MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do các chế độ bảo hiểm xã hội chưa có trợ cấp trẻ em

Theo công ước và khuyến nghị của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam nên sớm bổ sung chế độ trợ cấp gia đình (hoặc trẻ em) vào bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, việc bổ sung chế độ này có thể làm tăng chi phí lao động của doanh nghiệp, nên trong lần sửa luật lần này chưa bổ sung.

Góp ý cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, một số cơ quan của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật giải trình rõ hơn việc chưa bổ sung chế độ trợ cấp gia đình /trẻ em trong lần sửa đổi này.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khuyến nghị Việt Nam nên sớm bổ sung chế độ trợ cấp này vào hệ thống BHXH, để tăng tính hỗ trợ cho phụ nữ nuôi con nhỏ, giảm tỷ lệ rút BHXH một lần khi họ mất việc làm. Tới nay, chế độ trợ cấp gia đình cũng là chế độ BHXH duy nhất còn lại mà Việt Nam chưa thực hiện so với Công ước 102 về an sinh xã hội của ILO.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng, Công ước 102 khuyến nghị các nước thành viên đảm bảo tối thiểu 3/5 chế độ BHXH tối thiểu trong công ước. Dù Việt Nam chưa tham gia công ước này, nhưng có tham khảo để xây dựng chế độ BHXH.

Lý do các chế độ bảo hiểm xã hội chưa có trợ cấp trẻ em - Ảnh 1.

Nếu bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em, Việt Nam sẽ phải tăng tiền đóng BHXH, nên chưa khả thi trong giai đoạn hiện nay (Ảnh minh họa: H. Việt).

“Về nguyên lý bảo hiểm, việc bổ sung chế độ, quyền lợi cho người tham gia BHXH là rất tốt, nhưng phải dựa trên khả năng đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và khả năng cân đối ngân sách của nhà nước”, Bộ LĐ-TB&XH giải trình.

Bộ này cũng dẫn chứng một số nước có điều kiện kinh tế tốt hơn Việt Nam nhưng chưa thực hiện một số chế độ cơ bản, thiết yếu đối với người lao động tham gia BHXH. Cụ thể như Malaysia, với mức đóng bằng 26,7% tiền lương tháng, nhưng chưa thực hiện chế độ ốm đau, thai sản, mà do người sử dụng lao động chi trả trực tiếp cho người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, khi nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH đã đề xuất bổ sung trợ cấp gia đình/trẻ em. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, thảo luận, Chính phủ quyết định chưa bổ sung nội dung này vào dự luật. Để bổ sung chế độ mới, theo tính toán của ILO, nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện chiếm từ 0,7 - 1,2% GDP. Để có nguồn phải tăng mức đóng BHXH của người lao động và người sử dụng lao động, từ ngân sách nhà nước, hoặc cân đối các quỹ ngắn hạn, cả 3 nguồn này đều chưa phù hợp thực tế Việt Nam hiện nay.

Hiện tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam đã ở mức cao, trong khi doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nên khó tăng mức đóng; ngân sách nhà nước chưa thể cân đối để chi thêm; trong khi các quỹ ngắn hạn khác cũng có quỹ kết dư ít, hoặc có kết dư là do chưa thực hiện hết chế độ.

Bên cạnh đó, theo cơ quan soạn thảo luật, chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em chưa chính thức đưa vào chế độ BHXH, nhưng đã được lồng ghép vào các chế độ, chính sách khác, như: Trợ cấp một lần khi sinh hoặc nhận con nuôi từ quỹ BHXH, hay nhà nước hỗ trợ y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, giảm nghèo... Vì vậy, ý kiến cho rằng Việt Nam chưa thực hiện chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em là chưa hoàn toàn chính xác.

Theo Dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất, người đóng BHXH bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ: Ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp ( bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Luật Việc làm, bảo hiểm y tế quy định tại Luật Bảo hiểm y tế).

Người tham gia BHXH tự nguyện được nhận các chế độ: Thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động (bổ sung thêm chế độ thai sản, tai nạn lao động so với luật hiện hành).

Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên