Nga cấm xuất khẩu lúa mì cứng trong 6 tháng
Nga sẽ cấm tạm thời xuất khẩu lúa mì cứng (loại lúa mì để sản xuất bánh mì và mì ống) trong 6 tháng, từ tháng 12 năm nay đến hết tháng 5 năm sau.
- 25-11-2023Sản vật triệu đô cực hiếm trên thế giới mọc đầy tại Việt Nam: Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc đua nhau săn lùng, nước ta cạnh tranh với Trung Quốc thống trị nguồn cung toàn cầu
- 24-11-2023Sau gạo và đường, Ấn Độ lại khiến cả thế giới thấp thỏm vì một loại nông sản khác: Xuất khẩu xếp thứ 2 thế giới, Việt Nam cũng đang nhập khẩu hàng triệu tấn
- 22-11-2023'Cứu tinh' từ Campuchia giúp Việt Nam thống trị toàn cầu ngành hàng này: Xuất khẩu thu gần 4 tỷ USD, người Mỹ ngày càng ưa chuộng
Biện pháp này được đưa ra để đảm bảo an ninh lương thực và kiềm chế giá tiêu dùng đối với các sản phẩm chế biến ngũ cốc trên thị trường nội địa.
Bộ Nông nghiệp Nga cho biết, vụ thu hoạch lúa mì cứng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm, đẩy mạnh nhu cầu ở thị trường nước ngoài.
Liên minh ngũ cốc Nga thông báo, trong 4 tháng vừa qua, từ 1/7 đến 10/11, xuất khẩu loại lúa mì này từ Nga đã tăng 13 lần. Xuất khẩu tăng mạnh có nguy cơ tạo ra thâm hụt ở chính Nga, dẫn đến giá lúa mì cứng trong nước tăng, buộc các nhà chức trách phải đưa ra biện pháp cấm xuất khẩu tạm thời loại lúa mì này trong 6 tháng tới.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất và cung cấp các mặt hàng thực phẩm Nga, bánh mì tại Nga vào năm 2023 tăng giá trong giới hạn lạm phát, tương đương mức 5%.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng thiết lập hạn ngạch xuất khẩu các loại ngũ cốc cơ bản (lúa mì, lúa mạch và ngô) với số lượng 24 triệu tấn, trừ nguồn cung cho Liên minh kinh tế Á-Âu. Hạn ngạch được áp dụng trong thời gian từ ngày 15/2 đến 30/6/2024. Theo các chuyên gia trên thị trường ngũ cốc, trước khi áp dụng hạn ngạch, Nga sẽ có thời gian để xuất khẩu khoảng 40-42 triệu tấn.
Theo dự đoán của Bộ Nông nghiệp Nga, vụ thu hoạch ngũ cốc của nước này năm 2023 ở mức 135 triệu tấn, trong đó có 90 triệu tấn lúa mì. Lệnh cấm xuất khẩu tạm thời lúa mì cứng và hệ thống hạn ngạch mới được xem là cần thiết để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất trong nước.
VTV