvest lỗ 18,19 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh năm 2017 là lãi 37,6 tỷ đồng.
Xi măng gặp hạn
Với 9 doanh nghiệp xi măng niêm yết công bố BCTC quý 2/2017 thì có tới 6 đơn vị ghi nhận lãi giảm trong đó BTS và BCC đã báo lỗ do chi phí tăng cao. Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) do chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại các khoản vay có gốc ngoại tệ khiến doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 10 tỷ trong quý 2/2017. Trong khi đó Xi măng Bỉm Sơn (BCC) chịu lỗ hơn 39 tỷ đồng do chi phí khác tăng 137%, chi phí bán hàng tăng 55%, chi phí tài chính tăng 29%, trong khi doanh thu giảm tương đối
Ngoài ra còn có một số cái tên thua lỗ đáng chú ý khác như Kinh doanh & Phát triển Bình Dương (TDC) đã ghi nhận con số lỗ nặng nhất trong hơn 7 năm qua, hơn 62 tỷ đồng nâng mức lỗ 6 tháng đầu năm 2017 lên hơn 77 tỷ đồng. Đáng chú ý tính đến cuối quý 2, TDC đang phải chịu gánh nặng hàng tồn kho lớn, khoản phải thu với số dư không nhỏ và tỷ lệ tổng nợ trên tổng tài sản lớn.
Hay như Quốc tế Hoàng Gia (RIC) - đơn vị vận hành quần thể vui chơi giải trí tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cũng đã báo lỗ gần 10 tỷ đồng. Nguyên nhân được RIC cho biết là do trong kỳ khách từ đại lý giảm, công ty tăng cường thu hút từ các lữ hành bằng nhiều chính sách khuyến mãi trong khi giá bán cho các công ty lữ hành lại không được cao. Sau khi lỗ 18,6 tỷ đồng trong năm 2016, năm 2017 RIC đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến gần 42 tỷ đồng. Kế hoạch này liệu có khả thi khi 6 tháng còn lại RIC phải báo lãi tới gần 74 tỷ đồng.
Bên cạnh đó khoản lỗ 8,6 tỷ đồng của SIC cũng gây thất vọng khi trước đó nhà đầu tư và cổ đông đều kỳ vọng việc đổi tên sẽ giúp SIC thực sự “lột xác”và xây dựng lộ trình tăng trưởng mới. CTCP Đầu tư - Phát triển Sông Đà đã đổi tên thành Công ty cổ phần ANI - có nghĩa là “A New Idea” (Ý tưởng mới), mang ý nghĩa về định hướng phát triển công ty trong thời gian tới. Nguyên nhân thua lỗ trong kỳ là do công ty kinh doanh dưới giá vốn đồng thời chịu lỗ từ hoạt động khác gần 8 tỷ đồng. Năm 2017 SIC đặt mục tiêu có lãi gần 20 tỷ đồng giảm hơn một nửa so với kết quả thực hiện của năm 2016.
"Mùa" BCTC quý 2/2017 đang bước vào giai đoạn cuối, theo đó con số thua lỗ có thể sẽ tiếp tục tăng lên và mức độ thua lỗ còn có thể cao hơn bởi các doanh nghiệp kinh doanh kém khả quan thường sẽ trì hoãn việc công bố. Chưa kể những con số trên còn được soát xét tại báo cáo tài chính bán niên.
HNX&HSX
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế ACV bất ngờ sụt giảm 381 tỷ đồng
- Lãi đậm năm 2017, Mía đường Sơn La vẫn dè dặt đặt mục tiêu lãi sau thuế năm 2018 giảm 66% so với cùng kỳ
- Tân Tạo (ITA) điều chỉnh tăng 44% lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán
- Nhà Thủ Đức (TDH) giảm 17% lợi nhuận sau thuế sau soát xét bán niên
- Sau soát xét, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vingroup tăng 16%