MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

10-07-2017 - 09:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, giải pháp điều hành giảm lãi suất của NHNN có hiệu lực từ ngày 10/7/2017 là cách thức khôn ngoan và cân bằng nhiều mục tiêu: linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn thận trọng để đảm bảo kiểm soát lạm phát của năm nay và năm tiếp theo, đồng thời vẫn hỗ trợ tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Theo đó, NHNN giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Giữ ổn định mặt bằng lãi suất là một thành công

Trong những tháng đầu năm, mục tiêu điều hành của NHNN vẫn cố gắng giữ được mặt bằng lãi suất trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức ngay từ đầu năm như: Lạm phát cuối năm 2016 tăng ở mức cao 4,74% tạo xu thế kỳ vọng lạm phát gây áp lực đến lãi suất. Tín dụng khác với các năm trước có xu hướng tăng nhanh ngay từ đầu năm, 6 tháng đầu năm đã tăng khoảng 8% và cao hơn cùng kỳ các năm gần đây. TPCP cả năm 2016 đã phát hành với khối lượng khoảng 280.000 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm tiếp tục phát hành khoảng 125 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn dài hơn. Trên thị trường quốc tế, Fed điều chỉnh tăng lãi suất với tần suất dày, trong tháng 3 và tháng 6 tạo áp lực đến mặt bằng lãi suất trong nước cũng như điều hành CSTT để cân đối mục tiêu giữ ổn định tỷ giá và lãi suất.

Trong bối cảnh áp lực như vậy, thực tế cho thấy có thời điểm một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động chủ yếu là kỳ hạn dài trên 12 tháng và phát hành chứng chỉ tiền gửi. Tuy nhiên qua quan sát động thái điều hành của NHNN, đặc biệt từ tháng 4 NHNN đã rất quyết liệt điều hành các giải pháp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất, điều tiết thanh khoản giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý hỗ trợ ổn định lãi suất thị trường 1, triển khai họp với các ngân hàng có thị phần lớn yêu cầu các ngân hàng thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ ổn định mặt bằng lãi suất.

Qua đánh giá, trong điều kiện khó khăn như vậy, mặt bằng lãi suất của TCTD về cơ bản vẫn được duy trì ổn định, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn, khách hàng tốt, lãi suất từ 4-5%/năm, tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu không có các giải pháp kịp thời, phù hợp, mặt bằng lãi suất tăng sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp.

Diễn biến lạm phát có xu hướng chậm lại, tăng 0,2% so với cuối năm trước và bình quân 6 tháng so với cùng kỳ tăng 4,15%, dự báo cho thấy khả năng có thể đạt mục tiêu dưới 4% của Quốc hội. Tuy nhiên, lạm phát ở mức thấp những tháng qua, một phần do yếu tố giá lương thực thực phẩm và giá nhiên liệu xăng dầu giảm, đây là các yếu tố ngắn hạn, tạm thời, những loại giá này có thể tiềm ẩn rủi ro tăng cao trở lại và tác động làm tăng lạm phát khi giá thế giới có biến động.

Trong khi điều kiện Việt Nam, kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức cao, do đó chính sách tiền tệ vẫn phải thận trọng. Mức độ điều chỉnh các lãi suất điều hành 0,25%/năm, mang tính tín hiệu với thị trường đồng thời cũng phản ánh sự cân nhắc thận trọng của điều hành với triển vọng lạm phát trung hạn. Mặt khác, tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 3/7 vừa qua, Thống đốc NHNN tiếp tục khẳng định định hướng kiểm soát tăng trưởng tín dụng cả năm tổng thể khoảng 18% trên cơ sở đã cân đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, cho thấy NHNN tiếp tục thận trọng để hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát không những của năm nay mà còn các năm tiếp theo.

Trên thị trường quốc tế, từ cuối năm 2016 Fed đã 3 lần tăng lãi suất chính sách và sẽ tiếp tục tăng 1 lần nữa trong năm 2017, tiếp tục tăng trong năm 2018, một số NHTW như ECB, NHTW Anh, Canada cũng bắt đầu phát đi tín hiệu về việc thu hẹp dần CSTT mở rộng trong bối cảnh tăng trưởng phục hồi và lạm phát có dấu hiệu tăng lên. Diễn biến này sẽ tạo xu hướng đồng USD và các đồng tiền khác tăng giá, qua đó gây áp lực lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước. NHNN điều chỉnh giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, nhưng giữ ổn định lãi suất thị trường mở và trần huy động VND, động thái này thể hiện việc điều hành để đảm bảo chênh lệch lợi tức nắm giữ USD và tiền đồng, qua đó hạn chế những biến động liên quan của tỷ giá cũng như hỗ trợ cho ổn định tỷ giá thị trường ngoại tệ.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, quyết định trên của NHNN là động thái chính sách tích cực, phù hợp với diễn biến thị trường đang có điều kiện để giảm lãi suất. Động thái điều chỉnh chính sách trên của NHNN phát đi với mức nhưu vậy không phải là tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ mà vẫn rất thận trọng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu nhìn một cách khách quan, hoạt động của hệ thống ngân hàng thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng việc giảm lãi suất cho vay sẽ được triển khai hiệu quả. Mặc dù lãi suất huy động của các TCTD không được điều chỉnh giảm, nhưng nếu các TCTD chủ động, nỗ lực cân đối hoạt động, tập trung tiết giảm chi phí thì sẽ giảm được lãi suất cho vay. NHNN cũng đã có văn bản chỉ đạo và yêu cầu các TCTD tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, như: Chủ động cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn, quản lý và kiểm soát thanh khoản, cân đối giữa các kỳ hạn của nguồn vốn và cho vay; với Nghị quyết về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua thì các TCTD có thể xây dựng các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo sẽ giúp các TCTD tiết giảm rất nhiều chi phí.

Đáng chú ý, trong đợt điều chỉnh lãi suất lần này, NHNN giảm nhẹ các mức lãi suất điều hành, đây là động thái điều hành thận trọng của NHNN khi đã xem xét, đánh giá tổng thể các yếu tố thể ảnh hưởng làm gia tăng lạm phát tới đây, nhưng đây cũng một biện pháp hỗ trợ của NHNN, cho phép các TCTD có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN khi cần thiết với chi phí thấp hơn; đặc biệt là kênh vay vốn được các TCTD tiếp cận thường xuyên trong thời gian gần đây, đó là vay vốn thông qua việc cầm cố trái phiếu đặc biệt VAMC.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng, để đưa ra quyết định giảm được lãi suất, ngân hàng đã rất nỗ lực. Tuy nhiên trong thời gian tới, để hiệu ứng chính sách được xuyên suốt phải đồng bộ các giải pháp: Thứ nhất, phải chỉ đạo quyết liệt trong xử lý nợ xấu vì nếu nợ xấu không giảm được thì cực kỳ khó giảm lãi suất. Thứ hai, phải tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động mới giảm lãi suất.

Giảm thêm lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động giữ ổn định thể hiện sự đồng hành của hệ thống ngân hàng với doanh nghiệp, tuy nhiên để giảm chi phí cho doanh nghiệp thì giảm lãi suất chỉ là một biện pháp, cần có thêm các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí của doanh nghiệp, các giải pháp giảm chi phí từ các bộ ngành. Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường ( Hải Phòng) cho biết: “Chưa bao giờ khách hàng là thượng đế như bây giờ, và chúng tôi cũng đã trở thành thượng đế của ngân hàng lâu rồi. Nguồn vốn luôn được đáp ứng kịp thời trực tiếp giúp DN phát triển sản xuất.

Như doanh nghiệp của ông Thắng, từ nguồn vốn khởi đầu chưa đầy 700 triệu đồng, đến nay DN đã trở thành một nhà sản xuất và nhà thầu bê tông lớn với công suất 100 triệu khối bê tông/năm. Và hành trình từ ngày đầu khởi nghiệp 26 năm trước ấy, ông luôn có ngân hàng đồng hành bên cạnh kể cả những lúc “tắt lửa, tối đèn” “mức lãi suất như thời điểm hiện nay là hợp lý để DN yên tâm đầu tư sản xuất”, ông Thắng tâm sự.

Thực tế, thời gian qua hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ giảm chi phí vốn rất nhiều cho các doanh nghiệp thông qua việc liên tục giảm lãi suất cho vay. Từ năm 2011 đến nay, lãi suất huy động và cho vay của các TCTD đều giảm mạnh, nhưng đáng nói là lãi suất cho vay có mức giảm nhanh và mạnh hơn so với lãi suất huy động, đến nay, lãi suất cho vay chỉ bằng khoảng 50% mức lãi suất cuối năm 2011 và tương đương với giai đoạn các năm 2005-2006, tức là lãi suất cho vay hiện nay chỉ khoảng 6-10%/năm, nếu khách hàng tốt thì lãi suất thậm chí chỉ khoảng 4-5%/năm. Với xu hướng giảm lãi suất này thì chênh lệch lái suất của các TCTD đang có chiều hướng giảm.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số lãi cận biên (Net Interest Margin) của hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm dần qua các năm (năm 2013: 3,07%; năm 2014: 2,74%; năm 2015: 2,73%; năm 2016: 2,69%), điều này là phù hợp với diễn biến của các năm này là lãi suất cho vay luôn giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Chỉ số NIM của hệ thống ngân hàng Việt Nam bị thu hẹp dần và đồng thời cũng một mức rất thấp, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực, như: Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%). Theo công ty xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới, chỉ số NIM cần phải ở mức tối thiểu là 3,5% thì mới đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn, có điều kiện tái tạo và phát triển để đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Mặt khác, chính vì tỷ lệ lãi cận biên của hệ thống ngân hàng bị thu hẹp dần và hiện ở mức thấp đã làm cho khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng bị sụt giảm, thể hiện ở tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đều ở mức rất thấp (năm 2016, ROA 0,63%; ROE 8,14%), thấp hơn nhiều so với ngân hàng ở các nước khác (Indonesia: ROA 1,22%; ROE 8,23%; Malaysia: ROA 0,95%; ROE 10,31%) và thấp hơn so với hầu hết các nhóm ngành khác, như: Dầu khí (7,45% và 18%), Nguyên vật liệu (11,24% và 14,63%)…

Như vậy, các chỉ số phản ảnh hiệu quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng đang ở mức thấp hơn so với một số ngành, lĩnh vực khác và so với yêu cầu tối thiểu theo thông lệ quốc tế. Mặc dù vậy, NHNN vẫn chỉ đạo và yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay và điều chỉnh giảm nhẹ các mức lãi suất điều hành thể hiện sự tích cực của ngành ngân hàng trong việc giảm chi phí vốn, hỗ trợ sản suất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ngọc Quyết

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên