MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất 24 năm ‘nuôi cho lớn’, Jack Ma buộc phải ‘xẻ thịt’ đế chế Alibaba của mình để tồn tại

30-03-2023 - 16:20 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc xung đột công nghệ Mỹ-Trung khiến việc siết chặt kiểm soát suốt 2 năm qua với Alibaba đã không còn thích hợp, nhưng đế chế quá lớn của Jack Ma sẽ phải tuân theo luật chơi mới.

Mất 24 năm ‘nuôi cho lớn’, Jack Ma buộc phải ‘xẻ thịt’ đế chế Alibaba của mình để tồn tại - Ảnh 1.

Nuôi cho lớn

Kể từ khi được Jack Ma thành lập vào 24 năm trước, Alibaba đã nhanh chóng lớn mạnh thành đế chế lớn nhất trên thị trường thương mại điện tử. Thật vậy, tập đoàn này có đến 240.000 nhân viên, tức nhiều gấp đôi so với đối thủ chính là Tencent, bao trùm vô số mảng kinh doanh từ thực phẩm cho đến điện toán đám mây.

Vào thời kỳ đỉnh cao, Jack Ma cùng Alibaba đã bao trùm đến hầu như mọi mặt của đời sống người dân Trung Quốc. Sự nghiệp làm giàu từ một giáo viên tiếng Anh đến tỷ phú của nhà sáng lập này trở thành tấm gương cho rất nhiều bạn trẻ.

Tuy nhiên theo tờ Financial Times (FT), chính phủ Trung Quốc đã hối hận khi để Alibaba lớn mạnh quá nhiều đến mức chính các nhà đầu tư Phố Wall cũng không biết phải định giá thế nào cho đúng với tầm ảnh hưởng của đế chế này.

Mất 24 năm ‘nuôi cho lớn’, Jack Ma buộc phải ‘xẻ thịt’ đế chế Alibaba của mình để tồn tại - Ảnh 2.

Nhà sáng lập Jack Ma và CEO Daniel Zhang của Alibaba

Vào tháng 1/2018, Alibaba trở thành công ty Châu Á đầu tiên có mức vốn hóa vượt 500 tỷ USD sau Tencent. Đến năm 2022, dù bị kiểm soát chặt nhưng Alibaba vẫn là thương hiệu có giá trị lớn thứ 9 trên toàn cầu và là một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên khi đã trở nên quá lớn và quá giàu, nhà sáng lập Jack Ma đã có một pha “đi vào lòng đất” khi công khai chỉ trích hệ thống tài chính và ngân hàng của Trung Quốc vào năm 2020. Hậu quả là kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty con Ant Group trị giá 37 tỷ USD bị đổ bể.

Tờ FT nhận định đây là một động thái của chính quyền Bắc Kinh nhằm khơi mào hạn chế tầm ảnh hưởng từ hãng công nghệ lớn nhất nước. Kể từ đó, Jack Ma buộc phải sống cuộc đời ẩn dật và nhường lại quyền điều hành cho người kế vị, CEO Daniel Zhang.

Với việc Alibaba bị “thất sủng”, vô số đối thủ đã nhảy vào ăn mòn thị phần khiến CEO Zhang cũng bắt đầu lo lắng rằng họ đang dần mất đi vị thế trên thị trường.

“Chúng ta cần tìm ra cách để đơn giản hóa tổ chức để hoạt động nhanh chóng hơn. Tôi nghĩ rằng mọi thứ nên bắt đầu từ cấp cao nhất. Với những thay đổi này, mọi người đều có thể tạo ra kế hoạch cho riêng mình để phù hợp cho tình hình thị trường”, CEO Zhang nói.

Ngay sau quyết định “xẻ thịt” công ty làm 6 phần của Alibaba, giá cổ phiếu doanh nghiệp này trên sàn New York đã tăng 14% phiên 28/3/2023.

Theo kế hoạch, đế chế của Jack Ma sẽ bị chia thành mảng thương mại điện tử trong và ngoài nước, điện toán đám mây, dịch vụ nội địa, truyền thông trực tuyến và cuối cùng là logistics. Tập đoàn này sẽ giữ nguyên quyền kiểm soát với 2 khối tài sản lớn nhất là Tmall và Taobao khi lợi nhuận năm 2022 của 2 nền tảng này cao hơn tất cả các mảng khác cộng lại.

Mất 24 năm ‘nuôi cho lớn’, Jack Ma buộc phải ‘xẻ thịt’ đế chế Alibaba của mình để tồn tại - Ảnh 3.

Cực chẳng đã

“Họ sẽ không chia tách hoàn toàn các mảng kinh doanh đâu, bởi những nhà lãnh đạo không muốn từ bỏ quyền kiểm soát hoàn toàn”, chuyên gia Jesse Fried của trường đại học Harvard nhận định.

Đồng quan điểm, tờ FT cho biết theo những cuộc phỏng vấn với các nhân viên giấu tên tại trụ sở chính của Alibaba tại Hangzhou, việc chia tách thành 6 phần trên có thể dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động mạnh, đặc biệt là ở những mảng chưa sinh được lợi nhuận và được được “nuôi sống” bởi nguồn tiền từ nền tảng thương mại điện tử.

“Đây không phải một tín hiệu tốt khi nhiều mảng kinh doanh của Alibaba sẽ không thể tồn tại nếu bị chia tách hoàn toàn khỏi hệ sinh thái nhà Jack Ma. Một số mảng vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn tiền của thương mại điện tử. Kế hoạch này quá lớn mà phải hoàn thành trong thời gian ngắn, đó là chưa kể đến những giao dịch chồng chéo giữa các bên khó lòng tháo gỡ”, một giám đốc cấp cao của Alibaba nói với FT.

Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch chia tách của CEO Zhang là như thế nào nhưng theo FT, nhà sáng lập Jack Ma đã xuất hiện tại trụ sở Aliababa để bày tỏ sự ủng hộ với người kế nhiệm bởi nếu muốn tồn tại thì chẳng còn cách nào khác.

Năm 2020, sau bài phát biểu vạ miệng của Jack Ma, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch truy quét, rà soát lại mảng công nghệ khiến hơn 1 nghìn tỷ USD tổng mức vốn hóa của các doanh nghiệp bốc hơi.

Giờ đây, hãng tin CNBC nhận định Trung Quốc đang chuyển hướng để bình thường hóa lại ngành công nghệ. Trong bối cảnh đó, Jack Ma và Alibaba nếu muốn tiếp tục phát triển sẽ phải tuân thủ luật chơi.

“'Cơn gió' rà soát của các cơ quan chức năng trong 2 năm qua tại Trung Quốc đang có dấu hiệu quay đầu”, giám đốc George Efstathopoulos của Fidelity International nhận định.

Theo CNBC, một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là việc Jack Ma xuất hiện tại trụ sở của Alibaba sau 2 năm sống ẩn dật.

“Jack Ma không đơn giản xuất hiện tại Hangzhou chỉ bởi vì ông ấy đã đi du lịch mệt mỏi. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu thể hiện một sự chuyển biến trong chính sách, về khả năng nới lỏng mảng công nghệ tư nhân cũng như mời gọi nhà đầu tư quốc tế”, chuyên gia Stephen Roach của trường đại học Yale nói.

Mất 24 năm ‘nuôi cho lớn’, Jack Ma buộc phải ‘xẻ thịt’ đế chế Alibaba của mình để tồn tại - Ảnh 4.

Trợ giúp từ nước Mỹ?

Hãng tin CNBC nhận định một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng nới lỏng ngành công nghệ tại Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, những dấu hiệu nới lỏng này đã xuất hiện được vài tháng. Ví dụ như mảng trò chơi điện tử (Game), vốn bị ảnh hưởng nặng vào năm 2021 khi các cơ quan chức năng siết chặt quản lý trước tình trạng nghiện game của giới trẻ.

Chính quyền Bắc Kinh khi đó đã ngừng cấp phép ra mắt của một số dòng game mới trong nhiều tháng. Tuy nhiên đến tháng 4/2022, các quan chức bắt đầu bật đèn xanh trở lại cho ngành game nội địa. Vào tháng 3 này, một loạt dòng game quốc tế cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung Quốc thông qua để được phép phát hành.

Tương tự, hãng Didi, một trong những công ty công nghệ cũng bị siết chặt kiểm soát 2 năm qua, mới đây cũng đã tuyên bố kế hoạch mở rộng kinh doanh. Doanh nghiệp này đã IPO tại Mỹ vào tháng 6/2021 nhưng lại bị các cơ quan chức năng Trung Quốc cáo buộc vi phạm an ninh mạng chỉ vài ngày sau đó. Sau đó Didi đã phải rút niêm yết khỏi sàn chứng khoán New York và có dự định lên sàn Hong Kong.

Trong vài ngày qua, việc CEO Tim Cook của Apple và CEO Cristiano Amon của Qualcomm đến Trung Quốc gặp mặt các quan chức chính phủ cũng cho thấy tín hiệu mừng với ngành công nghệ.

Mất 24 năm ‘nuôi cho lớn’, Jack Ma buộc phải ‘xẻ thịt’ đế chế Alibaba của mình để tồn tại - Ảnh 5.

Hãng tin CNBC cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2023, nhưng cuộc xung đột công nghệ Mỹ-Trung lại đang gây ảnh hưởng đến kế hoạch này.

“Trung Quốc hiện đang đối mặt với rủi ro giảm tốc tăng trưởng cũng như xung đột công nghệ Mỹ-Trung. Đây là tình cảnh khá khó khăn nên họ sẽ cần hỗ trợ từ mọi mặt. Bởi vậy việc thắt chặt quy định ngành công nghệ như trước đây đã không còn hợp lý”, chuyên gia phân tích Linghao Bao của Trivium China nhận định.

*Nguồn: FT, CNBC

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên