Nhu cầu "vàng trắng" tăng chưa từng có: Phải đào được 3 triệu tấn mới "đã cơn khát" toàn cầu
Loại "vàng trắng" cả nhân loại khát này là xương sống của điện khí hóa toàn cầu.
- 06-11-2024Bất ngờ phát hiện mỏ 'vàng trắng' 6 triệu tấn, người dân mơ đổi đời - vì sao giấc mơ làm 'ông trùm' của Ấn Độ vẫn còn rất xa?
- 21-10-2024Trong 9 tháng, tỉnh giáp biên thu 85 triệu USD từ "vàng trắng"
- 17-10-2024"Vàng trắng" tăng giá, nông dân phấn khởi
Xe điện (EV) đang định hình lại giao thông toàn cầu, cung cấp giải pháp thay thế bền vững cho xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE).
Nhu cầu về lithium - vốn được xem là "vàng trắng" của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch - đang tăng mạnh chưa từng có cùng với sự phát triển nhanh chóng của việc áp dụng EV và hệ thống lưu trữ năng lượng tái tạo.
Báo cáo mới nhất của Hội đồng quốc tế về Giao thông sạch (ICCT) công bố vào tháng 12/2024 cho thấy một xu hướng bùng nổ trên quy mô toàn cầu: Nhu cầu về lithium dự kiến sẽ tăng gấp hơn 4 lần vào năm 2030.
Trước xu thế sống xanh hơn, bền vững hơn của nhân loại, viêc nhu cầu lithium bùng nổ có khiến thế giới đối mặt kỷ nguyên thiếu hụt loại vàng trắng này?
Hãy cùng Hội đồng quốc tế về Giao thông sạch (ICCT) phân tích tầm quan trọng của lithium trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Cơn sốt "vàng trắng" bùng nổ toàn cầu năm 2030
Lithium được xem là "xương sống" của quá trình thúc đẩy điện khí hóa toàn cầu. Vai trò của nó trong việc cung cấp năng lượng cho pin lithium-ion khiến loại vàng này trở nên không thể thiếu trong xe điện, thiết bị điện tử tiêu dùng và hệ thống lưu trữ năng lượng tái tạo.
Cùng nhau, lithium và xe điện đã trở thành tâm điểm trong quá trình khử carbon cho ngành vận tải.
Mật độ năng lượng và tính chất nhẹ của pin lithium-ion khiến chúng trở nên lý tưởng cho các ứng dụng đòi hỏi tính di động và hiệu suất cao.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của lithium vượt xa EV. Các hệ thống năng lượng tái tạo, dựa vào các giải pháp lưu trữ quy mô lưới điện, nhanh chóng thúc đẩy nhu cầu về pin lithium.
Việc các chính phủ trên toàn thế giới thúc đẩy lưới điện xanh hơn, nhu cầu về lưu trữ năng lượng đáng tin cậy và hiệu quả đã tăng vọt, củng cố thêm vai trò quan trọng của lithium trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Theo dự báo mới nhất của Statista, năm 2022, thé giới tiêu thụ hơn 700.000 tấn lithium. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng gấp 4,25 lần, là hơn 3 triệu tấn.
Năm 2030, cầu sẽ vượt cung rất lớn. Cụ thể, nhu cầu lithium trên toàn thế giới năm 2030 được dự báo là 3.060.000 tấn (hơn 3 triệu tấn), trong khi nguồn cung dự báo cùng năm chỉ đạt 1.640.000 tấn.
Carbon Credits công bố hình ảnh so sánh nhu cầu lithium năm 2030 với Tượng Nự thần Tự do cao 93 mét ở Mỹ rất sinh động. Nếu quy ước bức tượng cao 93 mét này ứng với 1 cột nhu cầu lithium năm 2030 thì cần phải xếp khoảng 188 bức tượng Nữ thần Tự do gần nhau mới có thể đủ lithium cho cả thế giới dùng năm 2030.
Liệu nhân loại có theo kịp nguồn cung lithium? Lấy ví dụ trường hợp bộ pin Cybertruck 123 KWh của Tesla. Nó cần khoảng 80 kg lithium carbonate tương đương. Vì vậy, sản lượng năm 2023 của mỏ sản xuất lithium lớn nhất, Greenbushes Mine, có thể cung cấp năng lượng cho 2,6 triệu Cybertruck.
Còn các loại EV khác và nhu cầu lưu trữ năng lượng trên toàn thế giới thì sao?
Nghịch lý là: Thế giới chỉ có 4 quốc gia sở hữu mỏ lithium chất lượng cao
Mặc dù trữ lượng lithium được phân bổ tốt trên toàn cầu, các mỏ chất lượng cao chỉ tập trung ở 4 nước: Úc, Chile, Trung Quốc và Argentina. Ba quốc gia đầu tiên chiếm 88% tổng sản lượng lithium của thế giới vào năm 2023.
Thách thức chính nằm ở các quy trình khai thác và chiết xuất, vốn trước đây thiếu vốn. Chất lượng quặng ngày càng giảm và khó khăn trong khai thác ngày càng tăng tạo ra thêm nhiều rào cản.
Hội đồng quốc tế về Giao thông sạch (ICCT) cho biết, nhu cầu lithium tăng vọt còn đi kèm với những rào cản đáng kể, chúng bao gồm:
Các mối quan ngại về môi trường, vấn đề tiếp cận đất đai và quy trình phê duyệt theo quy định kéo dài thường làm chậm tiến độ của các dự án mới.
Ngoài ra, sự phụ thuộc về địa chính trị làm phức tạp thêm nguồn cung lithium. Trung Quốc kiểm soát khoảng 60% công suất tinh chế lithium toàn cầu, tạo ra lỗ hổng trong chuỗi cung ứng phụ thuộc nhiều vào một khu vực duy nhất.
Để khắc phục một phần những rào cản này, thế giới đã và đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vàng trắng. Tái chế pin lithium-ion đã qua sử dụng mang lại cơ hội đáng kể. Đến năm 2030, lithium tái chế có thể chiếm tới 10% nguồn cung toàn cầu, giúp giảm nhu cầu về vật liệu nguyên chất.
Các công ty như Redwood Materials (Mỹ) và Li-Cycle đang phát triển các công nghệ tái chế, thu hồi lithium, coban và niken từ pin đã qua sử dụng để đưa chúng trở lại chu kỳ sản xuất.
Bên cạnh đó, các chính sách của chính phủ đang đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt những thách thức về nguồn cung lithium. Ví dụ, Đạo luật Giảm lạm phát tại Mỹ khuyến khích khai thác và chế biến trong nước, trong khi Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng lithium bền vững trong khu vực.
Quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp lithium. Điều này có nghĩa là các bên liên quan phải hợp tác, đổi mới và đầu tư vào sản xuất lithium bền vững để đáp ứng nhu cầu tăng cao đối với loại “vàng trắng” này.
Khi thị trường xe điện phát triển, việc giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng và các mối quan ngại về môi trường sẽ đảm bảo tính khả thi của công nghệ chuyển đổi này. Và cuối cùng, lithium và xe điện có thể tạo ra tương lai sạch hơn, bền vững hơn với sự hỗ trợ và đổi mới phù hợp.
Nguồn: CC, Statista
Đời sống & pháp luật