MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạo cơ chế tăng thu hút đầu tư - Bài 1: Điểm sáng Long An

Là địa phương có vị trí chiến lược kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với trung tâm kinh tế phía Nam, Long An là cửa ngõ giao thương, lưu thông hàng hóa của khu vực này.

Nắm rõ lợi thế vị trí địa lý đắc địa, Long An luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. Chính vì vậy, Long An là nơi được các doanh nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn để đặt nền móng đầu tư, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển đi lên.

Tạo cơ chế tăng thu hút đầu tư - Bài 1: Điểm sáng Long An - Ảnh 1.

Toàn cảnh Kho lạnh và nhà máy chiếu xạ của Tập đoàn Toàn Phát tại KCN Phú An Thạnh, (Bến Lức, Long An). Ảnh: Minh Hưng/TTXVN


 Bài 1: Điểm sáng Long An

Với chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả cùng việc xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong những năm qua, Long An đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư. Kinh tế - xã hội phát triển, góp phần đưa địa phương vươn lên, trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Những kết quả khả quan

Thời gian qua, tỉnh Long An đã thực hiện chiến lược hành động xúc tiến đầu tư theo hướng khai thác hiệu quả và đồng bộ các lợi thế, tiềm năng vượt trội của tỉnh. Đồng thời, nỗ lực thực hiện vai trò và trách nhiệm của một động lực tăng trưởng chính trong phát triển kinh tế của vùng. Long An luôn duy trì vị trí nằm trong nhóm đầu cả nước và đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh đã có những bước tiến đột phá về số lượng, chất lượng. Các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đã lựa chọn Long An là điểm đến đầu tư và phát triển các chiến lược sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn và có tính lan tỏa cao.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 1.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký mới đầu tư trong nước trên 40.200 tỷ đồng, tăng trên 20.900 tỷ đồng so với cùng kỳ. Hiện toàn tỉnh có trên 16.300 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 365.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có trên 2.100 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 257.000 tỷ đồng.

Về đầu tư nước ngoài, lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Long An đã cấp mới 64 dự án, tăng 30 dự án với tổng vốn đăng ký trên 483 triệu USD, tăng trên 225 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.200 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 10,4 tỷ USD.

Các khu công nghiệp của tỉnh lũy kế từ đầu năm đến nay thu hút được 96 dự án đầu tư; trong đó, có 61 dự án đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao và 35 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư cấp mới lần lượt trên 518 triệu USD và trên 20.300 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 7 tháng năm 2023, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã đóng góp hơn 3.200 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh.

Đối với các cụm công nghiệp của tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến nay thu hút được 646 dự án đầu tư. Riêng đối với Khu kinh tế cửa khẩu, hiện có 2 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD.

Ông Trương Văn Liếp, quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, tỉnh chủ trương xác định việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021 - 2030 Long An sẽ có 51 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch trên 12.400 ha. Đến nay, đã có 34 khu công nghiệp được thành lập. Trong số đó, có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 66%. Có 8 khu công nghiệp đang thực hiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng. 6 khu công nghiệp đã nộp hồ sơ xin Thủ tướng cấp chủ trương đầu tư và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Trong 72 cụm công nghiệp được quy hoạch, đã có 17 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 83%. 27 cụm công nghiệp đang triển khai thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 28 cụm công nghiệp được quy hoạch trong thời kỳ 2021-2030.

Nhiều đột phá thu hút doanh nghiệp

Với những ưu thế về vị trí địa lý, cũng như tiềm lực hiện có, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Long An để gửi vàng đầu tư, sinh lợi nhuận, phát triển kinh tế. Qua những khảo sát thực tế, có thể cho thấy các nhà đầu tư đều nhắm vào vị trí đắc địa này, bên cạnh những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp thuận lợi phát triển.

Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc tiếp thị kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu – chủ đầu tư Khu công nghiệp Long Hậu tại huyện Cần Giuộc cho biết, Long An có môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, hiệu quả, an toàn và minh bạch.

Tỉnh liên tục cải cách thủ tục hành chính, tạo được niềm tin trong mắt doanh nghiệp. Thêm vào đó, với vị trí địa lý là cửa ngõ giao thoa giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, Long An có tiềm năng phát triển giao thông thủy vô cùng tiện lợi. Đầu tư phát triển Khu công nghiệp Long Hậu, công ty có thể tận dụng được lợi thế rất lớn từ vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông phát triển của cả Thành phố Hồ Chí Minh và của Long An.

Chia sẻ về những thuận lợi khi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Long An, ông Nguyễn Trí Quang - Giám đốc Tài chính Công ty TNHH MTV Phú An Thạnh – chủ đầu tư Khu công nghiệp Phú An Thạnh cho biết, khi tiến hành đầu tư vào tỉnh Long An, các doanh nghiệp có thể tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao từ Thành phố Hồ Chí Minh và nhân lực phổ thông ngay tại Long An và các tỉnh Tây Nam Bộ.

Ngoài ra, tỉnh Long An còn có khí hậu ôn hòa, địa chất phù hợp để phát triển công nghiệp. Không những vậy, công ty còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành của tỉnh trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn vay với chi phí hợp lý và sự đồng hành xuyên suốt quá trình triển khai dự án.

Thêm vào đó, công ty luôn được sự hỗ trợ và khuyến khích của UBND tỉnh Long An trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới như nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng cao tầng và các công trình dịch vụ như: khu lưu trú, trung tâm thương mại, sân golf…

Ông Nguyễn Trí Quang cho biết, kể từ khi kí kết hợp tác dư án đầu tư vào tỉnh Long An cho đến nay, tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác thu hút các nhà đầu tư khác vào khu công nghiệp. Luôn sâu sát, đối thoại cùng doanh nghiệp để xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp phát huy hiệu quả dự án đầu tư, tỉnh Long An còn tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối; ưu tiên phát triển các khu công nghiệp xanh, đảm bảo các điều kiện cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Ông Lê Viết Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Hòa Bình – Chủ đầu tư Khu công nghiệp Hòa Bình tại huyện Bến Lức cho rằng, hiện nay, Long An đã đầu tư chỉn chu, nâng cấp các tuyến đường bộ như quốc lộ 1A, N2,…các tuyến cao tốc như Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành. Các tuyến đường này đã giúp Long An kết nối trực tiếp với hệ thống cảng biển lớn như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải,… sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai. Đó là “điểm cộng” rất lớn của tỉnh Long An.

Do đó, trong năm nay, ngoài việc duy trì quản lý tốt Khu công nghiệp Hoà Bình, công ty sẽ tiến hành đầu tư Dự án Khu công nghiệp Hòa Bình mở rộng và liên doanh – hợp tác đầu tư cùng triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới ở Long An, ông Lê Viết Hà chia sẻ.

Bài cuối: Nâng tầm doanh nghiệp

Theo Nhung Bình Nguyên

Báo tin tức

Trở lên trên