Nhiều dự án BOT chưa xử lý dứt điểm, ĐBQH truy trách nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại hội trường chiều 7/6, Đại biểu Quốc hội đề cập nhiều dự án BOT trên cả nước vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
- 08-06-2023Miền Bắc dự báo thiếu hụt hơn 4.300 MW điện trong mùa khô
- 08-06-2023Ưu tiên ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 lên 4 làn xe
“Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài ngay cửa ngõ Thủ đô vẫn chưa được dỡ bỏ. Nghị quyết 62 của Quốc hội khóa XV ghi rõ: "Trong năm 2022 giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT". Đề nghị Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ, trách nhiệm thuộc về ai khi Nghị quyết 62 Quốc hội không được thực hiện triệt để và giải pháp sắp tới". Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH Bình Dương đặt câu hỏi.
Cùng chất vấn về vấn đề này, Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH TP.HCM phản ánh, hiện nay có một số dự án giao thông đã phê duyệt chủ trương theo hình thức PPP, tuy nhiên, sau đó lại chuyển qua hình thức đầu tư công khiến thời gian chuẩn bị dự án kéo dài và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai dự án về sau. Thực trạng này rất cần những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành quá tải, tắc nghẽn rất cần có kế hoạch mở rộng.
Tiếp thu vấn đề chất vấn của Đại biểu Trần Anh Tuấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận đây là một vấn đề mà cá nhân ông cùng ngành GTVT rất trăn trở. Từ khi ban hành Luật PPP, khả năng thu hút DN đầu tư vào hạ tầng giao thông rất thấp. Trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021-2025 phải cần đến 462.000 tỷ đồng, nhưng thực tế đến giờ phút này mới bố trí được 66%, nên rất cần những nguồn vốn xã hội hóa.
“Cần có một hệ thống các giải pháp hết sức đồng bộ trong vấn đề này, nhất là phải tạo được lòng tin và bình đẳng cho các DN, như vấn đề về chính sách cần xem xét để có những điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, quy định khi doanh thu tăng từ 100% lên trên 125% DN phải chia sẻ với nhà nước; hay doanh thu của DN giảm xuống dưới 75% nhà nước phải bù, nhưng bù như thế nào, bù ở đâu, nguồn nào thì chưa rõ. Hoặc DN ký hợp đồng và trong hợp đồng đã quy định rất rõ là thời điểm nào DN được tăng phí, nhưng thực tế điều này không được thực hiện dẫn đến doanh thu không đảm bảo, dẫn đến hệ lụy với ngân hàng, nợ quá hạn và rất nhiều yếu tố khác”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đơn cử.
Phản hồi về kế hoạch mở rộng 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành, Bộ trưởng GTVT cho biết đang chuẩn bị đầy đủ các nội dung, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này, vì đây là những tuyến có lưu lượng giao thông rất đông.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành hiện nay VEC đang đầu tư khai thác theo quy hoạch từ 8 – 10 làn xe, qua trao đổi, VEC cùng Ủy ban quản lý vốn đang phối hợp với Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên quan đến tái cơ cấu VEC, đặc biệt là vấn đề sử dụng các nguồn vốn tự có và coi như tự có của VEC để đầu tư các dự án, nếu như tài chính của VEC đảm bảo mới làm được.
“Bộ GTVT đã trao đổi với VEC trong trường hợp cần thiết phải liên doanh, liên kết vì tuyến này nếu DN đầu tư sẽ rất hiệu quả, lãnh đạo của VEC đã ghi nhận và sẽ có đề xuất sớm. Thực tế VEC đã có Công văn gửi Bộ GTVT, gửi cho Chính phủ xin được tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến này, vì đây cũng là nội dung rất quan trọng, Bộ GTVT cũng đặc biệt quan tâm bởi nó liên quan đến sân bay Long Thành. Nếu như sân bay Long Thành xong, tuyến này phải mở rộng lên 8 - 10 làn xe, chưa kể chúng ta còn phải đầu tư tiếp các tuyến đường sắt mới đảm bảo cho quá trình lưu thông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Đưa ra hướng giải quyết đối với Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bộ trưởng cho biết, một dự án BOT thường có thời gian thu hồi vốn khoảng 15 - 35 năm, bình quân khoảng 20 năm, nhưng quy định của ngân hàng chỉ cho DN vay tối đa từ 10 - 12 năm. Trước đây khi kinh tế tốt, sức khỏe DN tốt, DN sẽ lấy các nguồn doanh thu để bù vào, nhưng giờ kinh tế khó khăn, vòng đời của dự án là 20 năm mà ngân hàng lại chỉ cho vay 10 - 12 năm DN sẽ không thể làm được.
“Chính vì thế vừa rồi, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có một phương án mà tôi cho là rất hay, đó là nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, thay vì 20 - 25 năm sẽ giảm xuống khoảng 10 - 15 năm, như vậy mới có tính khả thi. Từ đó nguồn vốn của DN bớt đi, nguồn vốn ngân hàng vào cũng bớt đi sẽ khiến rủi ro bớt đi.
VOV