MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp lớn không hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018

Chắc chắn khi mục tiêu được doanh nghiệp và cổ đông cân nhắc đặt ra là đã tính đến khả năng hoàn thành được nó.

Trong khi nhiều doanh nghiệp hồ hởi công bố vượt kế hoạch thì đối với không ít doanh nghiệp vượt mục tiêu do chính mình đề ra lại trở lên quá khó khăn. Ngoại trừ một trường hợp "vỡ kế hoạch" đặc biệt đó là Đầu tư Nhà đất Việt (PVL) doanh nghiệp này đặt mục tiêu lỗ 22,5 tỷ đồng nhưng kết quả lại có lãi tới hơn 24 tỷ đồng trong khi trước đó suốt giai đoạn 2010 – 2017 doanh nghiệp này liên tục làm ăn thua lỗ hoặc chỉ lãi thấp. Thì các doanh nghiệp vỡ kế hoạch 2018 hầu hết là do kinh doanh thua lỗ hoặc do đặt mục tiêu quá tham vọng.

Đến cả ông lớn cũng "vỡ kế hoạch"

Trong danh sách các doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018 có sự góp mặt của các ông lớn của lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, trong đó do chi phí và dự phòng tăng mạnh đã khiến Eximbank (EIB) bất ngờ báo lỗ 247 tỷ đồng quý 4/2018 khiến lãi cả năm ngân hàng này chỉ đạt hơn 660 tỷ đồng giảm 20% so với 2017 và hoàn thành 55% kế hoạch cả năm 2018.

Địa ốc Hòa Bình (HBC) dự tính sẽ gia nhập câu lạc bộ lãi nghìn tỷ trong năm 2018 tuy nhiên cũng chỉ báo lãi 627 tỷ đồng giảm 27% so với năm trước đó. So với kế hoạch lãi sau thuế 1.068 tỷ đồng, Hòa Bình chỉ mới hoàn thành 60% chỉ tiêu đề ra.

Nhiều doanh nghiệp lớn không hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018 - Ảnh 1.

Niên độ tài chính 2017 – 2018, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ghi nhận 410 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 3 lần so với thực hiện niên độ trước đó và chỉ thực hiện được 30% chỉ tiêu. Hoa Sen Group, HSG) dự kiến trình cổ đông kế hoạch sản xuất kinh doanh thận trọng trong niên độ 2018-2019 với lợi nhuận sau thuế đạt 500 tỷ đồng. 

Tập đoàn FLC mặc dù báo lãi ròng 398 tỷ đồng tăng trưởng 5% so với 2017 nhưng với mục tiêu lãi 560 tỷ đồng nên FLC cũng mới chỉ hoàn thành được hơn 70% mục tiêu. Cùng với FLC thì một doanh nghiệp khác của bầu Quyết là FLC Faros (ROS) cũng đã kết thúc năm 2018 mà mới chỉ hoàn thành được 53% mục tiêu kinh doanh.

Một doanh nghiệp khác cũng đã có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch ở mức thấp là Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA), doanh nghiệp này đặt mục tiêu lãi ròng 330 tỷ đồng, tuy nhiên kết quả chỉ lãi 156 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 55% kế hoạch. Nguyên nhân công ty đưa ra là do một số hợp đồng thực hiện chậm, phải hoãn sang năm 2019 và nguyên nhân thứ 2 là do AAA đặt tiêu chí "sự hài lòng của khách hàng" lên hàng đầu cũng như tăng cường tìm kiếm thêm các thị trường mới nên trong năm qua, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng chúng tôi không tăng giá bán sản phẩm nhiều. Sang 2019, AAA tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 510 tỷ đồng.

Vỡ kế hoạch vì thua lỗ

Kết thúc năm 2018 hiện có hơn 40 doanh nghiệp đã báo lỗ và hầu hết các doanh nghiệp này hồi đầu năm đều đặt mục tiêu kinh doanh có lãi, thậm chí có những doanh nghiệp còn kỳ vọng mức lãi tăng trưởng so với 2017.

Gỗ Trường Thành (TTF) tiếp tục chịu lỗ hơn 737 tỷ năm 2018, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 2.060 tỷ, suýt soát với mức vốn chủ sở hữu 2.146 tỷ đồng. Trong khi đó hồi đầu năm ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch SXKD năm 2018 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 95,76 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 76,61 tỷ đồng cao gấp hơn 7 lần kết quả đạt được của năm 2017.

Tiếp tục chuyển đổi chi phí cho vườn cây và các khoản khác 610 tỷ đồng, cùng với khoản lỗ thanh lý tài sản cố định gần 73 tỷ khiến HAGL Agrico ghi nhận khoản lỗ khác ở mức 722 tỷ đồng, gấp đôi năm ngoái. Kết quả là, HAGL Agrico báo lỗ 644 tỷ đồng trong cả năm 2018 trong khi mục tiêu kinh doanh của công ty là có lãi 150 tỷ đồng.

Do giá vốn tăng cao nên Thép Việt Ý (VIS) ghi nhận lỗ cả năm lên tới 326 tỷ đồng, trong khi năm 2017 vẫn lãi gần 43,5 tỷ đồng. Đây cũng là con số lỗ kỷ lục trong 1 năm của công ty. Mục tiêu kinh doanh năm 2018 của VIS là lãi trước thuế hơn 90 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lớn không hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018 - Ảnh 2.

Với mục tiêu lãi 22,5 tỷ đồng trong năm 2018 nhưng Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) đã bất ngờ báo lỗ hơn 164 tỷ đồng do do lỗ hoạt động kinh doanh nông sản và việc lập dự phòng giảm giá hàng điện tử, năm 2017 Maseco báo lãi 20,7 tỷ đồng.

Bamboo Capital (BCG) còn kỳ vọng mức lãi hơn 89 tỷ đồng cao gấp 6,6 lần 2017 nhưng kết quả cũng đã thua lỗ hơn 24 tỷ đồng, được biết với kế hoạch đẩy mạnh hợp tác đầu tư BĐS và năng lượng tái tạo kế hoạch cho năm 2019, với những dự án BĐS đang triển khai đi vào thực hiện, lãi ròng theo dự báo Công ty sẽ đột biến lên 650 tỷ đồng, EPS lúc này sẽ tăng gấp 5 lên 5.000 đồng.

Một doanh nghiệp khác là HAI cũng đã đặt kế hoạch lãi gấp hơn 2 lần cùng kỳ đạt mức 100 tỷ đồng đã từng bị đánh giá là quá tham vọng bởi thực tế doanh nghiệp này chưa từng chạm mốc lãi này trong lịch sử hoạt động, đồng thời vào năm 2017 lãi cũng đã giảm sâu so với các năm trước, ban lãnh đạo HAI thường viện dẫn lý do diễn biến thời tiết không thuận lợi và cạnh tranh gay gắt, nhưng theo dõi diễn biến qua các năm cho thấy, công ty đang "lơ là" lĩnh vực kinh doanh chính mà mở rộng sang các lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Vỡ kế hoạch vì đặt mục tiêu quá tham vọng

Đầu tiên phải kể đến trường hợp của GTNfoods (GTN) với mục tiêu lãi tới 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ đạt 165 tỷ đồng – tăng mạnh so với 2017 và cũng là con số lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty nhưng kết thúc năm 2018 lại chỉ lãi 104 tỷ đồng trong đó phần thuộc về công ty mẹ chỉ có 7,52 tỷ đồng. Được biết sau hơn 2 năm tái cấu trúc, chi hàng nghìn tỷ đồng để M&A các doanh nghiệp khác thì kết quả kinh doanh của các công ty con đã dần được thể hiện rõ nét trên báo cáo tài chính của GTNfoods.

Đầu tư Địa ốc Khang An (KAC) cũng dự tính sẽ lãi 75 tỷ đồng trong năm 2018 cao gấp hơn 3 lần năm 2017 tuy nhiên màn trình diễn của KAC lại quá tệ khi suốt 3 quý đầu năm lãi thấp thậm chí lỗ liên tiếp trong quý 2 và quý 3, mức lãi quý 4 cũng chỉ đủ giúp KAC thoát lỗ 2018 và báo lãi 4,5 tỷ đồng – tương ứng hoàn thành 6% mục tiêu kinh doanh cả năm 2018.

Các doanh nghiệp bất động sản đáng chú ý khác như Tập đoàn DLG (DLG) với quan điểm: "Thách thức chính là cơ hội, áp lực chính là động lực phát triển" doanh nghiệp này đã đặt mục tiêu lãi 140 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần mức lãi của năm 2017 nhưng kết quả cũng chỉ lãi gần 34 tỷ đồng tương đương hoàn thành 24% kế hoạch.

Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng kỳ vọng mức lãi 172 tỷ đồng trong năm 2018. Chiến lược phát triển đặt trọng tâm vào phân khúc nhà ở xã hội của HQC coi như bất khả thi sau nhiều năm theo đuổi do đó năm 2018, HQC đã giảm mạnh tỷ trọng đầu tư nhà ở xã hội, nâng tỷ trọng bất động sản thương mại, trong đó tập trung vào phân khúc nhà ở trung bình, bất động sản văn phòng, du lịch, nghỉ dưỡng, đồng thời triển khai phân khúc mới nhiều tiềm năng là bất động sản nông nghiệp. Nhưng kết quả là ông trùm nhà xã hội cũng chỉ thu về 42 tỷ đồng LNST giảm 35% so với cùng kỳ và hoàn thành 24% kế hoạch.

Nhiều doanh nghiệp lớn không hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2018 - Ảnh 3.

Lỗ lũy kế lớn và lãi 2017 chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng nhưng Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) cũng đã mạnh dạn lên mục tiêu lãi 17,5 tỷ đồng, thậm chí tại đại hội cổ đông còn thông qua định hướng về thưởng vượt kế hoạch kinh doanh năm 2018. Theo đó, việc thưởng vượt kế hoạch của Hội đồng quản trị và Ban điều hành trong năm nay được xem xét thực hiện trong trường hợp đạt trên 100% kế hoạch. Cùng với đó trong những tháng cuối năm 2018 VIG đã liên tục tiến hành các bước tái cơ cấu nhân sự, cũng như chiến lược kinh doanh, nhưng chưa mang lại kết quả như mong đợi. Kết thúc năm 2018 VIG chỉ lãi được hơn 2 tỷ đồng – hoàn thành được 11% mục tiêu.

An Tiến Industries (HII) hậu đổi tên cũng đã có mức lãi không như kỳ vọng. Được biết HII là Công ty thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings, việc HII thay đổi tên giao dịch nhằm để thực hiện đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu mới của Tập đoàn cũng như mở ra cho HII những bước phát triển mới. Tuy nhiên kết thúc năm 2018 doanh nghiệp này chỉ báo lãi có 38 tỷ đồng trong khi mục tiêu của công ty là 130 tỷ đồng.

Thời điểm này, thị trường đang ngóng chờ các con số mục tiêu kinh doanh 2019 được các doanh nghiệp công bố. Nếu chỉ tiêu đưa ra thấp có thể sẽ bị cổ đông đánh giá không xứng đáng với tiềm năng của doanh nghiệp, ngược lại nếu đặt chỉ tiêu cao trong bối cảnh không đánh giá đầy đủ năng lực của doanh nghiệp có thể dẫn đến nguy cơ vỡ kế hoạch. Dù thế nào đi nữa thì công tác lập kế hoạch kinh doanh luôn là công việc cần phải có trong bất kì hoạt động kinh doanh nào, bất kì lĩnh vực kinh doanh nào, từ quy mô nhỏ cho đến lớn.

Trang Trần

HNX&HSX

Trở lên trên