Ngân hàng cũng gặp khó khi hạ lãi suất cho vay
Vừa qua, một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay, là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để việc này lan rộng trong hệ thống ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vẫn đang là kỳ vọng, không dễ thực hiện. Bởi các ngân hàng cũng đang đối mặt với không ít áp lực.
- 16-10-2016Sao cứ phải thấp thỏm mong giảm lãi suất cho vay?
- 16-10-2016Lãi suất cho vay hạ - Động lực kích thích nền kinh tế
- 15-10-2016Các ngân hàng đua nhau hạ lãi suất cho vay
Chính phủ vừa ra Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9 năm nay, trong đó có nội dung rằng, trọng tâm những tháng cuối năm 2016, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều ông lớn ngành ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất cho vay trong những ngày đầu tháng 10 này.
Nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong những ngân hàng lớn đã công bố chương trình giảm lãi suất cho vay sớm nhất. Trong ngày 14/10, Vietcombank chính thức cho biết tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Mức điều chỉnh này giảm sâu 1%/năm so với mặt bằng hiện nay.
Bên cạnh đó, các khoản cho vay ngắn hạn mới sẽ được áp dụng lãi suất tối đa 6%/năm. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank, sẽ được Vietcombank xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn.
Tuy nhiên, chương trình này không kéo dài quá lâu. Vietcombank cho biết ngân hàng áp dụng thời gian hưởng lãi suất là từ nay đến 31/12/2016.
Trước đó vào tháng 4 và 5/2016, Vietcombank cũng là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với doanh nghiệp và giảm lãi suất sâu cho các khoản vay trung dài hạn của các doanh nghiệp miền Trung bị thiệt hại do hiện tượng thủy hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung theo lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TPHCM (HDBank) cũng thông báo đồng loạt giảm lãi suất đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên cả nước bắt đầu từ ngày 10.10. Theo đó, với đối tượng khách hàng cá nhân vay mới, HDBank đã giảm lãi suất cho vay tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm, giảm 1%/năm.
Với đối tượng khách hàng doanh nghiệp, HDBank đã mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng lãi suất ngắn hạn chỉ từ
6,5%/năm; lãi suất cho vay ưu đãi trung, dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm. Đồng thời, HDBank tiếp tục nâng hạn mức gói vay ưu đãi này thêm 1.000 tỷ đồng và kéo dài thời gian cho vay đến 31/12/2016.
“Với việc giảm lãi suất cho cả hai đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lần này, HDBank kỳ vọng đây sẽ là giải pháp tích cực để người dân và doanh nghiệp có thêm động lực trong phương án sản xuất, kinh doanh trong những tháng cao điểm cuối năm”, thông cáo của HDBank viết.
Ngân hàng Quốc tế VIB cũng công bố áp dụng lãi suất cho vay chỉ từ 6,99%/năm cho các khoản vay có thời hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên, chương trình chỉ áp dụng từ nay đến cuối năm 2016. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng tuyên bố, sau khi giảm lãi suất huy động bằng mức của các ngân hàng thương mại nhà nước (từ 0,3-0,5%/năm), từ tháng 10 này cũng sẽ giảm lãi suất cho vay cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Tạo cú hích cho doanh nghiệp?
Từ lâu, nhiều cơ sở được xác lập được cho là đủ để giảm lãi suất cho vay, nhưng nhiều ngân hàng vẫn cứ lừng khừng, và nền kinh tế vẫn cứ phải thấp thỏm mong chờ. Chính vì thế, khi lãi suất cho vay được một số ngân hàng hạ để hỗ trợ doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2016 đang gây chú ý trong những ngày vừa qua.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) thì nguồn huy động dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Báo cáo cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước.
“Điều này kỳ vọng góp phần tạo ra một cú hích cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Như vậy, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn”, báo cáo của VEPR cho biết.
Tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội diễn ra cuối tuần trước, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tại Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đang ở mức khá thấp, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-10%/năm; và không có sự khác biệt lớn so với các nước trong khu vực.
Phó Thống đốc cũng cho rằng trong điều hành phải bám sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để điều hành phù hợp, có cơ hội giảm được để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh là cố gắng giảm, đồng thời không chủ quan với diễn biến của lạm phát.
Ngân hàng có thêm áp lực?
Cho đến thời điểm hiện tại cũng vẫn chưa nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay, phải chăng, bên cạnh yếu tố thị trường chi phí, nguyên nhân nội tại năng lực của hệ thống ngân hàng đang cản trở việc giảm lãi suất cho vay? Nguyên nhân đó có thể xuất phát từ việc nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn còn cao hay không? Bởi thực tế đã chứng minh, kết quả xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thời gian qua còn thấp so với kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu còn cao.
Theo báo cáo vừa công bố của Ngân hàng HSBC đánh giá “lĩnh vực ngân hàng Việt Nam vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức, đang phải vật lộn với khối nợ xấu và lại một lần nữa chứng kiến tăng trưởng tín dụng cao. Đến tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu chính thức đạt 2,6%. Mặc dù tương đối nhỏ, nhưng vẫn còn khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu bị mắc kẹt ở Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC)”.
Cũng theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhìn tổng thể 3 quý đầu năm nay cũng nhận định “xử lý nợ xấu chậm do năng lực trích lập dự phòng rủi ro của TCTD hạn chế, việc phát mại tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn pháp lý, quá trình tố tụng kéo dài”.
Bên cạnh nợ xấu, thì việc các ngân hàng phải dự trữ bắt buộc đối với Ngân hàng Trung ương cũng là một áp lực đối với các ngân hàng. Ví dụ một ngân hàng huy động được 100 đồng thì không thể sử dụng cả 100 đồng, mà chỉ sử dụng được 97 đồng, còn phải dự trữ lại 3 đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cho vay phải có dự phòng nợ xấu, rủi ro, dự phòng về thanh khoản những chi phí hoạt động và dự trù một tỉ lệ lợi nhuận nào đó cho cổ đông…
Chính vì những áp lực này nên đợt giảm lãi suất huy động vừa qua mới chỉ diễn ra ở một số ngân hàng lớn. Chỉ có duy nhất LienVietPostBank là tham gia được vào cuộc đua này, còn đến thời điểm này các ngân hàng khác vẫn rất im ắng, thậm chí những ngân hàng nhỏ lại tăng lãi suất huy động. Khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất dễ hơn so với các ngân hàng nhỏ vì nguồn vốn huy động của họ dồi dào. Còn đối với các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình, việc huy động vốn khó hơn.
Trong những ngày vừa qua, việc một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay đang được xem là tín hiệu vui, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên để việc hạ lãi suất cho vay được nhiều ngân hàng hưởng ứng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vẫn đang là kỳ vọng, không dễ thực hiện.
Lao động