Một nhà ba người cùng ung thư dạ dày chính từ chế độ ăn uống nguy hại, bác sĩ chỉ ra 3 điểm cần tránh
Trên thực tế, nguyên nhân khiến một gia đình 3 người đều mắc ung thư dạ dày chủ yếu liên quan đến thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh.
- 09-01-2024Loại rau từ biển là “tiên dược” cho người mắc tiểu đường, hạ đường huyết cực nhạy: giá không hề đắt, lại càng dễ ăn
- 09-01-2024Tìm thấy vật thể hình tròn trong mộ cổ, chuyên gia bối rối: "Thứ này không thể xuất hiện ở đây!"
- 09-01-2024"Bố hỏi: Lớp có đứa nào điểm 10 không? "Có" là ăn đòn", câu chuyện của thầy Hiệu trưởng ở Hà Nội khiến nhiều cha mẹ giật mình
Ba năm trước, bố mẹ của Tiểu Đặng (Trung Quốc) được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Tiểu Đặng (32 tuổi) cũng cảm thấy khó chịu nên đã đến bệnh viện nội soi và nhận được kết quả chẩn đoán tương tự. May mắn, vì kịp thời phát hiện nên căn bệnh ung thư của Tiểu Đặng mới ở giai đoạn đầu và vẫn có thể tiến hành điều trị.
Qua trao đổi, được biết cả gia đình ba người trong nhà Tiểu Đặng không ai có thói quen hút thuốc hay uống rượu, trong nhà cũng không có tiền sử mắc ung thư dạ dày.
Bác sĩ cho biết, cả 3 thành viên trong gia đình Tiểu Đặng đều mắc ung thư dạ dày do thói quen ăn uống không lành mạnh kéo dài. Mẹ Tiểu Đặng thường xuyên cho một lượng muối khá lớn vào thức ăn khi nấu, lâu dần tạo thành thói quen.
Ngoài ra, mẹ Tiểu Đặng còn thường xuyên làm các món muối chua, đồ khô hun khói... Những món ăn này thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn gia đình quanh năm. Nhưng họ không hề hay biết, đây đều là những thực phẩm rất có hại cho dạ dày.
Dạ dày là một trong những cơ quan tiêu hoá quan trọng trong cơ thể, chế độ ăn uống có thể quyết định sức khoẻ dạ dày vì đây là nơi trực tiếp tiếp nhận và xử lý thực phẩm, dần chuyển hoá thành dạng cơ thể có khả năng hấp thụ, tạo điều kiện cho quá trình tiếp nhận chất dinh dưỡng của ruột non.
Chính vì vậy, nếu chế độ ăn uống khong lành mạnh chắc chắn sẽ gây tổn hại đến sức khoẻ dạ dày.
3 chế độ ăn có thể dẫn đến ung thư dạ dày
- Chế độ ăn quá mặn
Dữ liệu lâm sàng cho thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa lượng muối trong chế độ ăn và ung thư dạ dày. Nghiên cứu cho thấy, ở những người có thói quen ăn mặn, nguy cơ tương đối mắc ung thư dạ dày tăng 191% so với người ăn nhạt.
Nguyên nhân chính là bởi, sau khi ăn quá nhiều muối, áp suất thẩm thấu cao trong dạ dày sẽ gây tổn thương trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, gây ra các hiện tượng phù nề, viêm loét, hoại tử, xuất huyết và các biến đổi bệnh lý khác ở niêm mạc dạ dày.
Đồng thời, những người ăn nhiều muối trong thời gian dài cũng dễ bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP) hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây ra ung thư dạ dày.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, người lớn không nên tiêu thụ quá 6 gam muối mỗi ngày. Tuy nhiên, rất nhiều người Việt với khẩu vị mặn thường tiêu thụ quá lượng được khuyến nghị.
- Ăn nhiều đồ muối chua
Thực phẩm muối chua không chỉ chứa nhiều muối mà còn tạo ra một lượng lớn nitrit trong quá trình ngâm chua. Khi chúng kết hợp với protein tạo thành nitrosamine - một chất gây ung thư mạnh.
May mắn ở thời điểm hiện tại, tủ lạnh ngày càng trở nên phổ biến nên người ta đã hạn chế cách bảo quản thực phẩm bằng việc muối chua, từ đó cũng giảm tỷ lệ mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày.
Tuy nhiên ở nhiều vùng cũng như thói quen ăn uống của nhiều người mà các món muối chua vẫn khá phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Chính vì vậy, nên hạn chế số lượng thực phẩm muối chua để bảo vệ sức khoẻ.
- Ăn nhiều đồ nướng, hun khói
Những thực phẩm hun khói, trong đó có cả những thực phẩm siêu chế biến nhiều người yêu thích thường có hương vị thơm ngon. Nhưng để tạo ra những hương vị đó, đều trải qua rất nhiều công đoạn tẩm ướp với lượng muối cùng nhiều chất phụ gia. Những chất này không tốt cho sức khoẻ.
Đặc biệt, qua quá trình hun khói sẽ sản xuất một lượng lớn benzopyrene. Chất gây ung thư này sẽ bám vào thực phẩm, nếu ăn quá nhiều trong thời gian dài cũng sẽ khiến nguy cơ mắc ung thư dạ dày tăng lên.
4 thói quen để có dạ dày khoẻ mạnh
- Ăn nhiều rau củ quả
Trái cây và rau quả nói chung rất giàu các loại vitamin như C, A, E; caroten, axit folic và flavonoid. Những dưỡng chất này có khả năng ngăn ngừa sự hình thành chất gây ung thư, giảm tổn thương DNA và có tác dụng ức chế nhất định đối với tế bào ung thư, từ đó có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Đồng thời, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu đảm bảo lượng rau và trái cây ăn vào hơn 4 ngày trong tuần có thể giảm tới 44% nguy cơ ung thư dạ dày.
- Hạn chế hút thuốc và uống rượu
Mọi người đều biết rằng hút thuốc lá làm tổn thương phổi, nhưng hút thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày. Bất kể hành vi hút thuốc là trong quá khứ hay hiện tại đều làm tăng từ 2 đến 3 lần nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Cùng với đó, thuốc lá có thể gây đột biến protein khối u P53 và một số enzym và từ đó tạo ra các chất gây ung thư khác nhau như dimethylnitrosamine, benzopyrene... Những chất này sẽ xâm nhập vào đường tiêu hóa thông qua tuần hoàn máu và làm tổn thương niêm mạc dạ dày và cuối cùng gây ra ung thư.
Rượu cũng là một trong những thứ gây hại với dạ dày. Những người uống nhiều rượu thường phải đối diện với nguy cơ viêm loét dạ dày và kéo theo đó là khả năng mắc ung thư dạ dày cũng tăng cao.
- Ăn đều đặn đúng giờ, không nên ăn quá no
Nhiều người có thói quen ba bữa ăn mỗi ngày không đều đặn vào cố định một khung giờ. Dạ dày có đồng hồ sinh học của nó, nếu ăn không cố định khung giờ ăn uống trong thời gian dài sẽ dễ gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
Đồng thời, khi ăn quá no, thức ăn sẽ khó được tiêu hóa hết, khiến dạ dày thấy khó chịu. Những thói quen ăn uống không tốt này có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng khuyên mọi người không nên dùng các loại đũa ăn chung ngoài quán cũng như hạn chế việc gắp thức ăn cho nhau trên bàn ăn. Việc này không chỉ đẩy lùi nguy cơ ung thư dạ dày mà còn giảm nguy cơ mắc một số vi khuẩn lây truyền qua thực phẩm khác như Helicobacter pylori, vi rút viêm gan A...
- Giữ tinh thần thoải mái
Sự xuất hiện của các bệnh về dạ dày có liên quan nhiều đến cảm xúc tâm lý của con người. Trong một nghiên cứu, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày của những người trong trạng thái suy nhược tinh thần trong thời gian dài và sang chấn tâm lý nặng trong vòng 10 năm lần lượt cao gấp 1,7 lần và 2,1 lần so với người tâm lý ổn định bình thường. Những người quá u uất, cô đơn, trầm cảm và sống nội tâm cũng là những đối tượng rất dễ mắc ung thư dạ dày.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ai cũng phải trải qua chịu nhiều áp lực và lo lắng thường trực, hãy cố gắng trút bỏ những cảm xúc tiêu cực và áp lực tâm lý với gia đình, bạn bè.
Nguồn: Sohu
Phụ nữ mới