MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng dễ bị mất quyền đòi nợ khi định giá khoản nợ bằng giá trị tài sản bảo đảm

04-10-2018 - 07:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc định giá các khoản nợ sẽ rất dễ bị thiếu chính xác nếu như các công ty thẩm định giá chỉ thực hiện xác định lại giá trị tài sản đảm bảo và cho đó là giá trị khoản nợ.

Hiện nay, Nhà nước có quy định về việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu bằng việc mua bán các khoản nợ và trên thực tế các ngân hàng thương mại cùng Công ty TNHH 1 TV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang tiến hành thực hiện mua bán các khoản nợ.

Để bán các khoản nợ, các ngân hàng thương mại cùng VAMC cũng tiến hành thuê các công ty thẩm định giá định giá các khoản nợ.

Tuy nhiên việc định giá các khoản nợ sẽ rất dễ bị thiếu chính xác nếu như các công ty thẩm định giá chỉ thực hiện xác định lại giá trị tài sản đảm bảo và cho đó là giá trị khoản nợ.

Chẳng hạn 1 khoản nợ có giá trị cả gốc và lãi là 100 tỷ, giá trị tài sản bảo đảm (TSBĐ) đánh giá lại là 50 tỷ (theo các phương pháp phù hợp với quy định tại các tiêu chuẩn thẩm định giá). Như vậy giá trị thực còn của khoản nợ là 50 tỷ hay là một số khác là điều phải xác định rõ.

Chúng ta biết rằng khi xử lý nợ, ngoài việc bán TSBĐ để thu hồi nợ thì nếu như chưa thu hồi đủ, ngân hàng sẽ tiếp tục thu hồi nợ bằng nguồn lực tài chính khác của người vay nợ. Và nguồn lực tài chính khác ngoài TSBD đó chính là tài sản khác của doanh nghiệp (đối với Công ty TNHH, công ty cổ phần) và là tài sản của doanh nghiệp, của cá nhân (đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc đối với cá nhân). Như vậy giá trị thực còn của khoản nợ sẽ phải được tiếp tục đánh giá ngoài giá trị TSBĐ nêu trên. Khi đó nếu bán nợ cho chủ nợ khác thì ngân hàng sẽ phải đưa ra giá trị cho khoản nợ đó và chủ nợ mới sẽ thực hiện thu hồi nợ thông qua việc bán TSBĐ và đòi nợ từ các nguồn tài sản khác của khách nợ. 

Tuy nhiên, trên thực tế, việc định giá khoản nợ ngoài giá trị TSBĐ thường gặp rất nhiều khó khăn do các nguyên nhân như khách nợ không hợp tác cung cấp thông tin về tài sản khác của doanh nghiệp để thực hiện xác định giá trị tài sản; Khách nợ có nhiều tài sản khác thế chấp tại các ngân hàng khác và đơn vị tư vấn thẩm định giá không có được thông tin về các tài sản đó; Đơn vị tư vấn thẩm định giá không thu thập được thông tin đầy đủ về tình hình tài sản, tình hình tài chính của khách nợ đặc biệt là khách nợ cá nhân...

Với các nguyên nhân trên, để đưa ra giá trị thực còn của khoản nợ là một việc rất khó và mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, để thực hiện xử lý được nợ xấu, các ngân hàng thường mong muốn công ty Thẩm định giá đưa ra được giá trị khoản nợ bằng con số cụ thể nhưng bản thân ngân hàng cũng không cung cấp được đầy đủ thông tin về tình hình tài chính của khách nợ và ngân hàng chấp nhận việc công ty thẩm định giá định giá khoản nợ bằng với giá trị TSBĐ. Nếu như vậy thì khi bán nợ, ngân hàng chỉ thu được giá trị khoản nợ bằng với giá trị TSBĐ và sau đó thì mất quyền đòi nợ với khách nợ. Trong khi nếu đơn giản chỉ là xử lý bán TSBĐ để thu hồi nợ thì ngân hàng vẫn giữ quyền đòi nợ và vẫn tiếp tục thu nợ.

Vậy để thực hiện xác định giá trị các khoản nợ cho mục đích mua bán nợ, các cơ quan quản lý nhà nước cần cấp thiết đưa ra quy định hướng dẫn định giá các khoản nợ để các ngân hàng thương mại có thể xử lý được các khoản nợ tồn đọng thông qua việc bán nợ cho các tổ chức/ các nhân để tránh thiệt hại cho ngân hàng khi giá trị khoản nợ được định giá chưa đầy đủ.

Phan Vân Hà - TGĐ Công ty CP Thẩm định giá IVC Việt Nam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên