MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Máy bay Thủ tướng không bị delay và chuyện đau đầu của Bí thư Thăng!

Chuyện tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là vấn đề của riêng ngành giao thông, mà đó còn là chuyện của cả một thành phố đầu tàu, đang bị ràng buộc bởi những cơ chế để có thể bứt phá giành lại vị trí số 1.

Buổi làm việc giữa người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với những lãnh đạo chủ chốt TP.HCM diễn ra cách đây hai ngày, có lẽ đã giải tỏa phần nào bức xúc và những mong mỏi của người đứng đầu Thành ủy cũng như nhân dân TPHCM.

Kể từ khi nhậm chức làm Bí thư Thành ủy TP.HCM đến nay, mong muốn đưa Sài Gòn giành lại vị trí số 1 trong khu vực có lẽ là nỗi trăn trở lớn nhất của Bí thư Đinh La Thăng. Ông nói: "TP Hồ Chí Minh đã là số 1 rồi chứ không phải mơ về số 1, nhưng bị thành phố khác vượt lên. Do đó, không ai cấm chúng ta khát vọng trở lại vị trí số 1 cả".

Bởi vậy mà ngay từ cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X mà Bí thư Thăng trực tiếp chỉ đạo, người đứng đầu thành ủy TP đã phải thốt lên khi đặt câu hỏi: "“Chúng ta đã nỗ lực hết sức chưa? Chúng ta đang thiếu cái gì trong khi có đủ điều kiện về dân số, con người cần cù, sáng tạo, truyền thống cách mạng kiên trung bao đời? Không thể chấp nhận TP.HCM không đứng số 1”.

TP.HCM hội đủ nhiều yếu tố để phát triển, cũng là đầu tàu phát triển của đất nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, 8,8% dân số của cả nước nhưng TP.HCM lại đóng góp tới 22% GDP và 30% tổng thu ngân sách. Việc có một cơ chế để cho TP.HCM phát triển, tháo bỏ những ràng buộc, quy định cũ đang là vấn đề được người đứng đầu Thành ủy đặt ra.

Thế nhưng, trực tiếp điều hành hoạt động của Thành phố trong suốt 4 tháng qua, Bí thư Thăng mới thấy rõ những rào cản, quy định hiện nay đang làm trói buộc cho sự phát triển của thành phố không phải dễ dàng tháo bỏ. Đó là chuyện một khu công nghiệp cao quy mô của thành phố nhưng trong suốt 13 năm chỉ thu hút được vài tỷ USD vốn FDI, chuyện thiếu những nhà đầu tư lớn mạnh tay rót vốn.

Hay chuyện một số bệnh viện của Thành phố, vì thiếu vốn đầu tư, thiếu chính sách thu hút xã hội hóa mà không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, không đáp ứng nhu cầu phát triển; hay chuyện những kỹ sư công nghệ thông tin làm việc ở một doanh nghiệp công nghệ lớn nhất nhì thành phố, mà lương chỉ có hơn chục triệu đồng...

Bởi vậy, việc cần một cơ chế đột phá cho TPHCM phát triển với vị trí đầu tàu cả nước, tháo gỡ những nút thắt, những ràng buộc trong quy định hiện hành để TPHCM có thể bứt phá, vẫn luôn là câu hỏi được Bí thư Thăng đưa ra. Ngay từ cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, người đứng đầu Thành ủy TP tỏ ra sốt ruột, bức xúc nói:

"Xa thế này mỗi lần xin rất lâu mà rất mất thời gian. Có chuyện thế này, TP.HCM muốn nạo vét luồng Soài Rạp nhưng không có tiền nên xin cơ chế làm thu phí để nạo vét mà từ ngày tôi còn làm Bộ trưởng đã ký văn bản đồng ý với đề nghị của TP nhưng đến bây giờ vẫn chưa xong.

Chuyện bé bằng cái móng tay mà chưa xong thì làm sao đột phá được. Như thế thì chỉ có đột tử thôi chứ không thể đột phá được” - Bí thư Thăng nói.

Trở lại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng cách đây 2 ngày, Bí thư Thăng lại một lần nữa lên tiếng đề nghị xin cơ chế đột phá cho TP.HCM: "Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành giúp đỡ TP với tinh thần TP.HCM của cả nước và vì cả nước để có được cơ chế đột phá, thoát ra khỏi những cái đang ràng buộc theo quy định chung, và từ thực tiễn của TP để xây dựng một cơ chế đột phá".

Có lẽ, giống như câu chuyện tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất đang làm rào cản cho giao thông, rào cản trong đi lại của người dân, thì những nút thắt, quy định trói buộc hiện nay cũng đang làm rào cản cho sự phát triển của TP được xem là đầu tàu của cả nước.

Nhìn nhận thấy rõ nỗi sốt ruột của người đứng đầu Thành ủy, cũng như quan điểm thúc đẩy phát triển để TP.HCM là đầu tàu của cả nước trong quá trình hội nhập, trở thành Hòn ngọc chiếu sáng Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng: “Tiền thì không có chứ cơ chế thì tạo được để cho thành phố phát triển”.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, cơ chế có thể hoàn toàn tạo ra để thúc đẩy sự phát triển. Và nói là làm, ngay sau cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt TP, những nhóm giải pháp kiến nghị cơ chế đặc thù cho TPHCM được Thủ tướng đồng ý.

Đó là, cơ chế đi đầu trong tự chủ bệnh viện, trường học; thành lập Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm; cơ chế tài chính đặc thù; đặt trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tại TPHCM; chủ động tự quyết hình thức lựa chọn nhà đầu tư...

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên