MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghề tín dụng ngân hàng giống như là hơi thở, nguồn sống của tôi

09-09-2017 - 15:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Làm ngân hàng 8 năm và có vị trí khá quan trọng nhưng một ngày tôi lại dứt áo ra đi. Và rồi, như một cơ duyên, tôi lại quay về chính nơi ấy, lại được thỏa sức làm những việc mình yêu thích. Hình như khi đã ra đi và thấm cảm giác nhớ thì trong tôi lại thấy tình yêu với nghề gấp nhiều lần hơn...

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của độc giả Phan Thị Mỹ Lộc đến từ ABBank Chánh Hưng gửi tới cuộc thi viết Nghề Tài chính ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do CafeF phối hợp báo Trí thức trẻ tổ chức.

------------

Chặng đường đến với tín dụng ngân hàng của tôi đi qua nhiều ngã rẽ: kinh doanh, kế toán… Ngày bắt đầu, tôi chỉ nhìn thấy đó là một cơ hội ổn định, tốt hơn để tạo thu nhập nuôi bản thân và có điều kiện hơn để phụng dưỡng cha mẹ về lâu dài. Ngoài mong ước thu nhập, tôi còn muốn thỏa sức sử dụng những kiến thức của Tài Chính Doanh Nghiệp đã học tại trường, nên lựa chọn hiển nhiên khi đó là vị trí Nhân viên Quan hệ Khách hàng Doanh nghiệp –một thử thách thật sự với tôi vào thời điểm đó.

Khi đó, mỗi tờ trình tín dụng cho từng khách hàng là một lần học lại môn Tài Chính Doanh Nghiệp. Khi phân tích đến chỉ số nào, tôi lại hồi tưởng lại những hình ảnh, lời giảng, chỉ số công thức mà các thầy cô đã giảng giải, cũng như thực tế Kế toán đã dạy tôi trước đây. Và càng làm nhiều cho những Doanh nghiệp có độ khó và sự phức tạp, sự say mê nghề tín dụng trong tôi càng vững chắc và mạnh mẽ nhiều thêm. Có những ngành nghề của khách hàng mà lần đầu tiên mình được biết đến, hoặc những sản phẩm chưa thấy bao giờ. Tôi cảm ơn những thử thách đó, vì nhờ vậy mà mình đã học được thêm nhiều điều mới mẻ từ internet hay từ những khách hàng mà tôi đã tìm được.

Và lần đầu tiên được đứng trước Hội Đồng Tín Dụng của Ngân hàng, trình bày và bảo vệ cho Khách hàng của mình, nhận được sự đồng thuận của các anh chị trong nghề, cảm giác thăng hoa “mình làm được” đó chưa bao giờ tôi quên. Mãi đến bây giờ, niềm vui đó vẫn vượt qua hết thảy những lần tăng lương, nhận thưởng, vinh doanh… Tôi nghĩ, chỉ có niềm đam mê thực sự mới mang lại cảm giác như thế.

Lúc đó, hàng ngày tôi còn chạy xe đến các khách hàng công ty để chào mời, vừa nhẫn nại, vừa kiên trì đeo bám khách hàng, có những nơi phải đến hơn 10 lần mới có cơ hội trình bày những sản phẩm dịch vụ và thế mạnh của Ngân hàng mình, có những khách hàng phải sale 3 năm mới mời về giao dịch được tại ngân hàng. Cũng nhờ sản phẩm có ưu thế cạnh tranh, chính sách tốt, và đặc biệt là sự chân thành, thiện chí, tử tế của người quan hệ khách hàng luôn mang theo nhiều hoài bão, khát khao muốn được đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian dài, mà nhiều khách hàng quyết định đi cùng. Sự ủng hộ đó từng bước nâng đỡ tôi từ vị trí nhân viên đến Trưởng phòng, quản lý một nhóm các bạn quan hệ khách hàng, giao dịch viên, kho quỹ…, và nay được quản lý với hơn 140 con người cùng nhau làm việc.

Việc bán hàng hàng ngày không đến từ sự ép buộc bản thân phải làm, mà tìm kiếm khách hàng và chinh phục họ gần giống như một đam mê trong tôi và chính việc siêng năng trong bán hàng đã nuôi dưỡng trong tôi sự tự tin lên khá nhiều. Cảm giác hạnh phúc là khi nhìn thấy khách hàng mà mình tiếp thị được về giao dịch với mình – đó là lúc mình chiến thắng bản thân, hết lần này đến lần khác. Và sau những lần trao đổi, giải quyết sự việc cho khách hàng, tôi và họ hiểu nhau hơn, trở thành những người bạn, người thân thực sự, đến một lúc, họ chủ động giới thiệu người thân, bạn bè, đối tác đến giao dịch cùng chúng tôi, thì tôi biết rằng mình đang đi đúng hướng, và niềm tin tưởng với khách hàng mình đã được đền đáp xứng đáng.

Ngày qua ngày, từ nỗ lực chinh phục khách hàng, tôi thêm yêu quý ngân hàng nơi tôi làm việc, ở đó có tình yêu thương của đồng nghiệp, bạn bè, khách hàng; sự tin tưởng, hỗ trợ, động viên kịp thời của các anh chị quản lý cấp cao; cùng với chế độ khen thưởng và thăng tiến xứng đáng với công sức của tôi cũng như các bạn đang cùng tôi chiến đấu. Đó là động lực giúp chúng tôi phát huy và cố gắng nhiều hơn nữa để đem đến những gì tốt đẹp nhất cho nơi mình đang làm việc.

8 năm gắn bó với ngân hàng An Bình có nhiều điều đáng nhớ, nhưng cũng cho tôi câu hỏi: mình phải làm gì thử thách hơn nữa, giúp nhiều người hơn nữa, và làm cho xã hội tốt hơn? Tôi chọn rời khỏi ngân hàng, mở doanh nghiệp để thực hiện mong muốn đó. Quyết định thời điểm đó – quyết định rời khỏi nơi đã gắn bó suốt 8 năm – một quyết định quá khó khăn đã lấy đi của tôi nhiều nước mắt. Nỗi buồn khó diễn tả thành lời khi chia tay nơi mà mình tự tay mở cửa khai trương, xây dựng từ một phòng giao dịch nhỏ bé đến nay có tổng tài sản hơn 3.000 tỷ đồng; nơi mà mình có vị trí và tiếng nói nhất định; nơi mà mình được yêu thương. Tôi vẫn rời ngân hàng, vì gia đình vì bản thân có nhu cầu tìm một cái mới hơn, to lớn hơn cho thỏa chí của mình.

Ngày đầu tiên rời ngân hàng, cảm giác hụt hẫng vô cùng, tôi chạy xe lòng vòng không biết mình muốn đi đâu, rồi lại tìm đến quán quen ngồi một mình, và khóc. Nước mắt tự nhiên trào ra: đây là quyết định của chính mình, sao mình lại như thế này? Suốt ngày hôm đó, tôi không nói được lời nào, cứ như mình vừa mất đi một thứ gì quan trọng lắm. Rồi cảm giác đó cũng qua, tôi bắt tay vào công việc mới, mọi thứ dần đi vào ổn định.

Nhưng một lần nữa cơ duyên lại đến, với tính cách là người sống tình cảm và thuận duyên, tôi tự hỏi con tim rằng mình muốn đi về đâu, chỉ cần hỏi câu hỏi đó, trao đổi thêm với người thân và tôi đã đưa ra quyết định, tôi quay lại ngân hàng cũ - nơi có tình yêu thương và đã cho tôi được rất nhiều điều tốt đẹp. Đến nay, tôi lại được thỏa sức chinh phục khách hàng, lại được có cảm giác sung sướng khi mời được khách hàng đến ngân hàng giao dịch, được chứng kiến các doanh nghiệp nhỏ ngày càng lớn dần lên nhờ sự hỗ trợ vốn và các giải pháp từ ngân hàng. Cùng với cảm giác này, tôi lại càng cảm thấy gắn bó và yêu quý ngân hàng hơn bao giờ hết, hình như khi đã ra đi và đã thấm cảm giác nhớ - thì trong tôi sự quý trọng và yêu nơi này gấp nhiều lần hơn. Với tôi được làm nghề tín dụng ngân hàng giống như là hơi thở, nguồn sống của tôi.

Khi quay trở lại, tôi mong muốn cống hiến và mang lại nhiều điều tốt đẹp nhất cho ngân hàng, và như có một cơ duyên, ngân hàng cũng đang ở ngưỡng cửa một chuyển biến quan trọng đó là thực hiện các dự án nâng cao hiệu quả hoạt động và tổ chức. Lúc này tôi có rất nhiều khát khao, trong đó có mong muốn ngân hàng mà tôi đã cống hiến một phần tuổi xuân sẽ tiếp tục là niềm tự hào không chỉ riêng bản thân tôi mà còn cho trên 3500 đồng nghiệp.

Phan Thị Mỹ Lộc (ABBank Chánh Hưng)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên