MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ: Đảng Cộng hòa rối ren

01-03-2024 - 10:45 AM | Tài chính quốc tế

Việc lãnh đạo phe thiểu số Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell thông báo từ chức đang châm ngòi các xáo trộn trong nội bộ đảng ngay trước thềm bầu cử.

Các Thượng nghị sĩ John Thune ở bang Nam Dakota, John Cornyn ở bang Texas và John Barrasso ở bang Wyoming đang được xem là những ứng viên sáng giá kế nhiệm ông Mitch McConnell - người vừa thông báo từ chức ngày 28-2 (giờ địa phương).

Năm nay 82 tuổi, ông McConnell đã giữ vị trí lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện suốt 17 năm, lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông dự định từ chức sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 tới. 

Theo hãng tin Bloomberg, không giống ông McConnell, cả 3 ứng viên nói trên đều ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong lần tranh cử thứ 3 vào Nhà Trắng. Dự kiến còn xuất hiện những ứng viên khác khi nhiều tháng nữa mới đến cuộc bỏ phiếu. 

Cuộc đua thay thế vị trí ông McConnell sẽ trở thành một cuộc trưng cầu ý kiến về quan điểm của Đảng Cộng hòa đối với viện trợ cho nước ngoài và tầm quan trọng của các liên minh của Mỹ. 

Hai ông Thune và Cornyn nằm trong số 22 thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện ủng hộ gói chi tiêu bổ sung 95 tỉ USD cho Ukraine, Israel và các vấn đề khác. Trái lại, ông Barrasso và ông Daines đã bỏ phiếu phản đối cùng với đa số thành viên Đảng Cộng hòa.

Lãnh đạo phe thiểu số Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell sau khi tuyên bố từ chức  tại Washington - Mỹ ngày 28-2 Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo phe thiểu số Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell sau khi tuyên bố từ chức tại Washington - Mỹ ngày 28-2 Ảnh: REUTERS

Bất kỳ ai trở thành lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng sẽ đối mặt sự chia rẽ trong nội bộ đảng. 

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa (RNC) Ronna McDaniel vừa thông báo sẽ từ chức vào ngày 8-3 sau những áp lực từ ông Trump. Đồng Chủ tịch RNC Drew McKissick cho biết ông cũng sẽ ra đi. Trong khi đó, ông Trump đã lên tiếng ủng hộ con dâu Lara Trump đảm nhận vị trí sắp bị bỏ trống. 

Theo tạp chí The Hill, động thái này phản ánh mong muốn của cựu tổng thống nhằm tập hợp những người trung thành trong Đảng Cộng hòa, đồng thời là hồi chuông cảnh báo đối với những người chỉ trích ông.

Tuy ảnh hưởng của ông Donald Trump ngày càng được củng cố với thành tích toàn thắng cho đến nay trong các cuộc bầu cử sơ bộ tìm ứng viên tổng thống cho Đảng Cộng hòa, song ông hiện phải đối mặt hàng loạt rắc rối pháp lý. 

Thẩm phán ở bang Illinois đã cấm cựu Tổng thống Trump tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại bang này vì vai trò của ông trong cuộc bạo loạn ở quốc hội Mỹ năm 2021 - theo Bloomberg ngày 29-2. Đây là bang thứ 3 áp đặt lệnh cấm như vậy, sau quyết định vào tháng 12-2023 của bang Colorado và tiếp đến là bang Maine. 

Chưa hết, Tòa Phúc thẩm bang New York ngày 28-2 ra phán quyết không cho phép cựu Tổng thống Trump hoãn nộp số tiền phạt hơn 454 triệu USD liên quan đến tội danh thổi phồng giá trị tài sản để nhận các quyền lợi về thuế và bảo hiểm. 

Ông Trump được "an ủi" chút ít khi cùng ngày, Tòa án Tối cao Mỹ đã nhận thụ lý kháng cáo của ông về việc miễn truy tố đối với cáo buộc lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. 

Tòa án Tối cao Mỹ cũng sắp đưa ra phán quyết về việc có hủy bỏ quyết định tư pháp cấm ông Trump tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở bang Colorado hay không.

Một diễn biến khác liên quan chính trường Mỹ là các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa thuận vào phút chót nhằm ngăn việc chính phủ đóng cửa. Thỏa thuận này sẽ cấp ngân sách tạm thời để chính phủ hoạt động thêm một tuần, tránh được kịch bản đóng cửa một phần vào ngày 2-3 (giờ địa phương).

Theo Bloomberg, thỏa thuận còn tài trợ cho một số cơ quan khác đến ngày 30-9. Phần còn lại của chính phủ Mỹ, bao gồm Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa, vẫn phải đối mặt nguy cơ đóng cửa vào ngày 23-3. Đây là lần thứ 4 kể từ ngày 1-10-2023, Quốc hội Mỹ phải đưa ra các gói chi tiêu tạm thời để ngăn chính phủ đóng cửa.


Theo Xuân Mai

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên