Nghị quyết 35 là điểm tựa, còn doanh nghiệp phải chủ động vươn lên
Nghị quyết 35 của Chính phủ đề ra đầy đủ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng muốn vươn lên doanh nghiệp phải chủ động.
- 10-06-2016Nghị quyết 35 – hướng tới một Chính phủ tận tâm, hỗ trợ doanh nghiệp
- 20-05-2016Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp: “Quá đầy đủ, chỉ còn chờ thực hiện”
- 18-05-2016Nghị quyết 35 đẩy mạnh hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp
Đón nhận Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 mới được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng đây sẽ là điểm tựa vững chắc để thúc đẩy sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành với chỉ đạo trong việc cho vay như: xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo...
Nghị quyết này được đánh giá là văn bản thể hiện sự đột phá về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế, rào cản của doanh nghiệp Việt Nam như hạn chế về công nghệ, chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực; tính gắn kết của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao...
Từ khi nghị quyết được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp đã hồ hởi đón nhận với nhiều kỳ vọng về sự tiếp sức từ Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp. Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm, đơn vị chuyên phân phối độc quyền nước mắm Phú Quốc tại Hà Nội kỳ vọng, Nghị quyết 35 sẽ là chìa khóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để làm ăn, điều mà trước đây những doanh nghiệp tư nhân rất khó thực hiện.
Với các doanh nghiệp nhỏ, trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn thì hy vọng Nghị quyết 35 ra đời sẽ tạo ra một luồng gió mới, không chỉ tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, cởi mở và minh bạch hơn.
Với Công ty Cổ phần đầu tư Bigsun Việt Nam, Nghị quyết 35 được xem là “cứu cánh”, là “bà đỡ” trong bối cảnh rất khó để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Bản thân là một doanh nghiệp nhỏ nên vốn đối ứng ngân hàng rất ít, vì thế để thực hiện những hợp đồng lớn, Công ty phải vay ngân hàng bằng hình thức thế chấp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được ngân hàng đáp ứng cho vay là rất thấp, doanh nghiệp buộc phải ký quỹ khoảng 50-60% trong tiền đối ứng. Tại một số ngân hàng khác, doanh nghiệp phải hoạt động từ 5 năm trở lên mới được hỗ trợ vốn.
Ông Dương Văn Dân, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Bigsun Việt Nam chia sẻ: “Một môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh là thị trường cạnh tranh. Chúng tôi mong muốn một môi trường cạnh tranh mà tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn cũng như doanh nghiệp nhỏ đều có chính sách như nhau để cùng phát triển. Khi doanh nghiệp phát triển rồi thì sẽ mong được hỗ trợ từ phía các cấp chính quyền địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp mới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”.
Nghị quyết 35 xác định nội dung trọng tâm là công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách và đưa ra các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó, quan trọng nhất là giảm thuế, hải quan và các chi phí không cần thiết và xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghị quyết cũng chỉ rõ, mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Với những mục tiêu rõ ràng như vậy, Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, nghị quyết 35 của Chính phủ đã đề ra đầy đủ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát giảm chi phí, cho đến tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trước một loạt khó khăn của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay thì hơn lúc nào hết, cần phải biến những chủ trương thành hành động cụ thể một cách nhanh nhất để đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu đề ra thì doanh nghiệp phải là chủ thể của hành động và quyết định sự thành công.
Theo ông Lưu Bích Hồ, “mọi việc làm được hay không là do doanh nghiệp, không phải do Chính phủ. Doanh nghiệp vẫn đóng vai trò quyết định, doanh nghiệp hiện nay đã có chuyển động trong 6 tháng đầu năm, tinh thần mới đối với doanh nghiệp là tăng trưởng. Số doanh nghiệp mới cũng tăng thêm 20%, các doanh nghiệp hiện nay đang khó khăn cũng cảm thấy dễ chịu hơn khi đón nhận các quyết định của Chính phủ.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng tự phải cố gắng vươn lên vì sức ép của thị trường, sức ép của cạnh tranh càng ngày càng lớn ở thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nước ngoài”./.
VOV