MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghệ An: Thiết kế độc đáo của khu nhà cao tầng Quang Trung cũ

07-05-2016 - 15:07 PM | Bất động sản

“Nếu như các khu nhà tầng miền Bắc hồi ấy đều xếp thành hình khối vuông vức thì những dãy nhà khu Quang Trung đảm bảo thoáng mát về mùa hè, vững chãi khi mưa bão” - ông An, một kỹ sư xây dựng hiện sống tại chung cư cho biết.

Theo nhiều ý kiến đánh giá, so với thiết kế khu Kim Liên của Hà Nội thì khu Quang Trung được quy hoạch tốt hơn nhiều. Các khối nhà so le, quay về nhiều hướng đảm bảo không chắn gió mát vào mùa hè, tạo thành hình khối che chắn mùa mưa bão.

Phải nói các KTS người Đức và Việt Nam đã nghiên cứu khá kỹ đặc điểm khí hậu và tập quán sinh hoạt của người dân địa phương. Tháng 10 năm 1982, chỉ trong vòng 10 ngày, Nghệ-Tĩnh hứng chịu liền ba cơn bão số 7, 8, 9 trong đó cơn bão số 7 được coi là mạnh nhất từ năm 1956 trở lại đây. Hàng ngàn căn nhà bị tốc mát, cột ăng ten truyền hình bị vặn…nhưng các khu nhà cao tầng không hề hấn gì.

Với thiết kế, trong kính ngoài chớp, người dân Quang Trung vẫn thắp đèn dầu khi bên ngoài mưa to, sấm gió giật trên cấp 12. Hành lang có tác dụng giảm nhiệt mùa hè, nên dù không có điện thường xuyên người dân nhà tầng vẫn đi qua mùa hè rực lửa thành Vinh.

Người Đức thiết kế các căn hộ của khu Quang Trung đều xây tường 20, đảm bảo mát về mùa hè, ấm áp khi đông về, thuận tiện cho sinh hoạt.

Khi tôi viết loạt ký ức này, có nhiều bạn hỏi: Dân Quang Trung nấu ăn bằng gì? Một câu hỏi, thoạt nghe tưởng ngây ngô nhưng đúng là lớp trẻ bây giờ không thể biết thế hệ trước đây, nấu ăn bằng gì trên tầng gác chật hẹp như thế?

Ngày ấy, CBCNV được phát phiếu mua chất đốt, Cửa hàng chất đốt Quang Trung nằm ở vị trí khách sạn Mường Thanh bây giờ (trước nhà A5) có thể là mùn cưa, than, củi.

Ngoài ra, mọi người tận dụng mối quan hệ để mua được mụn bào, trấu (ở Nhà máy xay Hưng Bình, Cửa Tiền)… Lò đun mụn cưa, trấu là các thùng phi cắt ra, cuốn thành hình trụ. Thiết kế của khu Quang Trung có những ống khói, chạy từ tầng 1 lên nóc tầng thượng được coi là phù hợp với xu thế bây giờ.

Khi đề cập đến thiết kế khu bếp kiểu nhà quê như thế này phía Việt Nam rất ngại chuyên gia Đức sẽ phản ứng nhưng ngược lại, kiến trúc sư Hans Grotewohl vui vẻ: "Chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm thiết kế hệ thống lò sưởi kiểu này, các bạn hãy yên tâm".

Thực tế, các thiết kế hệ thống thông gió khu Quang Trung rất chuẩn, sau này khi nhiều gia đình còn chuyển sang dùng than tổ ong cũng không bị quẩn khói. Phải nói các bạn Đức rất chia sẻ và thấu hiểu khó khăn của người dân Việt Nam sau khi hòa bình lập lại.

Một điểm khác biệt nữa mà các kỹ sư Việt Nam cứ thắc mắc mãi là tại sao thiết kế hệ thống cấp nước sinh hoạt và nước thải, các chuyên gia Đức lại cho chạy lộ thiên. Rất nhiều KTS Việt Nam đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài về đã đặt câu hỏi: "Tại sao ngay chính bên Đức, các ông cũng cho hệ thống cấp và thoát nước chạy ngầm còn tại đây lại chạy lộ thiên, mất mỹ quan của khu đô thị hiện đại nhất, nhì miền Bắc?".

Đến hôm nay, sau 4 thập kỷ có dịp quay lại thăm khu nhà tầng Quang Trung mới thấy được tầm nhìn xa của các bạn chuyên gia Đức. Đến giờ, dù đã xập xệ khá nhiều nhưng các ngôi nhà tầng vẫn còn giá trị sử dụng vì hệ thống cấp và thoát nước chạy lộ thiên bên ngoài hư hỏng thì dễ dàng sửa chữa. Khi đó, vật liệu xây dựng của Việt Nam chúng ta phần lớn đều chỉ có thời gian sử dụng 4-5 năm, nếu thiết kế chạy gầm thì thật là tai họa.

Một điểm khác biệt nữa trong thiết kế, là cầu thang các nhà từ A1 đến A4 do các KTS Việt Nam thực hiện, bề rộng hẹp nên việc đưa xe đạp, một tài sản quý giá của các gia đình Việt thời đó cực kỳ khó khăn. Chiếu nghỉ bố trí hình chữ V chật chội, nên nếu đi ngược chiều gặp nhau tại đó thì thật là phiền phức. Trong khi các tòa nhà do Đức thiết kế, cầu thang rộng, chạy hình chữ I nhìn thấy nhau từ xa, ở giữa có đường trượt để có thể đẩy xe lên, thật là thuận tiện. Các hộ lại được bố trí 1 phòng ở tầng hầm để làm kho, rất thuận lợi cho việc sinh hoạt và các hộ tầng 1 luôn sạch sẽ, ít ruồi muỗi.

Điểm băn khoăn duy nhất của khu nhà là các hầm rác lộ thiên: các căn nhà do chuyên gia Đức hay Việt Nam thiết kế đều bố trí nơi đổ rác dưới mặt đất. Nơi đây chính là ổ gây bệnh, chuột, ruồi, muỗi…làm xấu đi hình ảnh của các tòa nhà. Bốn mươi năm sau, khi có dịp quay lại thăm khu nhà tầng, vẫn là những hầm rách, có chăng có thêm mái tôn để khỏi bốc lên mùi hôi thối. Có phải chăng đây là khiếm khuyết duy nhất của Quang Trung của chúng tôi?

Quang Trung, chưa phải là khu đô thị hoàn mỹ theo các chuẩn thiết kế hiện đại thời bấy giờ và đã trở nên quá cũ kỹ, lạc hậu trong quá trình đô thị hóa. Nhưng rõ ràng, một thời, đó như là nơi thể hiện những gì tinh hoa nhất mà các bạn Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) và KTS của Việt Nam đã dành cho thành phố Vinh.

Theo Phan Hảo

Báo Nghệ An

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên