MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do Việt Nam vắng khách du lịch Trung Quốc

Ngay cả ngành du lịch nội địa Trung Quốc hiện nay cũng hoạt động cầm chừng, không bùng nổ như dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế, thì viễn cảnh khách Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam là quá lạc quan.

Sau gần 3 tháng mở cửa cho khách quốc tế, ngành du lịch Trung Quốc chưa ghi nhận sự phục hồi. Lý do chính là người dân nội địa quốc gia tỷ dân vẫn miễn cưỡng chi tiêu. Theo tính toán của các chuyên gia, du lịch được kỳ vọng hưởng lợi hàng đầu khi Trung Quốc mở cửa, vì người dân đã phải ở nhà quá lâu và giờ đã được phép đi lại.

Theo dữ liệu của báo South China Morning Post, hiện các khách sạn, hãng bay và ngành dịch vụ Trung Quốc đều đang hoạt động cầm chừng do "thiếu nhân sự".

Tháng 2/2023, một khảo sát do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc thực hiện cho thấy trước năm 2020 TQ có 30 triệu lao động chính thức làm việc trong ngành du lịch trước dịch. Và từ 2020 đến nay, khoảng 68%, tức gần 21 triệu nhân viên, đã mất việc.

Lý do Việt Nam vắng khách du lịch Trung Quốc - Ảnh 1.

Khách du lịch Trung Quốc trước một lâu đài cổ ở Phuket, Thái Lan. Ảnh Bangkok Post

Doanh nhân Zheng Honggang, CEO của một công ty du lịch có trụ sở tại Thượng Hải, nói ngành du lịch Trung Quốc chưa sẵn sàng phục vụ khách do đang thiếu nhân viên trầm trọng.

Ông nói: "Tốc độ phục hồi du lịch ở Trung Quốc sẽ chậm" và thêm rằng ngành du lịch đang đối mặt với khó khăn tuyển dụng vì những nhân viên cũ làm trong ngành giờ đã có việc mới trong các ngành khác, cách họ vượt qua dịch COVID-19.

Jackey Ju, chuyên gia từ công ty tư vấn McKinsey, cho biết vào mùa hè năm nay, hoạt động du lịch dự kiến chỉ phục hồi 40-50% so với mức của năm 2019. "Sự phục hồi hoàn toàn sẽ không xảy ra cho đến sang năm sau", Ju nói.

"Một số nhà phân tích đã quá lạc quan", Franco Feng, CEO của công ty du lịch ở Thượng Hải, nói. Vé máy bay vẫn đắt do số lượng chuyến bay quốc tế còn ít. Nhiều khách du lịch vẫn đang trong tình thế "chờ xem” chứ chưa quyết định đi ngay.

Tâm lý chung của người Trung Quốc là chưa sẵn sàng cho việc chi tiêu vì quen thắt lưng buộc bụng trong ba năm qua.

Người tiêu dùng Trung Quốc đã tích trữ khoản tiết kiệm gần 870 tỷ USD trong dịch bệnh, tăng gấp ba lần so với 2019. Hàng nghìn doanh nghiệp, nhà hàng, quán trà đến công viên giải trí, khách sạn đều kỳ vọng người dân sẽ "chi tiêu trả thù" hậu đại dịch.

Tuy nhiên, một phỏng vấn của báo South China Morning Post, Yin Ran, nhà đầu tư ở Thượng Hải nhận xét: Du khách sẽ không sớm chi tiêu mạnh tay cho các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ giải trí. "Người dân vẫn chưa tự tin về triển vọng việc làm, thu nhập", Ran nói thêm.

Việc Trung Quốc, thị trường đông dân nhất thế giới, mở lại biên giới, làm tăng hy vọng về sự bùng nổ kinh tế. Ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam đã khấp khởi kỳ vọng.

Trong khoảng 1 thập kỷ qua, Trung Quốc nổi lên là một thị trường nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng đối với khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Số khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng từ 10,5 triệu lượt (năm 2000) lên 150 triệu lượt (năm 2018), tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm.

Ngoài 2 điểm đến truyền thống trong nước là Hồng Kông và Ma Cao, khách Trung Quốc đã có sự thay đổi trong thói quen đi du lịch khi các điểm đến mở rộng ra khu vực Đông Nam Á, châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi và cả các vùng cực. Năm 2017, có tới 76% chuyến đi của khách du lịch Trung Quốc đến các nước châu Á, 9,3% chuyến đi đến châu Âu và 8,7% đến các nước Nam Mỹ.

Dữ liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới nói rằng năm 2018, chi tiêu của khách Trung Quốc đi nước ngoài đạt 277 tỷ USD (tăng 5,2% so với năm 2017), chiếm hơn 50% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của khu vực châu Á, chiếm 20% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của thế giới. Cũng năm đó, khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt 1.850 USD/chuyến đi. Với mức chi tiêu này, Trung Quốc nằm trong top đầu các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau Úc (3.370 USD) và Singapore (2.440 USD).

Ở Nha Trang và Cam Ranh, trung tâm du lịch Khánh Hoà, các doanh nghiệp đã sửa sang, đầu tư lại cơ sở hạ tầng để đón nguồn du khách này.

Cuối tháng 3/2023 và tháng 4 này, các hãng hàng không Việt Nam gồm Vietjet và VietnamAirline đã công bố kế hoạch bay "dày đặc" từ nhiều tỉnh thành Trung Quốc về Cam Ranh. Lịch bay của VJ dự kiến 15 chuyến đến mỗi ngày với khoảng 3000 khách Trung Quốc.

"So với năm 2019, số chuyến bay đáp từ Trung Quốc lẹt đẹt, mỗi ngày chỉ vài chuyến thôi. Anh em chúng tôi khấp khởi mừng hơi sớm", Mười Quốc, một chủ xe đón khách sân bay Cam Ranh ngao ngán và thêm rằng, "trước dịch chúng tôi chạy đón khách chết bỏ, nhiều tài xế gây tai nạn do ngủ gục trên xe, khách quá nhiều".

Một khảo sát mới nhất trên trang du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, Ctrip, cho biết: Lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan tháng 2 đạt 150.000 lượt, cao nhất trong ba năm qua nhưng vẫn thấp hơn 85% so với cùng kỳ 2019.

Về lâu dài, khách Trung Quốc là nguồn thu quan trọng nhất ở Khánh Hoà. Nhưng, các dự báo về "bùng nổ" du khách Trung Quốc tại Việt Nam và Nha Trang đã tỏ ra lạc quan quá sớm.

Theo TRẦN VIỆT DŨNG, TGĐ CRYSTAL BAY GOLF & RESORT

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên