Lời hối lỗi muộn mằn của Hà Văn Thắm
“Họ làm việc đó (những nhân viên làm theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm) để giúp Ocean Bank giảm chi phí vượt trần. Họ làm việc này trước khi cơ quan điều tra vào cuộc. Họ là những người năng lực, nếu tách họ ra khỏi xã hội thì rất tiếc”, cựu Chủ tịch HĐQT Ocean Bank Hà Văn Thắm nói trong tâm trạng của người hối lỗi…
- 02-03-2017Cựu chủ tịch OceanBank thành khẩn, nhận tội thay nhân viên
- 01-03-2017Hà Văn Thắm bị "tố" dùng lời đe dọa để mua lại ngân hàng Đại Tín
- 01-03-2017Xét xử vụ án Hà Văn Thắm: Căn cứ vào đâu mà ông Nguyễn Xuân Sơn làm TGĐ OceanBank?
Phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ocean Bank đã diễn ra được 5 ngày. Trong vụ án này, cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm được cơ quan tố tụng xác định giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu hoạt động phạm tội.
Giúp sức tích cực cho hành vi phạm tội của Thắm là lãnh đạo Ocean Bank, Giám đốc các Khối tại Hội sở, Giám đốc các chi nhánh, Giám đốc các Phòng giao dịch trong toàn hệ thống Ocean Bank. Đây là 1 trong 6 đại án được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng xác định.
Theo dõi diễn biến của phiên toà trong những ngày qua, chúng tôi nhận thấy, nếu không có sự “bắt tay” của hai người từng giữ chức vụ cao nhất tại Ocean Bank là cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm và cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn trong việc thống nhất đề ra chủ trương chi lãi suất ngoài quy định thì các thuộc cấp của họ đã không bị ép vào vòng lao lý.
Từ cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký thỏa thuận với Ocean Bank trở thành cổ đông và đối tác chiến lược. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sau đó cử Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ocean Bank.
Ngay khi về ngân hàng này, Sơn đã bàn bạc với Thắm về việc huy động vốn cho Ocean Bank. Sơn đề nghị với Thắm phải chi cho Sơn ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng với mức khoảng 1%/năm/tổng số tiền gửi để huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí. Lý do Sơn buộc Thắm phải chấp nhận yêu cầu này vì cho rằng, đây là mức chi phí thấp hơn so với các ngân hàng khác.
Thắm thừa nhận, Ocean Bank có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn nên phải chấp nhận đề nghị của Sơn để Ocean Bank hút được nguồn tiền gửi của nhóm khách hàng dầu khí. Từ hành vi cố ý làm trái quy định, Sơn đã hưởng lợi số tiền hơn 69 tỷ đồng.
Quá trình xét xử, Thắm nhiều lần khai nhận đã “bắt tay” với Sơn để thực hiện hành vi sai phạm này. Tuy nhiên, nếu chỉ một mình Thắm và Sơn thực hiện thì tội phạm không thể xảy ra. Vậy nên với tư cách là người giữ cương vị cao nhất Ocean Bank, Thắm đã chỉ đạo cấp dưới buộc phải thực hiện, dù họ không muốn và đã can ngăn.
Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên tòa.
Thắm khai trước toà rằng: “Tôi đã yêu cầu chị Lê Thị Thu Thủy, lúc đó là Phó Tổng Giám đốc Ocean Bank rút tiền ra chi lãi ngoài. Nhưng chị Thuỷ không muốn làm vì biết rõ việc làm này là vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bản thân tôi cũng biết rõ, nếu chi lãi suất ngoài là vi phạm quy định, nhưng lúc đó tôi có hứa với chị Thuỷ là sẽ hoàn ứng và xử lý đủ chứng từ cho việc làm trái này. Tôi còn nói với chị Thuỷ, nếu không chi lãi suất ngoài thì ngân hàng có thể bị sập. Và nếu chị không làm theo chỉ đạo thì tôi buộc phải rút tư cách Phó Tổng Giám đốc của chị. Hành vi phạm tội của chị Thủy là do bị tôi gây sức ép mà buộc phải làm, nếu không muốn nói là tôi đã lừa chị Thuỷ qua việc sẽ xử lý và hoàn chứng từ cho các khoản chi lãi ngoài”.
Cũng theo lời khai của Thắm, chị Nguyễn Minh Thu, khi đó là Tổng Giám đốc Ocean Bank (kế nhiệm Nguyễn Xuân Sơn. Sau khi Sơn chuyển sang giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí), ông Nguyễn Văn Hoàn, khi đó là Phó Tổng Giám đốc Ocean Bank cũng không muốn thực hiện việc chi lãi suất ngoài, nhưng do phải chịu sức ép của Thắm từ việc “nếu không thực hiện thì không hoàn thành chỉ tiêu được giao” mà đành phải thực hiện, dù biết điều này là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước.
“Đúng là hành vi của các bị cáo từng là nhân viên dưới quyền của tôi là phạm tội. Nhưng tội là tội của tôi, do tôi ép buộc mà họ phải làm chứ họ không tự thực hiện. Nhân viên dưới quyền họ phải chịu sức ép từ việc tôi giao chỉ tiêu, bị đẩy vào hoàn cảnh này mà họ phải làm như vậy", Thắm khai.
Thắm tiếp tục nhận lỗi về mình: “Thời điểm đó, sau khi nghe cấp dưới nói rằng, họ đang bị một cổ hai tròng: Nếu chi lãi suất vượt trần có thể bị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cách chức, còn nếu không chi lãi suất vượt trần để đủ chỉ tiêu thì bị chính lãnh đạo Ocean Bank cho thôi việc.
Khi đó, tôi đã gặp những người giữ vị trí chủ chốt của Ocean Bank và ép họ lựa chọn một trong hai phương án: bị Thống đốc cách chức hoặc bị Ocean Bank cho thôi việc vĩnh viễn. Chính vì sức ép của tôi mà nhiều người giữ các chức vụ chủ chốt của Ocean Bank buộc phải chi lãi suất ngoài để hoàn thành chỉ tiêu. Hậu quả là họ đã phải cùng tôi dính vòng lao lý”.
“Bị ép buộc phải thực hiện chi lãi suất ngoài theo chỉ đạo của tôi, các nhân viên dưới quyền không được hưởng lợi gì. Khi khách hàng biếu 1 đến 2 triệu đồng thì đấy là số tiền họ được hưởng, nhưng họ lại bỏ số tiền ấy vào tài khoản chung để hoàn ứng dần. Số tiền đó tuy nhỏ nhưng ý nghĩa thì rất lớn. Họ làm việc đó để giúp Ocean Bank giảm chi phí vượt trần. Họ làm việc này trước khi cơ quan điều tra vào cuộc. Họ là những người năng lực, nếu tách họ ra khỏi xã hội thì rất tiếc”, Thắm nói trong tâm trạng của người hối lỗi.
Kết thúc phần trình bày, bị cáo Thắm xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo từng là nhân viên dưới quyền của mình.
Công an nhân dân
Sự kiện: Xét xử vụ Hà Văn Thắm
Xem tất cả >>- Vụ Hà Văn Thắm: Ông Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố
- Hà Văn Thắm: Nếu chi lãi suất ngoài gây thiệt hại cho Oceanbank thì bản thân cũng mất ngàn tỷ
- Yêu cầu làm rõ trách nhiệm để thất thoát 800 tỷ của PVN đầu tư vào OceanBank
- Hoãn phiên tòa, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ Hà Văn Thắm
- Hình ảnh các bị cáo Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh trong chiều mưa tầm tã