Nhu cầu cá tra tại Trung Quốc đã tăng 60-70% trong tháng 4/2020, Vĩnh Hoàn (VHC) kỳ vọng kinh doanh sớm hồi phục sau quý 1 kém sắc
Dự báo thời gian tới, ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn (VHC) cho rằng hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn vào tháng 6/2020 trong khi hoạt động xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm trong quý 2/2020, sau đó phục hồi trong 6 tháng cuối năm.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã tham gia cuộc họp nhà đầu tư trực tuyến của Vĩnh Hoàn (VHC) diễn ra ngày 20/4/2020, tập trung vào KQKD quý 1/2020 và triển vọng kinh doanh năm 2020.
Ghi nhận bởi VCSC, ban lãnh đạo VHC kỳ vọng KQKD phục hồi sau diễn biến quý 1 kém tích cực; trong đó mặc dù số ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại Mỹ sẽ tiếp tục ảnh hưởng KQKD của Công ty trong quý 2/2020 song nhu cầu tại Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn vào tháng 6/2020 trong khi nhu cầu tại Mỹ cũng sẽ phục hồi sau đó trong 6 tháng cuối năm 2020 khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại.
Quý 1 doanh thu từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh 68% do Covid-19, một phần được bù đắp từ Mỹ và EU khi dịch chưa bùng phát mạnh
Kết thúc quý 1/2020, doanh thu của VHC giảm 9% trong khi LNST sau lợi ích CĐTS giảm 51% do giá bán trung bình (ASP) của cá fillet thấp hơn và nhu cầu cá tra giảm mạnh tại Trung Quốc do bùng phát dịch Covid-19.
Theo VHC, doanh thu của Công ty từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh 68% vào quý 1/2020 khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nhu cầu cá tra tại khu vực này, đặc biệt từ ngành dịch vụ thực phẩm. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ và EU ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2020 khi dịch tại các khu vực này chưa trầm trọng trong 2 tháng đầu năm 2020 và động thái giảm hàng tồn kho của các khách hàng Mỹ đã kết thúc.
Dựa theo dữ liệu của Agromonitor, VCSC ước tính tổng sản lượng cá tra xuất khẩu của VHC tăng khoảng 29% trong quý 1/2020.
Dù cải thiện so với quý trước, ASP thấp của mảng cá fillet tiếp tục ảnh hưởng biên lợi nhuận. Trong quý 1/2020, biên lợi nhuận gộp chung duy trì ở mức thấp 13,1%) trong bối cảnh ASP thấp hơn cùng kỳ.
VCSC lưu ý rằng trong năm 2019, ASP của VHC bắt đầu giảm trong quý 2 và giảm mạnh nhất trong quý 3. Tuy nhiên, ban lãnh đạo chia sẻ ASP cá fillet của VHC đã bình ổn và tăng nhẹ trong quý 1/2020 (so với quý liền trước) khi dịch Covid-19 chuyển hướng nhu cầu cá tra từ kênh dịch vụ ăn uống sang kênh bán lẻ vốn có ASP cao hơn.
Hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn vào tháng 6/2020
Dự báo thời gian tới, ban lãnh đạo VHC cho rằng hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn vào tháng 6/2020 trong khi hoạt động xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm trong quý 2/2020, sau đó phục hồi trong 6 tháng cuối năm.
Theo VHC, nhu cầu cá tra tại Trung Quốc đã phục hồi 60-70% so với mức thông thường trong tháng 4/2020 khi các cửa hàng dịch vụ ăn uống tại đây dần mở cửa trở lại.
Mặt khác, Công ty giả định rằng dịch Covid-19 tại EU và Mỹ sẽ có diễn biến tương tự như Trung Quốc, VHC theo đó kỳ vọng nhu cầu cá tra từ ngành dịch vụ ăn uống tại 2 thị trường này sẽ hạ nhiệt trong quý 2/2020, sau đó phục hồi trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, nhờ nhu cầu gia tăng từ kênh bán lẻ và tỷ trọng mảng này cao hơn tại EU, VHC ước doanh thu từ thị trường EU sẽ vẫn ghi nhận tăng trưởng trong quý 2/2020.
VHC nhận thấy khả năng ASP cá fillet tăng vào cuối năm 2020 trong bối cảnh thị trường Trung Quốc bắt đầu phục hồi từ quý 2/2020, theo sau bởi thị trường Mỹ và EU từ quý 3/2020. Trong bối cảnh khoảng 70% tổng nguồn cung cá tra tại Việt Nam đến từ các doanh nghiệp (như VHC) cũng như hoạt động nuôi cá tra suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2020, VHC cho rằng cán cân cung-cầu cá tra sẽ duy trì cân bằng trong quý 2/2020 và có khả năng thâm hụt nhẹ vào cuối năm 2020.
Doanh số phụ phẩm collagen và gelatin dự tăng 50% trong năm 2020
Mặt khác, doanh số mảng collagen và gelatin (C&G) tăng 31% trong quý 1/2020, kế hoạch mở rộng công suất hiện đi đúng tiến độ. Theo ban lãnh đạo, dịch Covid-19 phần lớn ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu của mảng C&G sang Trung Quốc. Trong khi đó, lượng công suất C&G mới của VHC (tương ứng 75% công suất hiện tại) hiện đi đúng tiến độ nhằm hoạt động vào tháng 8/2020. Mảng C&G đóng góp lần lượt 8% và 20% cho doanh thu và lợi nhuận ròng của Công ty trong năm 2019. Trong năm 2020, VHC kỳ vọng cả doanh thu và lợi nhuận từ mảng này sẽ tăng 50% nhờ lượng công suất mở rộng kể trên.
VHC đặt kế hoạch chi tiêu vốn xây dựng cơ bản (XDCB) 580 tỷ đồng trong năm 2020. Theo VHC, vốn XDCB của Công ty trong năm 2020 phần lớn được sử dụng cho kế hoạch mở rộng công suất mảng C&G, công suất kho lạnh mới, khu vực nuôi trồng mới và dây chuyền sản xuất dầu cá mới với tổng công suất khoảng 100 tấn/ngày. Sản phẩm dầu cá mới có thể được sử dụng trong sản xuất thực phẩm (thêm giá trị gia tăng) so với sản phẩm dầu cá dành cho thức ăn chăn nuôi từ dây chuyền sản xuất hiện tại.
Nhịp sống kinh tế
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19