Một đời đam mê
Nghề ngân hàng không có chỗ cho người chậm chạp, người không thay đổi tư duy theo thời gian… Chính vì lẽ đó hơn 30 năm trong ngành, tôi vẫn còn đam mê như thuở ban đầu cho dù nó không còn hấp dẫn về thu nhập cũng như bao khó khăn và thử thách đang chờ phía trước.
- 07-09-2017Làm tài chính cần tâm phải vững, nếu không sẽ bị cuốn theo cám dỗ, phá hoại công ty
- 07-09-2017Từ một cô bé học việc sale tài chính, sau 4 năm nỗ lực tôi đã lên làm quản lý với mức lương không ngờ
- 07-09-2017Hãy là một salesman chứ đừng là một messenger boy!
LTS: Từ nay đến 30/9/2017, CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức cuộc thi viết "Nghề Tài chính - Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang" nhằm tôn vinh những giá trị đẹp mà nghề đem lại, phê phán những điều chưa đẹp đồng thời truyền cảm hứng cho những người mới vào nghề.
Ngay bây giờ, quý độc giả đang công tác, học tập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những câu chuyện muốn chia sẻ, hãy gửi bài cho chúng tôi qua địa chỉ: nghecuatoi@cafef.vn.
--------------------
Dưới đây là bài dự thi của độc giả Trần Văn Thiên, giám đốc Kienlongbank chi nhánh Bình Định gửi tới cuộc thi.
Đã hơn 30 năm công tác trong ngành ngân hàng, cái cảm xúc của ngày đầu tiên vẫn còn đó, hồi hộp, lo âu chưa biết phải về đâu và niềm vui lại đến bất ngờ khi tôi được nhận công tác tại Phòng Kế toán Ngân hàng nhà nước tỉnh. Trong lòng tôi cảm thấy tự hào vì đã lựa chọn ngành ngân hàng và cảm ơn ngân hàng này đã chọn tôi .
Điểm bắt đầu là nơi ổn định
Điểm xuất phát của tôi khi được công tác tại Ngân hàng nhà nước có thể gọi là khá thuận lợi, và ở thời điểm đó, mọi người ai nấy đều rất ngưỡng mộ. Thời ấy ngành ngân hàng chỉ có một cấp, đó là hệ thống Ngân hàng nhà nước, từ trung ương đến huyện thị. Ngân hàng là bà đỡ của nền kinh tế nên nó rất oai trong con mắt của các cơ quan và các thành phần kinh tế khác. Thế nhưng, sự ổn định “quá mức” của công việc đã làm cho tôi cảm thấy nhàm chán và khơi dậy trong tôi một khát khao làm gì đó để góp sức cho sự phát triển của Ngân hàng.
Nhớ lại, ở vào khoảng thời gian năm 1986, lúc ấy, công cụ tính toán đều là những chiếc máy thô sơ, ấn nút tính toán xong phải quay tay để in ra giấy lưu chứng từ. Mãi đến năm 1990, những chiếc máy vi tính đầu tiên mới có mặt tại Việt Nam. Tại nơi tôi làm việc, máy vi tính lúc ấy là một “Người máy” vô cùng quý hiếm, nó được đưa vào phòng lạnh trùm khăn để trên bàn như một báu vật, chỉ một vài người biết sử dụng mới được phép bật màn hình nhấp nháy gõ vào mấy chữ Ms- Dos.. Dir, Lcs, CD, Copy…rồi tắt máy. Và từ khi “Người máy” ấy xuất hiện, nó đã khiến tôi có một mục tiêu để quyết tâm chinh phục.
Những thách thức vươn lên từ nghề tay trái
Với mục tiêu phải khai thác được hết những bí mật về “người máy”, tôi bắt đầu dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về nó, khổ nỗi là ở thời điểm ấy, cả tỉnh Bình Định không có bất kỳ một Trung tâm tin học nào để tôi có thể đăng ký theo học. Thế nhưng, sự khó khăn ấy không làm tôi nản lòng, Tôi bắt đầu mua sách hướng dẫn Tin học về tự học và mày mò, tìm hiểu. Sau một thời gian, tôi không những sử dụng tốt máy vi tính mà còn biết lập trình một số phần mềm cho phòng kế toán.
Cũng chính vì đam mê với máy vi tính, tôi đã được lãnh đạo cho đi học lớp lập trình nâng cao ở TP. Hồ Chí Minh. Quyết tâm học tập và nỗ lực hết mình, cuối cùng sự cố gắng cũng được đền đáp, tôi nhận được giải xuất sắc của khóa học lập trình nâng cao năm 1993. Đó coi như là một thành công đầu đời mà tôi được đón nhận.
May mắn lại tiếp tục đến với tôi khi Vietcombank Quy Nhơn cần tuyển một IT giỏi. Tôi quyết định rời Ngân hàng Nhà nước để đương đầu với thử thách mới, dù tôi biết, ở nơi đó sẽ không ổn định mà sẽ là một thương trường và đầy thử thách, thế nhưng, bản thân không muốn quá an toàn, bởi, ở trong vòng vây an toàn, tôi có thể khó có cơ hội để trải nghiệm và thành công. Hơn 10 năm (1994-2006) đồng hành cùng Vietcombank, tôi đã được học hỏi rất nhiều điều quý giá từ các anh chị từng trải của một Ngân hàng quốc doanh hàng đầu Việt Nam về công tác kế toán, tín dụng, và đặc biệt là công tác quản lý, điều hành.
Nhưng, với bản tính thích trải nghiệm với những thử thách và khó khăn, tôi lại quyết định chuyển công tác đến một Ngân hàng khác.
Tìm đến những thách thức mới
Ai cũng thắc mắc rằng, vì sao tôi đang công tác thật tốt ở một ngân hàng lớn, lại chuyển sang một ngân hàng khác mà ở thời điểm ấy ngân hàng này chưa được người dân tại Bình Định biết đến nhiều. Câu trả lời nằm trong chính vấn đề mà mọi người thắc mắc. Tôi thích sự mới mẻ và những trải nghiệm. Đến Ngân hàng mới, với một vị trí hoàn toàn mới, tôi bắt đầu những công việc mới và những khó khăn và thử thách mới.
Với vai trò lãnh đạo của một Chi nhánh, tôi bắt tay vào những công việc như: Công tác khai trương, Marketing, quản lý nhân sự mới, quảng bá hình ảnh & thương hiệu để thu hút khách hàng, tạo sự tin tưởng và an tâm nơi khách hàng…Tôi cảm thấy mình tự hào khi những nơi tôi tham gia quản lý và lãnh đạo đã có một tập thể đoàn kết, yêu thương và mọi người cùng trưởng thành, nhiều người thành đạt nhưng họ vẫn gắn bó với ngành ngân hàng.
Sau 30 năm trải nghiệm trải nghiệm trong ngành ngân hàng với nhiều vị trí và vai trò khác nhau, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự thăng trầm và thay đổi của ngành ngân hàng. Và cũng nhờ những điều đó, đã giúp tôi vững vàng hơn, nghị lực hơn, trách nhiệm và năng động hơn trong mọi công việc. Hơn hết, đó là niềm hạnh phúc khi được tận mắt nhìn thấy các hộ nghèo kinh doanh ngày một phát triển, các doanh nghiệp khó khăn được vực dậy đi lên và thành đạt từ đồng vốn ngân hàng mà chúng tôi đã mạnh dạn cho vay. Đó là niềm vinh dự khi được thay mặt Ngân hàng trao những suất học bổng cho các cháu học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn hoặc những gói quà cho bà con nghèo những ngày giáp Tết…
Ngành tài chính ngân hàng hoạt động thăng trầm như biểu đồ của nền kinh tế, nó bị ảnh hưởng, tác động bởi nhiều yếu tố chính trị, tài chính trong và ngoài nước, tuy nhiên giá trị mà nó mang lại rất lớn đó là góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Những con người làm trong ngành tài chính ngân hàng phải nhận thức đúng và tự mình học tập rèn luyện để bơi theo dòng nước ngược bởi những con cá vượt thác là con cá sống, con cá trôi xuôi là con cá chết và những con cá ham mồi thì mắc lưỡi câu.
Một đời đam mê
Trải qua 30 năm gắn bó với nghề, tôi thấy rằng đối với những nhân viên ngân hàng ngoài việc chỉnh chu về ngoại hình, trang phục theo quy định của ngân hàng, còn phải có đạo đức tốt, thái độ tích cực, kiến thức phong phú và phù hợp với chuyên môn, kỹ năng nhanh nhẹn hoạt bát. Muốn có thái độ tích cực phải có tư duy đúng đắn và luôn nghĩ rằng chúng ta đang ký hợp đồng với ngân hàng là một đối tác lớn chứ không phải người làm thuê. Đã là đối tác thì chúng ta có quyền và nghĩa vụ mà đôi bên đã giao ước. Là đối tác bản thân mình phải góp phần cho đối tác của mình ngày một phát triển hơn, muốn được như vậy phải tự phát triển cá nhân. Mỗi người phải mang lại lợi ích cho khách hàng, cho cổ đông, cho ngân hàng, cho đồng nghiệp và tất nhiên, trong đó phải có lợi ích cho bản thân.
Ở góc độ quản lý, tôi rất tâm đắc định nghĩa của trường kinh doanh Harvard rằng “Người quản lý là người đem lại kết quả kinh doanh thông qua người khác”, tức là chúng ta phải làm việc “thông qua người khác”. Làm việc thông qua người khác khó hơn nhiều so với tự mình làm, đòi hỏi người quản lý phải biết khôn khéo tìm người phối hợp, biết trao quyền, biết tạo ra bầu không khí làm việc ấm áp, biết đào tạo và tổ chức làm việc nhóm. Vai trò người quản lý là quản lý tiến trình, quản lý sự thay đổi, quản lý mục tiêu chứ không phải quản lý con người. Mọi người có thể tự quản lý bản thân nếu bạn tạo cơ hội cho họ. Chính vì vậy bạn luôn phải làm gương cho nhân viên, bạn phải là người đi tiên phong để nhân viên noi theo và cuối cùng bạn phải biết nhận trách nhiệm về mình. Dám nhận trách nhiệm về mình nếu kết quả không tốt và sẵn sàng dùng từ “chúng ta” khi có thành tích vượt trội.
Những năm gần đây, tôi may mắn khi được công tác ở một ngân hàng TMCP mà nơi đó được điều hành bằng văn hóa chứ không phải mệnh lệnh với Slogan ”Sẵn lòng chia sẻ”, mọi người luôn được phát huy hết khả năng của mình, được quan tâm, được tôn trọng, xem cơ quan như ngôi nhà thứ hai của mình. Làm quản lý hay lãnh đạo phải biết rằng thu nhập đi đôi với trách nhiệm, chức danh đi đôi với khả năng công việc. Ngân hàng không có chỗ cho người chậm chạp, người không thay đổi tư duy theo thời gian… Chính vì lẽ đó hơn 30 năm trong ngành, tôi vẫn còn đam mê như thuở ban đầu cho dù nó không còn hấp dẫn về thu nhập cũng như bao khó khăn và thử thách đang chờ phía trước.
Các bạn trẻ mới bắt đầu vào ngành thân mến! Có thể các bạn không được phân công đúng vị trí, đúng sở trường, có thể điểm xuất phát rất thấp, không sao!. Chỉ cần các bạn làm tốt nhất ở vị trí hiện tại bằng cả đam mê và nhiệt huyết, đồng thời luôn bổ sung kiến kiến thức mỗi ngày, rèn thêm các kỹ năng mềm với tinh thần cầu tiến nhất định bạn sẽ có một vị trí tốt hơn ở nơi hiện tại hoặc có thể một ngân hàng khác đang dang tay chào đón bạn. Làm công ăn lương bạn hoàn toàn có thể giàu có và trở thành ông chủ nếu biết tiết kiệm thu nhập ít nhất trên 10 % mỗi tháng, đem đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng của mình hoặc công ty nào tốt nhất, trong đại hội cổ đông sẽ có mặt ông chủ, người đó đó chính là bạn.
Trí Thức Trẻ
- Trao giải cuộc thi viết Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang
- Thông báo Giải thưởng cuộc thi viết “Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang”
- 20 tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc Thi viết “Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang”
- Từ hình ảnh ngày hội từ thiện, tôi quyết tâm theo đuổi nghề ngân hàng và vinh quang đã đến sau những nỗ lực không ngừng nghỉ
- Sinh viên “khởi nghiệp” ngân hàng