“Nhiều tiền như ngân hàng”: 6 nhà băng chi hơn 23.000 tỷ trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông
Ước tính, tổng số tiền mà TPBank, VIB, MB, ACB, VPBank và HDBank chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là hơn 23.000 tỷ đồng.
- 14-05-2023Ngân hàng tuần qua: Ồ ạt giảm lãi suất huy động, một nhà băng chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt
- 14-05-2023Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: STB tăng mạnh nhất, nhiều nhà băng chuẩn bị trả cổ tức, cổ phiếu thưởng
- 09-05-2023Vì sao có những ngân hàng nhiều năm không trả cổ tức?
Sau nhiều năm tập trung nguồn lực để tăng cường sức khỏe tài chính và hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã triển khai lại hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.
Là những doanh nghiệp niêm yết có số cổ phần lưu hành rất lớn, các ngân hàng phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Mới đây, HDBank thông báo chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt vào ngày 30/5/2023. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận 1.000 đồng/cổ phiếu. Ngày thanh toán cổ tức cho cổ đông dự kiến là 12/06/2023.
Với hơn 2,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến HDBank sẽ trích ra hơn 2.500 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch thường trực HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo, về nguyên tắc, ngân hàng có thể chia cổ tức toàn bộ bằng tiền mặt, nhưng phải theo diễn biến thị trường cũng như chủ trương của NHNN đối với các ngân hàng thương mại.
“Thời gian qua, NHNN định hướng các TCTD không chia cổ tức tiền mặt; nhưng năm nay có diễn biến hết sức tích cực là đã cho các ngân hàng có chỉ số tài chính tốt, như HDBank, được chia tiền mặt. HDBank là một trong các ngân hàng tiên phong thực hiện chủ trương đó”, bà Thảo cho biết.
Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, VPBank dự kiến chi ra khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận của năm 2022 để trả cổ tức cho cổ đông ngay trong quý 2, hoặc muộn nhất là quý 3 năm nay.
Tại Đại hội cổ đông, ban lãnh VPBank cho biết ngân hàng sẽ dành tới 30% lợi nhuận hàng năm chia cổ tức cho cổ đông trong 5 năm sắp tới.
Trước đó, ngày 3/4, TPBank đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu.
Trong Đại hội cổ đông vừa qua, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú nhấn mạnh, nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông bằng hai phần tiền mặt và cổ phiếu trong các năm tới. Tỷ lệ chia cổ tức sẽ được HĐQT cân nhắc theo từng thời điểm, nhưng phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể.
Tại VIB, ngày 7/4, ngân hàng này đã chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 còn lại với tỷ lệ 5% bằng tiền, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng. Trước đó, VIB đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 10% vào ngày 3/3, tương ứng cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng.
Với 2,1 tỷ cổ phiếu phổ thông lưu hành, tổng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong 2 đợt vừa qua là 3.150 tỷ đồng.
Nói về việc tái khởi động hình thức phân phối lợi nhuận này, ban lãnh đạo VIB cho biết: Liên tục trong 3 năm qua, theo yêu cầu của NHNN, VIB đã không chi cổ tức bằng tiền mặt, chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Do vậy, việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 sẽ đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các cổ đông ngân hàng.
Với ACB, theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua,ngân hàng sẽ chia cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% là cổ phiếu và 10% là tiền mặt. Quy mô cổ tức tiền mặt là khoảng 3.377 tỷ đồng.
Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó, ACB khi đó đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014. Như vậy, sau 8 năm, cổ đông ACB mới được nhận được cổ tức bằng tiền mặt.
Tại MB, nhà băng này sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt 5% trong năm nay. Với hơn 4,5 tỷ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành, MB dự kiến chi ra 2.267 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Như vậy, tính đến hiện tại đã có 6 ngân hàng công bố hoặc đã triển khai chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023 là TPBank, VIB, MB, ACB, VPBank và HDBank. Ước tính, tổng số tiền mà các ngân hàng này chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là hơn 23.000 tỷ đồng.
Việc chia cổ tức bằng tiền mặt là thông tin vui cho các cổ đông khi được nhận “tiền tươi thóc thật” từ lợi nhuận mà ngân hàng làm ra. Bên cạnh đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo về nền tảng vốn cũng như dòng tiền của ngân hàng.
Tuy nhiên, số tiền cổ tức của cổ đông sẽ phải chịu thuế thu nhập theo quy định của pháp luật, đồng thời giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.
Nhịp sống Thị trường
- Đẩy nhanh vốn tín dụng ra thị trường
- Lãi suất tiền gửi và cho vay vẫn chênh lệch lớn
- Giá vàng nhẫn vọt lên mức kỷ lục 58 triệu đồng/lượng, người giữ vàng lãi đậm
- VietinBank hạ lãi suất huy động từ ngày 19/9, toàn bộ nhóm Big4 đã giảm về mức đáy lịch sử
- Giá vàng vượt mốc 69 triệu đồng/lượng, USD tiếp tục tăng mạnh