MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ngân sách xử lý nợ xấu đâu phải cho không, biếu không”

26-09-2016 - 10:30 AM | Tài chính - ngân hàng

Đã đến lúc nợ xấu phải được đặt ra như một vấn đề cấp bách, để tìm cách xử lý nhanh...

TS. Trương Văn Phước
TS. Trương Văn Phước
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia
38 bài viết

Sau 5 năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giai đoạn hai. Theo TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lõi của tái cơ cấu ngân hàng vẫn là xử lý cho được nợ xấu.

Ông Phước cho rằng, cần xem xét tạo các nguồn lực để thúc đẩy nhanh quá trình và kết quả, còn việc xem nợ xấu do ngân hàng gây ra và phải tự xử lý là một quan điểm nông nổi.

Nhu cầu cấp bách

Thưa ông, sau 5 năm, thực tế nợ xấu vẫn gây quan ngại lớn và chủ yếu vẫn là các ngân hàng thương mại tự xử lý. Để đẩy nhanh hơn, triệt để hơn, theo ông có nên tìm kiếm giải pháp tạo những nguồn lực khác nữa không?

Thời gian qua đã có nhiều cách tiếp cận rồi. Vay nước ngoài về thì không được, vì nhiều ràng buộc. Dùng ngân sách thì không có sự đồng thuận của xã hội.

Nhưng, yêu cầu đặt ra là phải xử lý nợ xấu càng nhanh càng tốt. Cứ để lâu dài thì sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém đi, vốn và chi phí vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao, đặc biệt là trong một nền kinh tế mà tín dụng nội địa vẫn là nguồn đóng góp lớn, như là dòng máu chủ đạo dẫn vào cơ thể.

Vì thế này thế kia mà chúng ta vẫn chưa xử lý được một cách tương đối triệt để thì cơ thể đó dù vẫn sống, nhưng xanh xao, gầy yếu. Cái này thì ai cũng biết rồi.

Và đến nay vẫn có quan điểm, nợ xấu do ngân hàng gây ra thì các ngân hàng tự chịu. Tôi cho quan điểm đó là nông nổi. Họ vẫn cứ tự xử lý bao năm nay. Nếu cứ chấp nhận tình trạng này, cứ để họ tự xử lý. Thiệt hại là cổ đông và nhân viên ngân hàng sụt giảm cổ tức, lương bổng. Nhưng thiệt hại lớn hàng trăm lần là đối với nền kinh tế.

Vậy theo quan điểm của ông, xử lý nợ xấu là trách nhiệm chung của nền kinh tế?

Chúng ta thấy mấy chục năm đổi mới của nền kinh tế Việt Nam có sự đóng góp lớn của ngành ngân hàng chứ, là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế. Mà trước đây chúng ta đâu có nhiều vốn ODA và FDI đâu.

Hàng chục năm trước, cũng vẫn những chiếc xe bò cọc cạch ấy đã chở bao nhiêu vật liệu để xây dựng cái nhà chúng ta. Không nên phụ cái xe bò cọc cạch ấy. Nói đi phải nói lại, phải nhìn nhận cái đó cho công tâm.

Nay cái xe bò đó bị rơi xuống hố, do người điều khiển nó, nhưng không vì thế mà quay lưng bỏ mặc nó sau khi đã và đang chuyên chở bao nhiêu nguồn lực cho chúng ta.

Bây giờ phải sử dụng một nguồn lực tổng hợp, rồi vẫn phải bàn đi bàn lại, đặt lên đặt xuống vấn đề này. Dù bàn mãi, đặt lên đặt xuống mãi thì nhu cầu cấp bách vẫn là phải xử lý nhanh và tương đối triệt để nợ xấu, trong những điều kiện có thể được.

Theo tôi, có lẽ cần xem xét lại nhận thức đúng đắn, nghiêm túc về một câu chuyện rất lớn của đất nước. Đã đến lúc phải được đặt ra như một vấn đề cấp bách, phải xử lý nhanh.

Những điều kiện có thể được, cụ thể là như thế nào?

Trước hết chúng ta cân đối xem, một bên là khối lượng nợ xấu, một bên là các tài sản đảm bảo cho nợ xấu. Đâu phải nợ xấu là một khối lượng tiền đã mất. Phải làm rõ là bên cạnh nợ xấu thì các tài sản đảm bảo chưa hẳn là xấu. Một khoản vay 10 tỷ, tài sản đảm bảo là ngôi nhà. 10 tỷ đó là nợ xấu, nhưng ngôi nhà đó có gì xấu.

Vậy thì câu chuyện đặt ra là gì? Bây giờ tính toán cân đối lại giữa tổng nợ xấu với giá trị tài sản đảm bảo cho nó thực tế như thế nào, tình trạng pháp lý như thế nào. Bước đầu là tạo điều kiện để làm sao những tài sản đảm bảo đó có thể lưu động được, có thể bán được. Đó là xem xét điều chỉnh hệ thống pháp luật.

Thứ nữa, nếu như nó đã đầy đủ điều kiện rồi, thực tế trong đó có nhiều tài sản đảm bảo có đủ điều kiện rồi, nhưng vẫn không bán được. Thì đó là do thị trường, sức cầu và giá cả, có thêm yếu tố nữa là dòng vốn đâu trong nền kinh tế này.

Nói tóm lại, trước hết chúng ta xử lý các vấn đề kỹ thuật của câu chuyện tương quan nợ xấu với tài sản đảm bảo cho nó. Muốn làm cái này trước hết là vai trò của hệ thống pháp luật, phải hỗ trợ cho các bên để hoàn chỉnh tính pháp lý.

Rồi chúng ta phải tạo điều kiện cho người mua, người bán thông qua thị trường mua bán nợ, mua bán các tài sản đảm bảo sao cho thuận lợi. Ví dụ như có giải pháp kích thích cho thị trường này chẳng hạn như không đánh thuế. Và để kích thích thị trường này thì cần phải có tiền.

Bốn nguồn lực khả thi

Phải có tiền, nhưng ngoài các ngân hàng tự trích lập dự phòng và xử lý, mấy năm nay vẫn chưa có điểm gợi mở về nguồn lực mới, thưa ông.

Chúng ta có thể xem xét ở bốn kênh tạo nguồn lực tổng hợp, hỗ trợ để xử lý nhanh và tương đối triệt để nợ xấu.

Đó là tín dụng từ ngân sách, tạm ứng ra một khoản vốn, điều mà bấy lâu nay vẫn có định kiến nhầm lẫn rằng ngân sách là cho không, biếu không.

Nguồn lực thứ hai chúng ta đều biết là Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết cung tiền thông qua các công cụ, như là tái cấp vốn. Ngay cái từ “tái cấp vốn” cũng đã nhạy cảm. Thực ra cấp nhưng không phải là cấp. Nó bị định kiến là khi Ngân hàng Nhà nước cho vay một tổ chức tín dụng, gọi là tái cấp vốn, làm người ta nhầm tưởng cũng là cấp không. Thực ra đây là một khoản tín dụng dựa trên các tài sản đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể sử dụng một mức độ nhất định nguồn này để sao cho không tạo ra áp lực đối với lạm phát.

Nguồn lực thứ ba là trong dân. Có cách nào đó để huy động vốn trong dân để sử dụng vào việc cùng chữa căn bệnh của quốc gia là nợ xấu. Người dân cũng được thừa hưởng thông qua sự huy động này.

Hay chúng ta tạo điều kiện cho các nguồn lực bên ngoài vào, phát hành giấy tờ có giá, lập định chế quỹ để huy động nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Đó là bốn cách tiếp cận truyền thống, tương đối khả thi, không lệch sang một cách nào, mà theo những liều lượng hợp lý và tính khả thi của nó. Tất cả để nhằm vào yêu cầu khẩn trương xử lý nợ xấu, vì càng để lâu thì càng bất lợi cho nền kinh tế.

Đây không phải là vấn đề riêng của hệ thống ngân hàng, bởi nền kinh tế này tín dụng nội địa vẫn là chủ yếu, khoảng trên 110% GDP.

Trong bốn hướng trên, sử dụng ngân sách Nhà nước tham gia xử lý nợ xấu có khả thi không, khi mà nó luôn có phản ứng không đồng thuận trong xã hội?

Khái niệm tham gia là gì? Hình như gần đây nó được hiểu một cách nhầm lẫn là dùng ngân sách để cho không các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, các cá nhân vay vốn. Theo ý kiến riêng tôi, nếu hiểu như vậy thì sai lầm.

Sử dụng ngân sách ở đây như là một loại tín dụng nhà nước. Nhà nước cho vay. Đã cho vay thì phải thu hồi, không phải cho vay bằng bất cứ giá nào, vẫn phải lượng định những rủi ro, phải tính toán cho vay như thế nào để không bị tổn thất.

Nếu ngân sách cho các ngân hàng thương mại vay để xử lý nợ xấu, đương nhiên phải tính toán tài sản đảm bảo là cái gì. Tôi nhấn mạnh khái niệm tín dụng Nhà nước khi ta nói sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, có những điều kiện đảm bảo, dù không ai khẳng định là không có rủi ro.

Nhưng ngân sách là tiền thuế của dân, nếu dùng thì đổi lại sẽ được gì?

Khi nói đến ngân sách luôn luôn chúng ta bị ấn tượng rằng ngân sách là cấp phát, cứ như mặc định là cho không. Cho nên khi nói dùng ngân sách để xử lý nợ xấu thì làm cho người ta có định kiến là dùng để xóa nợ cho các ngân hàng thương mại, mà thực ra là cho các doanh nghiệp, cá nhân vay có nợ xấu.

Vậy nên mới sinh ra câu chuyện ngân sách từ đâu, từ đóng thuế, người dân đóng thuế. Rồi góc nhìn người nghèo đóng thuế để lấy trợ cấp cho người giàu. Theo tôi, đây là một cách tiếp cận phiến diện và sai lầm.

Trước những định kiến đó, những năm qua và cho đến nay chúng ta vẫn chủ yếu để cho các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu. Trong 5 năm nay họ vẫn tự xử lý đó thôi. Không tổ chức tín dụng nào lăn đùng ra chết cả, còn nếu có thì lại là câu chuyện khác… Nhưng hệ quả họ tự xử lý nợ xấu là lợi nhuận thấp xuống, vì phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều, ngân sách thu theo đó ít đi.

Tôi lấy ví dụ, trước đây lợi nhuận một ngân hàng bình thường cỡ 1.000 tỷ thì đóng thuế 250 tỷ, bây giờ lợi nhuận chỉ còn 100 tỷ thì chỉ đóng có 25 tỷ mà thôi. Nên chúng ta tưởng rằng để cho các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu thì không mất gì, nhưng ngân sách mất rất nhiều.

Trước đây thông thường toàn hệ thống ngân hàng lãi khoảng 120.000 tỷ, đến nay chỉ còn khoảng 30.000 tỷ, mất 90.000 tỷ, tức ngân sách mất thu khoảng 22.500 tỷ.

Còn nếu sử dụng ngân sách, nói tới nói lui thì sử dụng ngân sách ở đây là tín dụng Nhà nước, không phải cho không biếu không, mà có vai trò như bắc một cây cầu trên một dòng sông, không có nó thì không thể từ bờ nợ xấu bên này qua bờ nợ tốt bên kia nhanh được.

Và với quan hệ lãi suất, nợ xấu giảm thì tạo điều kiện để lãi suất giảm, chi phí vay vốn giảm để tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vay vốn, cho nền kinh tế. Điều chúng ta thấy, trong bối cảnh lạm phát thấp mà chi phí vay vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao như vậy, một nguyên do lớn nằm ở nợ xấu.

Tính toán mức độ có thể được

Trong trường hợp sử dụng ngân sách, không phải là cho không biếu không, thì cách thức triển khai thế nào, thưa ông?

Dùng nguồn ngân sách đó cho tổ chức tín dụng vay trong 5-10 năm với một mức lãi suất nào đó. Sau 5-10 năm, các tổ chức tín dụng bán được các tài sản đảm bảo để trả lại.

Hoặc chúng ta có thể phát hành một loại trái phiếu đặc biệt gọi là trái phiếu xử lý nợ xấu, mọi tổ chức cá nhân đều có thể tham gia mua. Đương nhiên ở đây liên quan đến một vấn đề hệ trọng, là tác động đến cầu tiền - cung tiền như thế nào để không gây ra những ảnh hưởng lớn tới ổn định tiền tệ vĩ mô.

Lãi suất trái phiếu cũng bằng lãi suất cho vay lại các tổ chức tín dụng, ngân sách không mất gì cả. Nhưng không phải là ngân sách không được gì, vì nếu xử lý được nợ xấu, như trên, ngân hàng lãi hơn sẽ đóng góp ngân sách nhiều hơn.

Như ông đề cập ở trên, giả sử dùng một phần ngân sách hay huy động nguồn lực trong dân, thì ràng buộc lớn là vấn đề trần nợ công…

Ở đây cần tính toán các phương án, mức độ có thể được. Cũng cần xem vốn huy động để xử lý nợ xấu có là nợ công hay không. Nếu làm thì hẳn sẽ có những đề án, tính toán liều lượng cụ thể. Chứ không lẽ đụng vào cái gì cũng không được, rồi ngồi im chờ chết sao.

Theo Minh Đức

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên