May Việt Tiến (VGG) lên kế hoạch năm 2020 sụt giảm 70% do tác động từ dịch Covid 19
Kết quả kinh doanh năm 2019 của VGG tuy đã không đạt tăng trưởng như kỳ vọng song mức lợi nhuận đạt được vẫn vượt 33% chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Tổng CTCP May Việt Tiến (mã CK: VGG) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25/4 tới đây tại Hội trường Tổng Công ty.
Năm 2019 vừa qua, thị trường dệt may thế giới nhiều biến động với nhiều kịch bản khó lường về chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, về các rào cản kỹ thuật mới. Nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn suy giảm do tình hình địa chính trị, tình hình kinh tế toàn cầu giảm phát, kéo theo nhu cầu nhập khẩu giảm gây khó khăn về đơn hàng và áp lực đơn giá cho doanh nghiệp.
Riêng công ty May Việt Tiến, theo số liệu trên BCTC hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán, doanh thu thuần đạt gần 9.036 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 504 tỷ đồng, giảm 13% so với lợi nhuận đạt được năm 2018, tuy nhiên đã vượt được 33% kế hoạch lợi nhuận năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 418 tỷ đồng, giảm sút 12% so với cùng kỳ tương đương EPS đạt 7.131 đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2019 của Tổng Công ty tuy đã không đạt tăng trưởng như kỳ vọng, nhưng theo Ban kiểm soát thì năng lực kinh doanh và khả năng sinh lời của VGG vẫn khá cao. Theo tờ trình, năm 2019, hầu hết các công ty con và công ty liên kết sản xuất kinh doanh đều có lãi. Tính đến cuối năm, tổng tài sản hợp nhất ghi nhận gần 4.983 tỷ đồng tăng 6%, trong đó tài sản cố định hữu hình tăng chủ yếu do mua sắm máy móc thiết bị và giá trị đầu tư nhà xưởng & vật kiến trúc đã hoàn thành đưa vào sử dụng (Dự án nhà xưởng tại Gò Công – Giai đoạn 1). Tài sản cố định vô hình tăng khá cao 9 lần chủ yếu do đầu tư các phần mềm cho sản xuất và quản trị. Cơ cấu nguồn vốn hợp lý và ở mức an toàn, vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng 19,5% so với đầu kỳ.
Về công tác nhân sự, mức lương bình quân của cán bộ công nhân viên công ty đã tăng mạnh trong năm 2019 với mức nhận bình quân 9,7 triệu đồng/người/tháng – tăng hơn 4% so với năm 2018.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình đại dịch covid 19 lan rộng khắp toàn cầu đã khiến các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, nguồn cung nguyên liệu gián đoạn, nhiều doanh nghiệp không đủ nguyên liệu sản xuất và kịp giao hàng cho đối tác. Với việc đóng của 3 thị trường lớn nhất Mỹ, EU, Nhật Bản ... (chiếm khoảng 65% kim ngạch XK của ngành dệt may) sẽ khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất dệt may là sản xuất theo mùa. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. VGG cũng chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi tình hình này, vì vậy Tổng công ty đã đề ra những phương án kinh doanh phù hợp, tăng cường sự chủ động nhằm kịp thời ứng phó với tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Với nhận định trên, VGG đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 ước đạt 6.300 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 150 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 30% và 70% kết quả đạt được năm 2019. Mức thu nhập bình quân của người lao động dự kiến 10 triệu đồng/người/tháng.
Tổ Quốc
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: KẾ HOẠCH KINH DOANH 2020
Xem tất cả >>- Gánh nặng lãi vay, Đạm Hà Bắc (DHB) đặt kế hoạch lỗ 1.132 tỷ đồng trong năm 2020
- Kinh Bắc City (KBC): Hai kịch bản kinh doanh năm 2020 với LNST khả quan từ 814 đến 1.000 tỷ đồng
- Dù ngành hàng không gặp khó, ACV đặt kế hoạch lãi 2.007 tỷ đồng năm 2020, riêng quý 1 đã hoàn thành 96% chỉ tiêu cả năm
- Masan Consumer (MCH): Kế hoạch lãi 4.600 tỷ đồng đến 4.900 tỷ đồng năm 2020
- Xi măng Bỉm Sơn (BCC): Kế hoạch lãi trước thuế 155 tỷ đồng năm 2020, trình phương án phát hành 13 triệu cổ phiếu trả cổ tức