Nhìn lại mô hình chống biến thể Delta: Trung Quốc có thể tiên phong 'bay màu' chủng mới, New Zealand, Australia loay hoay với chiến lược 'không Covid'
Ảnh: STR/AFP/Getty Images
Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với tình trạng tái bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Delta. Đến thời điểm hiện tại, biến thể này vẫn được đánh giá là chủng lây nhiễm chủ đạo và nguy hiểm nhất với tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát. Bởi vậy, các quốc gia đã buộc phải thay đổi chiến lược chống dịch, nhằm ứng phó tốt nhất với loại virus chưa từng có này.
- 23-08-2021Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành ‘hub’ sản xuất vaccine khu vực
- 23-08-2021Người phụ nữ gốc Việt giữ chức Giám đốc điều hành chương trình chia sẻ vaccine COVAX
- 23-08-2021Chân dung DN vừa hợp tác cùng VinFast: Nhà sản xuất pin Trung Quốc đầu tiên niêm yết, là đối tác chính của Volkswagen, vốn hoá thị trường hơn 10 tỷ USD
Một trong số những quốc gia được đánh giá là ví dụ điển hình trong kiểm soát dịch bệnh lần này chính là Trung Quốc. Khi các ca nhiễm khi các ca nhiễm biến thể Delta bắt đầu xuất hiện từ tháng 5, với kinh nghiệm từ Vũ Hán năm trước, Trung Quốc đã ngay lập tức phong tỏa chặt ngay tại ổ dịch, xét nghiệm đại trà thần tốc để sàng lọc, tách ca nhiễm khỏi cộng đồng và tiêm đầy đủ vaccine cho người dân.
Dù cơ bản kiểm soát dịch, Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh để phòng dịch ở sân bay, bến tàu, bến cảng... Tính đến ngày 23/8, Trung Quốc đã chính thức "sạch bóng Covid". Hiện tại, Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới với quốc tế.
Vậy còn mô hình chống dịch ở các quốc gia khác ra sao?
Hàn Quốc là nước thứ hai trên thế giới bùng phát dịch Covid-19, chỉ sau Trung Quốc, và cũng là nước mà dịch "hoành hành" ở đa số các tỉnh thành lâu nhất cho tới nay nếu xét về thời gian.
Ngay khi dịch bệnh lây lan mạnh, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất tại một số địa phương. Đáng chú ý, quốc gia này cũng đẩy mạnh truy vết bằng công nghệ và hệ thống xét nghiệm thần tốc.
Trên thực tế, kể cả những lúc dịch bệnh lây lan mạnh buộc Chính phủ nước này phải thực hiện các quy định giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận hay ở Busan, thành phố lớn nhất miền Nam, thì nền kinh tế Hàn Quốc chưa bao giờ đóng cửa hoàn toàn.
Khác với Trung Quốc, các huyết mạch kinh tế vẫn hoạt động, chuỗi sản xuất và lưu thông hàng hóa chưa bao giờ bị đứt gãy, có chăng chỉ bị ảnh hưởng ở chỗ này hay chỗ kia và trong một thời gian ngắn.
Người ra vào các cửa hàng, công sở, nhà máy… đều phải quét mã QR, lưu lại số điện thoại liên lạc để cơ quan y tế có thể thông báo đi làm xét nghiệm khi trở thành F1 hay F2. Hay qua vị trí điện thoại di động, lịch sử sử dụng thẻ ngân hàng, camera quan sát... cơ quan phòng dịch Hàn Quốc nhanh chóng xác định được những người đã tiếp xúc F0.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng cho phép sử dụng một số loại xét nghiệm nhanh tại nhà. Khi xét nghiệm cho kết quả dương tính, bệnh nhân nhẹ có thể được chữa trị ở nhà theo sự hướng dẫn từ xa của đội ngũ y tế. Hàn Quốc miễn phí điều trị Covid-19 với người tham gia bảo hiểm y tế (kể cả người nước ngoài).
Tương tự với cách tiếp cận với Trung Quốc, Hàn Quốc là New Zealand, khi nước này siết chặt kiểm soát làn sóng dịch thông qua các biện pháp phong tỏa, truy vết.
New Zealand lâu nay được ca ngợi như một điển hình chống dịch thành công và cho đến nay chỉ ghi nhận hơn 3.000 ca mắc, 26 bệnh nhân tử vong trong tổng số 5 triệu dân. Nước này tập trung loại bỏ triệt để virus thông qua kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và triển khai phong tỏa cứng bất cứ khi nào phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng.
Tuy nhiên, vừa qua Bộ trưởng Hipkins thừa nhận, khả năng dễ lây lan với tốc độ cực nhanh của Delta gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch hơn so với những biến thể khác. Thực tế có thể buộc New Zealand phải xét lại chiến lược "không Covid" đang triển khai.
Đến nay, nước này mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 20% dân số, mức thấp nhất trong các quốc gia phát triển.
Tương tự New Zealand, Australia cũng theo đuổi chiến lược "không Covid" và đang phải đối mặt với việc gia tăng trở lại các ca mắc mới vì biến thể Delta. Thủ tướng Australia Scott Morrison vừa qua thông tin đã bảo vệ chiến lược phong tỏa mà các bang của nước này đang áp dụng để dập dịch.
Dù thừa nhận người dân Australia không thể sống mãi trong tình trạng phong tỏa, nhưng ông Morrison khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ cân nhắc các thay đổi khi tỷ lệ tiêm chủng cho dân đạt 70%. Chính quyền Morrison mới đây cũng công bố kế hoạch tái mở cửa dần cho việc đi lại trong và ngoài nước khi tỷ lệ chủng ngừa đại trà đạt 80%.
Kể từ đầu dịch, xứ sở chuột túi đã áp 6 lần phong tỏa và hiện khoảng 60% dân số đang phải ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Còn tại châu Âu, với làn sóng dịch mới từ biến thể Delta, Anh vẫn kiên trì chiến lược mở cửa, nới lỏng hạn chế. Ngày 19/7, khi Vương quốc Anh dỡ bỏ hạn chế về Covid-19, hầu hết doanh nghiệp hoan nghênh, nhưng hàng nghìn nhà khoa học gọi đây là một cuộc "thí nghiệm nguy hiểm".
Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại Anh trong tháng 6, 7, 8/2021
Nhưng Chính phủ Anh vẫn quyết tâm mở cửa, dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế, cho phép các địa điểm như hộp đêm và sân vận động thể thao mở cửa hết công suất bắt đầu từ ngày 19/7, không bắt buộc đeo khẩu trang ngoại trừ một số địa điểm cụ thể như sân bay và bệnh viện; những người được tiêm chủng đầy đủ không còn phải cách ly sau khi tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.
Một tháng sau mở cửa , vương quốc Anh trung bình có khoảng 90 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày.
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, không nước nào có thể khẳng định mô hình chống dịch của mình là hiệu quả nhất. Song cơ bản, việc tăng cường xét nghiệm đại trà, đẩy mạnh truy vết, siết chặt kiểm soát, tăng cường độ phủ vaccine vẫn là các biện pháp hiệu quả để ứng phó dịch bệnh, đặc biệt đối với biến thể Delta này.