Nêu giải pháp tăng lượng hàng hóa qua cảng Cái Mép – Thị Vải
Ngày 20/5, tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Công ty cổ phần Gemadept tổ chức tọa đàm giải pháp thúc đẩy dòng chảy hàng hóa thông qua khu vực cảng Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu với sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng đại diện các doanh nghiệp cảng biển, doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh.
- 16-05-2023Địa phương duy nhất có đường hầm vượt sông
- 16-05-20235 năm nữa, GDP Việt Nam được dự báo vượt Thụy Điển và một số nước châu Âu, tiến vào top 30 lớn nhất thế giới
- 15-05-2023Tỉnh duy nhất có thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình nhưng quy mô GRDP thuộc top 10 cao nhất cả nước
Thông tin tại buổi tọa đàm, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trong giai đoạn 2021-2022 lượng hàng qua hệ thống cảng biển của tỉnh tăng trưởng bình quân khá tốt, trên 20%. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2022, do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID- 19 cũng như tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến động, sản lượng hàng thông qua cảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đặc biệt trong 3 tháng đầu năm 2023, sản lượng hàng hóa container qua cụm cảng Cái Mép – Thị Vải lần đầu tiên giảm trên 2 con số (khoảng 30%). Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phân tích về năng lực lõi của cảng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam chỉ ra thế mạnh then chốt của cảng biển khu vực Cái Mép – Thị Vải đó là thuộc nhóm cảng biển số 4, các nhà đầu tư khai thác cảng và hãng tàu lớn, thời gian quay vòng cảng thấp nhất trong ASEAN, đã rút ngắn thời gian trực tiếp từ cảng khu vực Cái Mép đi thẳng qua châu Âu và khả năng kết nối với các khu vực cảng lân cận bằng đường thủy và đường bộ rất thuận tiện.
Đặc biệt, hệ thống cảng tại Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trên trục cửa ngõ kết nối hàng hải quan trọng của Việt Nam ra thế giới với mớn nước sâu có thể tiếp cận tàu container trên 20.000 TEUs, hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải đảm nhận 70-80% sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long…
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Hòa cũng chỉ ra các điểm hạn chế của cảng biển khu vực Cái Mép – Thị Vải như hệ sinh thái dịch vụ logistics cảng biển chưa được đầu tư đầy đủ nên khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, vẫn chưa khai thác hết lợi thế tự nhiên khi lượng hàng trung chuyển quốc tế qua cảng biển Cái Mép – Thị Vải còn thấp chỉ 5-10%....
Còn ông Phạm Quang Huy, Chuyên viên cao cấp của Tập đoàn Gemadept cũng cho rằng, nguồn hàng trung chuyển, nguồn hàng tại chỗ rất thấp, đồng thời hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải còn quá ít tuyến vận tải nội Á nên nhiều doanh nghiệp trong phạm vi “chân hàng” của Cái Mép - Thị Vải có nhu cầu xuất nhập trong tuyến này đang phải vận chuyển hàng hóa lên cảng Cát Lái (Tp. Hồ Chí Minh). Cùng đó, chi phí vận tải cao, hệ thống dịch vụ hậu cần, dịch vụ hỗ trợ cảng biển chưa theo kịp tốc độ phát triển… là những nguyên nhân khiến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn khó khăn trong việc thu hút nguồn hàng….
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast), để hàng hóa thông qua khu vực Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu tỉnh cần tăng cường hệ thống hạ tầng kết nối cảng biển; trong đó, về đường thủy hàng hải, thiết lập tuyến vận tải sông Đồng Tranh, nâng cấp luồng Cái Mép – Thị Vải.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đồng ý chủ trương cho khu vực Cái Mép tiếp nhận tàu Mẹ đến 24.000 TEU; Khu cảng Thị Vải tiếp nhận tàu tổng hợp 100.000 DWT.
Về đường bộ, hoàn thành mở rộng tuyến Quốc lộ 51, đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, triển khai cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, các tuyến đường cao tốc liên vùng; cho phép tàu nước ngoài thực hiện gom hàng xuất nhập khẩu từ các cảng nội địa về Cái Mép – Thị Vải.
Đồng thời, Cảng vụ Hàng hải xây dựng phần mềm nghiệp vụ thủ tục tàu biển kết nối mạng một cửa quốc gia. Triển khai thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng trên cổng thông tin một cửa quốc gia; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với nhóm thủ tục hành chính cấp phép cho tàu vào, rời cảng....
Trước những hạn chế đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Hòa đã đưa ra các giải pháp như: Cảng biển khu vực Cái Mép – Thị Vải cần học tập các giải pháp của các cảng trên thế giới. Đó là, tăng cường kết nối hàng hải bằng cách đội ngũ marketing của các cảng chủ động tiếp cận các cảng, hãng tàu trên thế giới để tìm nguồn hàng kết nối, tạo nhu cầu liên kết trung chuyển hàng hóa; tăng cường chuyển đổi số, dịch vụ logistics, phát triển cảng xanh…
Còn Chuyên viên cao cấp của Tập đoàn Gemadept ông Phạm Quang Huy cũng nêu lên những nguyện vọng của doanh nghiệp cần ở địa phương qua việc cần sớm quy hoạch quỹ đất sạch để tạo không gian hình thành hệ sinh thái logistics.
Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông liên kết vùng, sớm triển khai trung tâm logistics Cái Mép Hạ, thu hút đầu tư đối với các ngành hàng sử dụng container, chính sách thông thoáng, đột phá để thu hút đầu tư; chính sách ưu đãi đối với các hãng tàu; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistcs, sản xuất lớn; đồng hành tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Bảo Hạnh, Công ty cổ phần Vinalogistics cũng cho rằng, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung Cái Mép – Thị Vải, duy tu nạo vét luồng vào các cảng nội địa khu vực Cái Mép – Thị Vải, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính về hàng hóa trung chuyển qua cảng…
Trên cơ sở kết quả của buổi tọa đàm, ông Nguyễn văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh, mục tiêu là tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất, có tầm cỡ khu vực Châu Á và thế giới theo đúng tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Trên cơ sở hiện trạng khai thác của hệ thống cảng, năng lực cốt lõi của tỉnh, định hướng quy hoạch phát triển và lợi ích của doanh nghiệp, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực để nâng cao khả năng kết nối giao thông của tỉnh (đường bộ, đường thủy nội địa và trong tương lai là đường sắt), cũng như tập trung phát triển hệ sinh thái dịch vụ logistics như hệ thống kho bãi, cảng cạn, trung tâm logistics, đại lý hãng tàu, đại lý môi giới hàng hải...
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ luôn nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực công để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng như chỉ đạo các cơ quan ban ngành luôn giữ kết nối với doanh nghiệp để cùng nhau giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Với tất cả các giải pháp, ý kiến đóng góp của các đại biểu trong buổi tọa đàm này, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và tiếp thu, đồng thời giao các sở ngành tổng hợp báo cáo UBND tỉnh những nội dung phù hợp để chỉ đạo thực hiện.
Báo tin tức