MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mắc kẹt với công việc không thích sẽ gây ra hậu quả ‘đáng báo động’ nào cho sức khoẻ?

20-05-2023 - 10:47 AM | Sống

Mắc kẹt với công việc không thích sẽ gây ra hậu quả ‘đáng báo động’ nào cho sức khoẻ?

Căng thẳng kéo dài do công việc gây ra có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, sức khoẻ tinh thần và thậm chí cả tim mạch của bạn.

Không hài lòng với công việc là một trải nghiệm phổ biến của nhiều người lao động hiện nay. Theo khảo sát của trang web việc làm FlexJobs với 2.202 người, kết quả cho thấy hơn 50% số người được hỏi cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại đến mức muốn nghỉ và ¼ trong số họ đã nghỉ việc. Nguyên nhân chính có thể là do văn hoá công ty độc hại, khối lượng công việc lớn, hạn chế sự thăng tiến trong sự nghiệp,...

Trên thực tế, công việc chiếm một lượng thời gian đáng kể của bạn, trung bình từ 5-8 tiếng/ngày. Vậy nên nếu bạn ghét công việc mình đang làm, bạn sẽ thường xuyên căng thẳng khi làm việc và đây là nguyên nhân chính gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ nhưng nhiều người đang bỏ qua hoặc “xem nhẹ”.

Hậu quả về sức khoẻ khi làm những công việc độc hại

Ngủ không ngon

Căng thẳng trong công việc và thiếu ngủ thường đi dôi và gây ảnh hưởng tiêu cực lẫn nhau, theo Psych Central. Một cuộc khảo sát năm 2021 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho thấy 66% người trưởng thành ở Mỹ xác định công việc là nguồn gây căng thẳng đáng kể. 74% trong số họ cho biết sự căng thẳng này dẫn đến ảnh hưởng về thể chất như giấc ngủ.

Mắc kẹt với công việc mình không thích gây ra hậu quả ‘đáng báo động’ nào cho sức khoẻ? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM) giải thích rằng một nguyên nhân phổ biến của chứng mất ngủ liên quan đến công việc là do bạn tập trung vào các vấn đề công việc sau khi bạn rời văn phòng. Kiểu suy ngẫm này có thể khiến bạn thao thức vào ban đêm và thậm chí khiến bạn mơ về công việc của mình, nhất là khi bạn ít được đưa ra các quyết định, bị yêu cầu công việc quá mức và thường xuyên phải thoả hiệp.

Nhà tâm lý học lâm sàng Monique Reynolds của Trung tâm Lo âu và Thay đổi Hành vi (Mỹ) cho biết nhiều người không thể ngủ được vì đầu óc quay cuồng, thậm chí bật dậy vào nửa đêm để suy nghĩ về danh sách những việc mình cần làm.

Thường xuyên đau đầu, mệt mỏi

Nếu bạn không hài lòng với công việc của mình, mất cân bằng công việc và cuộc sống, bạn có thể cảm thấy kiệt sức, dễ bị đau đầu hoặc đau nửa đầu hơn mỗi khi căng thẳng, theo Mayo Clinic (Mỹ). Mệt mỏi về tinh thần còn khiến bạn khó tập trung, mất động lực, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và càng làm cho mức độ căng thẳng của bạn trở nên tồi tệ hơn.

Mắc kẹt với công việc mình không thích gây ra hậu quả ‘đáng báo động’ nào cho sức khoẻ? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, khi bạn coi nơi làm việc là một nơi cần cảnh giác cao, điều này còn khiến các cơ của bạn căng thẳng. “Hệ thống thần kinh của chúng ta khi làm những công việc độc hại thường xuyên ở trạng thái căng thẳng. Đó là bởi bạn liên tục phải suy đoán, sẵn sàng phản ứng với sếp hoặc đồng nghiệp mà bạn không ưa”, nhà tâm lý học lâm sàng Monique Reynolds nói.

Bên cạnh đó, phản ứng căng cơ bảo vệ của hệ thần kinh giao cảm có thể mở rộng đến nhiều vùng khác trên cơ thể như lưng dưới và 2 cánh tay. Ngoài đau nhức cơ bắp, bạn cũng có thể bị chuột rút hoặc co giật cơ do áp lực công việc.

Vấn đề về đường tiêu hoá

Một đánh giá trên Tạp chí Thế giới về Sinh lý bệnh Đường tiêu hóa (WJGP) đề cập đến căng thẳng trong công việc là một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhất trên thế giới. Đường tiêu hóa của bạn có thể trải qua nhiều thay đổi liên quan đến căng thẳng, bao gồm loét, hội chứng ruột kích thích và đau dạ dày. WJGP liệt kê sự lo lắng, căng thẳng, tức giận, thất vọng và xung đột cảm xúc liên quan đến công việc là một số tác nhân gây loét dạ dày. \

E. Kevin Kelloway, Chủ tịch Nghiên cứu Canada về Tâm lý Sức khỏe Nghề nghiệp tại Đại học St. Mary (Canada) từng làm một công việc độc hại và nhận thấy mình bị đau bụng mỗi khi buồn bã. “Tôi cảm nhận được mỗi chiều Chủ nhật, tôi lại đau bụng. Đó là do mỗi Chủ nhật tôi lại bắt đầu nghĩ đến những gì mình phải làm vào sáng thứ 2, điều đó khiến tôi căng thẳng. Thế nhưng tất cả triệu chứng này biến mất khi tôi nghỉ việc và chuyển sang nơi khác”, Kelloway cho biết.

Mắc kẹt với công việc mình không thích gây ra hậu quả ‘đáng báo động’ nào cho sức khoẻ? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ngoài những triệu chứng đáng lo ngại kể trên, việc gắn bó với một công việc bạn chán ghét còn làm bạn bị ốm thường xuyên hơn do hệ thống miễn dịch bị tổn hại bởi căng thẳng mãn tính, bạn sẽ thèm ăn nhiều hơn và dễ ăn những thực phẩm không lành mạnh. Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và huyết áp đều có thể tăng do stress, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Làm gì để tránh căng thẳng vì công việc?

Nghỉ ngơi: “Khi chúng ta không cho hệ thần kinh của mình cơ hội thư giãn và tự phục hồi, nó sẽ bắt đầu gây ra những tổn thương lâu dài”, Monique Reynolds. Nhà tâm lý này gợi ý tình bạn ngoài nơi làm việc, thiền định và tập thể dục có thể giảm căng thẳng.

Điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực: Theo nhà tâm lý Reynlods, nếu không thể thay đổi công việc, hãy tập trung vào tình hình mà bạn có thể kiểm soát, ví dụ như ngừng nghĩ quá xa về việc đồng nghiệp đang nghĩ gì hoặc kết quả của bài thuyết trình còn chưa diễn ra.

Nghỉ việc kịp thời: Nếu làm công việc mà bạn thiếu tự chủ, bất ổn về lịch trình hoặc kinh tế trong thời gian dài, bạn nên rời bỏ môi trường độc hại này nhanh chóng thay vì chỉ nghĩ cách để hoà nhập hay đối phó bởi đó là nguyên nhân chính gây ra nhiều hậu quả về sức khoẻ kể trên.

Phương Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên