Mục tiêu trở thành ngân hàng TOP1 về hiệu quả, SHB tự tin với chiến lược khác biệt và nền tảng vững vàng qua ba thập kỷ
SHB đang tập trung nguồn lực để triển khai Chiến lược Chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện giai đoạn 2024-2028 với mục tiêu trở thành ngân hàng TOP1 hiệu quả.
Trong những ngày cuối tháng 4, đại hội cổ đông của nhiều ngân hàng đã diễn ra, nổi bật là SHB với sự tham dự của gần 1.400 cổ đông. Đây là ngân hàng có số lượng cổ đông lớn, thanh khoản giao dịch cổ phiếu và vốn hóa trong nhóm đầu ngành. Năm trước, cổ phiếu SHB vào rổ chỉ số VN30, khẳng định vị thế, sức ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán.
Gần 1.400 người dự họp ĐHCĐ thường niên 2024 của SHB.
Nhận được sự quan tâm của cổ đông, phiên thảo luận tại đại hội thường niên của SHB sôi nổi, đề cập đến nhiều vấn đề nóng như giá cổ phiếu, tiến độ thoái vốn các công ty con, chất lượng tín dụng, định hướng kinh doanh, chiến lược những năm tới… Một cổ đông đã đặt câu hỏi: "Cơ sở nào để đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024, với lợi nhuận hơn 11.286 tỷ đồng, tăng 22%?".
Kế hoạch lãi 11.286 tỷ đồng năm 2024
Giải đáp câu hỏi của cổ đông, Tổng giám đốc SHB, bà Ngô Thu Hà nhấn mạnh, kế hoạch của ngân hàng được xây dựng dựa trên cơ sở rõ ràng, dựa trên tình hình kinh doanh của các mảng, xây dựng sản phẩm cho từng phân khúc khách hàng. Đồng thời, SHB sẽ tối ưu chi phí, tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn, thúc đẩy hoạt động phi tín dụng. Ngân hàng cũng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu.
Để minh chứng cho tính khả thi kế hoạch 2024, Tổng giám đốc Ngô Thu Hà đề cập đến hết tháng 3, lợi nhuận đạt hơn 4.000 tỷ đồng, cao nhất lịch sử, thực hiện 35% kế hoạch năm.
Tại đại hội Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển kể về câu chuyện khi SHB là ngân hàng đầu tiên thực hiện chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng của Chính phủ, nhận sáp nhập HabuBank. Đó là quá trình dài và vất vả nhưng ngân hàng đã chuyển đổi thành công.
Ông Đỗ Quang Hiển cho rằng những dấu ấn của SHB trong suốt hành trình 30 năm qua là cơ sở để ngân hàng bước sang một giai đoạn phát triển mới, vươn tầm khu vực. Năm nay là năm bản lề để ngân hàng triển khai Chiến lược Chuyển đổi 2024-2028.
Nối tiếp câu chuyện về kế hoạch kinh doanh, một trong những vấn đề được cổ đông đặc biệt quan tâm là điểm khác biệt của SHB so với ngân hàng khác, cùng định hướng phát triển trong tương lai.
Chủ tịch SHB, ông Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh SHB luôn tìm lối đi riêng khác biệt, liên tục ứng biến linh hoạt phù hợp theo từng giai đoạn và có định hướng lâu dài. Ngân hàng liên tục nghiên cứu đưa những sản phẩm dịch vụ, tiện ích hiện đại thoả mãn mọi nhu cầu khách hàng; xây dựng, cung cấp các chương trình sản phẩm phù hợp với các phân khúc khách hàng trong ngành nghề ưu tiên, các lĩnh vực là động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, tăng cường hợp tác, cung ứng các sản phẩm dịch vụ trọn gói, riêng biệt cho các khách hàng chiến lược và hệ sinh thái, chuỗi cung ứng giá trị của khách hàng...
Cổ đông đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến tại đại hội.
Bên cạnh tập trung phát triển các sản phẩm, phát triển khách hàng, SHB sẽ tiếp tục kiểm soát, đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Ông Đỗ Quang Hiển cho biết ngân hàng đang đưa ra nhiều phương án để tập trung cao độ xử lý nợ. Ngân hàng đã thành lập các tổ từ hội sở đến chi nhánh/phòng giao dịch, trực tiếp làm rõ và đưa ra các giải pháp phù hợp, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Ngân hàng sẽ thu hồi khoản nợ xấu cần thiết, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2%. Dù vậy, theo Chủ tịch SHB, đây là giai đoạn mà ngân hàng cần đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Ngân hàng sẽ điều phối hợp lý thực hiện song song hai mục tiêu này.
Sự khác biệt của SHB cũng xuất hiện trong những thương vụ chuyển nhượng, thoái vốn tại các ngân hàng, công ty thành viên. Ngân hàng luôn thực hiện những thương vụ thoái vốn với giá trị cao, tốt hơn mặt bằng thị trường. Bởi ngay trong quá trình đàm phán chuyển nhượng vốn, SHB luôn đặt lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư lên hàng đầu. Đây là lý do mà các cuộc thương thảo của SHB với đối tác luôn cần thời gian do ngân hàng nghiên cứu chặt chẽ và đặt ra yêu cầu cao, tối ưu quyền lợi. Chủ tịch Đỗ Quang Hiển chia sẻ: "Khi đàm phán với đối tác, họ bảo chung tôi khó tính vì chi tiết quá, nhưng họ rất thích".
Năm 2023, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn cổ phần SHBFinance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan và sẽ chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm, qua đó tạo thêm nguồn lực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm, bổ sung bộ đệm vốn, tăng cường năng lực tài chính.
Ngân hàng tiếp tục triển khai phương án chuyển nhượng vốn tại Ngân hàng TNHH MTV Sài Gòn – Hà Nội Lào (SHB Lào) và Ngân hàng TNHH MTV Sài Gòn – Hà Nội Campuchia (SHB Campuchia). Hiện nay, đã có nhà đầu tư đề nghị mua lại toàn bộ cổ phần tại SHB Lào và hai bên đang làm việc để hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Giai đoạn 2024-2028, SHB đang tập trung nguồn lực để triển khai chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện dựa trên 4 trụ cột: Cải cách cơ chế, chính sách, quy định, quy trình; Con người là chủ thể; Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; Hiện đại hóa công nghệ thông tin và chuyển đổi số và kiên định theo 6 giá trị văn hóa cốt lõi "Tâm – Tin – Tín –Tri – Trí – Tầm".
Hiện thực hóa quyết tâm đó, Hội đồng Quản trị SHB đã quyết định thành lập Khối Chuyển đổi với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới về tài chính ngân hàng và phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi giai đoạn 2024-2028.
Nhiều thay đổi sẽ được thực hiện quyết liệt ngay từ năm 2024, liên quan đến phân khúc khách hàng mục tiêu, kênh bán và mô hình bán, mô hình dịch vụ, công nghệ và cơ sở hạ tầng, quản trị rủi ro hiện đại, hiệu quả. Chiến lược Chuyển đổi được xây dựng trên lộ trình cụ thể với ba giai đoạn gồm Giai đoạn 2024-2025: Xây dựng và Phát triển nền tảng; Giai đoạn 2026-2027: Tăng tốc tăng trưởng và Giai đoạn 2028: Đột phá, hiệu quả và bền vững.
SHB đặt mục tiêu chiến lược trở thành Ngân hàng TOP 1 về hiệu quả; Ngân hàng Số được yêu thích nhất; Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất đồng thời là Ngân hàng TOP đầu cung ứng nguồn vốn, sản phẩm tài chính dịch vụ với khách hàng doanh nghiệp chiến lược tư nhân và Nhà nước, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, hệ sinh thái, phát triển xanh.
Tổ Quốc
Sự kiện: Vận hội mới
Xem tất cả >>- Triển vọng khả quan nửa cuối năm 2024, ngân hàng nào sẽ dẫn dắt xu thế tăng trưởng?
- Ngân hàng vững, bền cổ đông
- Bí mật ít người biết về câu chuyện "Sinh lời tự động" tại Techcombank
- Ba cái “nhất” trong Quý 1/2024, tạo đà bứt phá cho Techcombank
- AI bùng nổ: "Chìa khóa vàng" mở ra 3 chiến lược đột phá cho ngành ngân hàng 2024