Mùa niễng về, nhớ thưởng thức loại đặc sản thơm thảo, dân dã trời ban của vùng đất thành Nam
Mùa niễng chỉ diễn ra trong vài tháng cuối năm, vị ngọt đọng lại trong đọt củ, bóc lớp bẹ bên ngoài lấy phần nõn mang chế biến món ăn, vừa ngậy lại bùi.
- 08-11-2023Đà Lạt bước vào mùa dã quỳ đẹp mơ màng, phủ kín cả triền đồi rực rỡ
- 07-11-2023Chùm ảnh: Hà Nội sáng bình yên trong cơn gió lạnh đầu mùa, người dân co ro khoác thêm áo ấm
- 06-11-2023Loại củ chỉ mùa đông mới có, là thần dược cho sức khỏe, giá lại rẻ bèo
- 05-11-2023Uống nước lọc ấm cho thêm một trong 3 thứ giúp tăng miễn dịch, bụng phẳng bất chấp mùa lạnh dễ tích mỡ
Đất thành Nam lắm đặc sản, nhiều thứ ngon nhưng cứ cuối thu và chớm đông về, khi cơn gió lạnh đầu mùa len lỏi vào từng góc phố, ai nấy đều bảo nhau tìm lấy vài bó niễng tươi để thưởng thức cái ngọt lành của củ dân dã này.
Niễng - Đặc sản dân dã của Nam Định
Mùa niễng rộ vào lúc cuối thu và chớm đông, khi tiết trời trở lạnh. Thứ củ dân dã và mộc mạc này có ngoại hình chẳng mấy đặc biệt nhưng lại chinh phục biết bao tâm hồn sành ăn say mê. Mùa niễng chỉ kéo dài nhỉnh độ 1 tháng nên thứ đặc sản quê này được chị em nội trợ tìm mua thưởng thức để lấy chút thảo khi mùa sang.
Niễng còn được gọi là lúa hoang, giao bạch, thực chất là loại thân thảo mọc hoang ở các khu đàm nước, ruộng ao. Thân niễng màu tím sẫm ngả nâu, phình to và chắc nịch. Khi bóc lớp bẹ ngoài sẽ thấy phần thân trắng nõn mập mạp, có những củ ngả xanh lá một chút.
Củ niễng mộc mạc ấy chẳng phải cao lương mĩ vị gì nhưng vị ngon lại thuần khiết và cực giàu dinh dưỡng. Củ niễng giàu vitamin và khoáng chất. Người xưa truyền lại kinh nghiệm để biết cách ăn ngon và bổ, đó chính là "mùa nào thức nấy". Niễng được bán tại các khu chợ dân sinh và trên chợ mạng, hội nhóm. Nhiều người phải săn tìm mãi mới mua được bó niễng về thử cho kịp mùa.
Ngoài lượng protein thông thường, niễng còn giàu chất xơ. Chúng cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức đề kháng cho da. Y học hiện đại cho rằng, ăn củ niễng có thể phòng bệnh tăng huyết áp, ngăn chặn xơ vữa động mạch. Đặc biệt củ niễng có hiệu quả trị liệu nhất định đối với bệnh xơ cứng gan, urê máu cao. Theo Đông y, củ niễng vị ngọt tính mát, lấy rễ cành, hạt của nó làm thuốc có công hiệu thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân chỉ khát, điều tràng vị, lợi đại tiểu tiện, thông sữa thúc sữa. Các nhà khoa học Nhật Bản gần đây nghiên cứu phát hiện củ niễng có công hiệu trắng da, dưỡng nhan hiệu quả.
Tiết trời se lạnh, ôm bó niễng trong tay biết làm món gì cho ngon?
Niễng tươi chọn những củ mập, phần bẹ tươi và mướt, màu hơi xanh tím và chắc nịch. Loại củ vỏ ngoài héo beo là niễng hái đã lâu, rút nước, không nên mua loại niễng này. Củ niễng càng to và béo thì sẽ càng ngon. Phần củ non màu trắng, ít xanh. Những củ khi thái ra có chấm đen vẫn ăn được bình thường.
Củ niễng mũm mĩm, tròn lẳn được bọc ngoài lớp bẹ vừa dày vừa thô ráp. Chúng có thể chế biến được nhiều món ăn. Ai thích ăn thanh đạm có thể ăn sống bằng cách trộn gỏi, nộm thập cẩm với tôm thịt hoặc luộc chấm với muối tiêu. Hương vị của niễng rất riêng mà không loại rau nào có thể giống được.
Niễng cũng có thể mang nấu canh hoặc xào. Dường như niễng xào được ưa chuộng hơn cả, chẳng hạn như xào thịt lợn, xào với trứng, trong đó món niễng xào thịt bò được nhiều người thực hiện nhất. Loại củ dân dã nên cách chế biến cũng chẳng cần cầu kỳ, phức tạp hay cần đến nguyên liệu gì cao sang. Không xào cùng thịt, cùng trứng thì thêm tí dầu, tí hành, xào nguyên bản với muối, rắc tí rau mùi vào cũng hao cơm phải biết.
Hướng dẫn thực hiện củ niễng xào trứng
Nguyên liệu cần thiết
- 1 bó niễng, 2 quả trứng gà, 1 củ hành tím, vài nhánh hành xanh, 1 cọng rau mùi, hạt tiêu.
Cách thực hiện
1. Niễng mua về mang bóc phần bẹ ngoài, chỉ lấy phần củ non trắng bên trong. Cắt bớt phần thân dưới nếu già và nhiều xơ.
Rửa sạch, để ráo. Sau đó, thái vát chéo mỏng khoảng 0,2cm. Hành tím bằm nhỏ. Hành xanh rửa sạch, thái nhỏ phần đầu trắng để riêng, phần cọng xanh cắt khúc nhỏ. Trứng gà cho vào bát, thêm 1/3 thìa cà phê tiêu, 1/3 thìa cà phê muối và khuấy đều.
2. Cho chút dầu ăn vào chảo nóng, đổ hành tím và phần đầu hành trắng vào phi thơm. Đổ củ niễng vào xào khoảng 30 giây, đổ phần trứng gà vào, nhanh tay đảo đều. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Cho hành lá cắt khúc và rau mùi thái nhỏ vào, rắc thêm chút tiêu, đảo đều và trút ra đĩa. Củ niễng nhanh chín, bên cạnh đó, niễng chỉ nên xào chín tới để vẫn giữ được độ ngọt và giòn. Nếu xào nhừ quá niễng ăn bị bột không ngon.
Chúc bạn thực hiện những món ngon từ niễng thành công!
Trí thức trẻ