Lo thiếu cạnh tranh sòng phẳng nếu doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu
Theo đề xuất mới, các doanh nghiệp đầu mối có thể được tự quyết giá bán xăng dầu, Nhà nước chỉ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại có thể xảy ra tình trạng thiếu cạnh tranh sòng phẳng, gây lũng đoạn thị trường.
- 01-04-2024Sputnik: Việt Nam đóng thành công siêu tàu ngang ngửa 3 chiếc Boeing, thành "thế lực không thể xem thường"
- 31-03-2024Bị nợ lương gần 1,3 tỉ đồng người lao động mới biết ông chủ là bảo vệ, người bán căn tin
- 31-03-2024Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều vi phạm trong khai thác khoáng sản, có mỏ vượt công suất 100%
Cần xem xét thấu đáo
Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế các nghị định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, gồm Nghị định 83 năm 2014, Nghị định 95 năm 2021 và Nghị định 80 năm 2023.
Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đã nêu các đề xuất sửa đổi đáng chú ý trong lần xây dựng nghị định mới này.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất các doanh nghiệp đầu mối có thể được tự quyết giá bán xăng dầu, nhà nước chỉ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày. Dự thảo mới sẽ tiếp cận theo hướng nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế... Doanh nghiệp đầu mối sẽ tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do nhà nước quy định. Giá bán của doanh nghiệp không được cao hơn giá tối đa theo công thức quy định.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán sẽ giúp cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị phần. Đặc biệt, doanh nghiệp được phép bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức tính giá, qua đó loại bỏ được việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2 của doanh nghiệp. Trường hợp tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện theo kỳ 15 ngày/lần.
Về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, đề xuất hướng đến cơ chế tự quyết định giá của doanh nghiệp là bước đi mới, hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ về mặt quản lý, điều hành giá. Tuy nhiên, cần xem xét thấu đáo khi trao quyền quyết định giá bán xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, tại dự thảo, nhà nước vẫn quy định trong cơ cấu tính giá những yếu tố phần "cứng", còn phần "mềm" như chi phí kinh doanh là doanh nghiệp quyết định, tính toán". Theo chuyên gia này, phần "cứng" thì đã có quy định, còn phần "mềm" khi trao quyền cho doanh nghiệp thì phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng đẩy giá.
Lo thiếu cạnh tranh sòng phẳng
Mặt khác, theo PGS.TS Ngô Trí Long, hiện có một số "ông lớn" xăng dầu giữ vị thế thống lĩnh thị trường, nếu để cho các doanh nghiệp được quyết định giá bán, liệu có tạo ra "luật chơi" hay không và có bảo đảm yếu tố thị trường hay không. Đồng thời chuyên gia này lo ngại, nếu để doanh nghiệp đầu mối giữ vị thế thống lĩnh thị trường quyết định giá thì sẽ có nhiều vấn đề xảy ra.
PGS.TS Ngô Trí Long cũng đặt vấn đề để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá xăng dầu đã phù hợp với Luật Giá hiện hành hay chưa. Điều này, theo ông, cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, dự thảo nêu nhà nước công bố giá thế giới bình quân 15 ngày đã phù hợp hay chưa, khi thời gian qua chúng ta rút ngắn thời gian điều hành giá từ 30 ngày còn 15 ngày, 10 ngày và gần nhất về 7 ngày, để sát với giá thế giới nhất.
Ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu Nhà nước điều hành giá đúng và tính đủ chi phí trong tất cả các khâu, bao gồm cả khâu bán lẻ, thì không nhất thiết phải để doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán.
Theo ông Báu, hiện doanh nghiệp bán lẻ phải chi các loại chi phí như mặt bằng, nhân công, lãi suất ngân hàng, điện nước, duy tu bảo dưỡng… Nếu các chi phí này được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá (từ 5%-6%) thì doanh nghiệp bán lẻ mới đủ sức để duy trì kinh doanh.
"Và sau cùng, cộng thêm lợi nhuận tối thiểu nếu có từ 2 - 3% trên giá bán lẻ tại thời điểm điều chỉnh giá. Nếu nhà nước làm được như vậy thì doanh nghiệp đầu mối không cần tự định giá", ông Báu cho hay.
Cùng quan điểm, bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Đoan Việt (TP Hồ Chí Minh), cho rằng nếu Nhà nước không quy định mức chiết khấu tối thiểu dành cho các khâu (doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ) thì để cho doanh nghiệp đầu mối tự điều hành giá nhằm có sự cạnh tranh lành mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Trâm, cần quy định rõ về các cơ chế cấu thành giá, đảm bảo các khâu phải được tính đúng, đủ; không bán vượt mức giá trần và không bán thấp hơn giá sàn.
Theo bà Trần Thụy Thùy Trâm, đây là vấn đề khó khăn nhất, nếu Bộ Công Thương không quy định rõ cơ chế tính giá, phân đủ chi phí về các khâu thì doanh nghiệp đầu mối lớn sẽ tạo ra luật chơi, dễ dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung nếu tình hình có biến động lớn.
“Nên làm rõ việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy từ 2-3 nguồn. Vì Nghị định có nêu, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Nên nếu việc này không được làm rõ, thì sẽ dễ dẫn tới việc độc quyền trong kinh doanh, gây lũng đoạn thị trường”, bà Trâm bày tỏ.
Cũng theo bà Trâm, xét về khía cạnh doanh nghiệp bán lẻ, việc Nhà nước hay doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá không quan trọng bằng việc có chiết khấu, nhằm đảm bảo tất cả các chi phí và lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ là 5 - 6% tương đương chi phí, cộng thêm 2 - 3% là lợi nhuận.
Báo tin tức