MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhựa Ngọc Nghĩa: Bất chấp quý 4 lỗ 420 tỷ, "thành quả" bán đứt nước chấm Kabin vẫn mang về 353 tỷ đồng lợi nhuận

27-01-2019 - 08:38 AM | Doanh nghiệp

Nhựa Ngọc Nghĩa vẫn còn ghi nhận gần 684 tỷ phải thu cho vay ngắn hạn, được biết chủ yếu mục này được vay bởi Hồng Phú. Đến cuối năm nay, Công ty cũng đã trích lập dự phòng 417 tỷ đồng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.

CTCP Công nghiệp - Dịch vụ - Thương Mại Ngọc Nghĩa (Nhựa Ngọc Nghĩa, NNG) vừa kết thúc năm 2018 với mức lãi ròng tăng hơn 88 lần lên 353 tỷ đồng. Được biết, thành quả này chủ yếu đóng góp từ việc bán đứt mảng nước chấm Kabin trong quý 1 khi thu về mức lãi ròng kỷ lục hơn 710 tỷ, trong đó quý 4 do thua lỗ 420 tỷ đã "ngốn" hơn phân nửa số lãi trên.

Quý cuối năm thua lỗ 420 tỷ "ngốn" hơn phân nửa thành quả bán mảng nước chấm Kabin

Cụ thể, quý 4/2018 Công ty ghi nhận doanh thu 345 tỷ, lợi nhuận gộp 70,6 tỷ đồng, đồng thuận giảm so với cùng kỳ. Chưa dừng lại, doanh thu tài chính giảm, chi phí bán hàng, đặc biệt chi phí quản lý tăng đột biến khiến Nhựa Ngọc Nghĩa chịu thua lỗ đến 420 tỷ đồng, trong khi quý 4/2017 lãi đến 58 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm, doanh thu Công ty giảm tương đối về 1.644 tỷ đồng, giá vốn tăng khiến lợi nhuận gộp giảm gần phân nửa, chỉ còn 297 tỷ đồng.

Về mảng tài chính, doanh thu tăng đột biến từ 97 tỷ lên hơn 718 tỷ, trong đó gần 698 tỷ được ghi nhận là thu khác. Được biết, quý 1 doanh thu tài chính Công ty đột biến hơn 700 tỷ đồng đến từ việc chuyển nhượng phần vốn góp tại CTCP Thực phẩm Hồng Phú (sở hữu thương hiệu nước chấm Kabin).

Nhựa Ngọc Nghĩa: Bất chấp quý 4 lỗ 420 tỷ, thành quả bán đứt nước chấm Kabin vẫn mang về 353 tỷ đồng lợi nhuận - Ảnh 1.

Cùng với đó, chi phí bán hàng giảm từ mức 254 tỷ về 80 tỷ đồng, riêng trong quý 4 Công ty cắt bỏ hoàn toàn các khoản mục quảng cáo, khuyến mại, trưng bày. Đây là các khoản mục tiêu tốn nỗ lực tạo doanh thu của Nhựa Ngọc Nghĩa thời gian qua, kể từ thời điểm Công ty quyết định tiến vào lĩnh vực thực phẩm và thành lập các công ty chuyên về bánh kẹo, nước chấm, thịt. 

Xác định rõ việc đầu tư mạnh và chấp nhận thua lỗ khi dấn thân vào mảng thực phẩm, quyết tranh giành thị phần với những đại gia hiện hữu như Masan, song thực tế khó khăn đi quá xa tầm kiểm soát của Nhựa Ngọc Nghĩa. Mảng mới này đã liên tục thua lỗ kể từ lúc thành lập cho đến nay, thống kê từ năm 2010 đến nửa đầu năm 2017, mảng thực phẩm của Nhựa Ngọc Nghĩa mang về tổng doanh thu hơn 2.100 tỷ đồng nhưng đã lỗ tới gần 1.200 tỷ đồng. Điều này khiến công sức từ ngành nhựa "đổ sông đổ bể" và Nhựa Ngọc Nghĩa chỉ lãi vài chục tỷ mỗi năm. Riêng năm 2016, lợi nhuận công ty chỉ còn vỏn vẹn gần 7 tỷ đồng, đến năm 2017 chỉ đạt 10 tỷ đồng.

Nhựa Ngọc Nghĩa: Bất chấp quý 4 lỗ 420 tỷ, thành quả bán đứt nước chấm Kabin vẫn mang về 353 tỷ đồng lợi nhuận - Ảnh 2.

Trở lại với tình hình kinh doanh năm 2018, tổng kết lợi nhuận luỹ kế Nhựa Ngọc Nghĩa đạt 353 tỷ, mặc dù thua lỗ quý 4 tiêu hao phân nửa mức lãi đột biến sau đợt thoái vốn tháng 1, Công ty vẫn tăng hơn 88 lần lãi ròng so với năm ngoái.

Đã trích lập dự phòng 417 tỷ cho khoản phải thu ngắn hạn liên quan Hồng Phú

Điểm qua về thương vụ bán Hồng Phú đầu năm nay, đây là đơn vị Nhựa Ngọc Nghĩa thông qua đó cho ra mắt 2 thương hiệu nước chấm Kabin, Thái Long vào năm 2012. Tham vọng lúc bấy giờ của Công ty là mảng nước chấm sẽ liên tục tăng trưởng với doanh thu nền tảng tương đương 30% thị phần vào năm 2018, cạnh tranh trực tiếp với "ông lớn" Masan. Tuy nhiên kết quả đến năm 2016, Hồng Phú thua lỗ gần 73 tỷ, trong khi thị phần so với Masan lúc bấy giờ vẫn tương đối nhỏ bé.

Phía công ty mẹ, ghi nhận tại BCTC quý 4/2017, Nhựa Ngọc Nghĩa đã đầu tư 81 tỷ đồng vào Hồng Phú và nắm giữ 98% vốn, song cũng ghi nhận Công ty đã trích lập dự phòng 100% ngay từ năm trước. Chưa dừng lại, tính đến thời điểm 31/12/2017, Nhựa Ngọc Nghĩa còn khoản phải thu Hồng Phú gần 23 tỷ đồng; lãi phải thu từ các khoản cho vay liên quan hơn 125 tỷ đồng.

Sự không hiệu quả nhiều năm liền khiến cổ đông mất niềm tin và đặt vấn đề nên chấm dứt hoạt động tại Thực phẩm Hồng Phú. Cũng chính mâu thuẫn này khiến Red River Holding đã chính thức rút lui hoàn toàn khỏi Nhựa Ngọc Nghĩa sau 6 năm đầu tư. 

Tuy nhiên, cho đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, Nhựa Ngọc Nghĩa vẫn khẳng định mảng nước chấm dù thua lỗ nhưng giá trị ngày càng gia tăng và nhận được nhiều quan tâm từ nhà đầu tư bên ngoài. Theo đó, Nhựa Ngọc Nghĩa thậm chí còn tăng vốn Hồng Phú với kỳ vọng hoạt động sẽ hiệu quả hơn khi chi phí được cơ cấu lại

Đến nay, sau nhiều cầm cự, Nhựa Ngọc Nghĩa cũng chính thức bán đi Hồng Phú, trước đó Công ty cũng cắt bỏ mảng Thịt Ngon Quốc tế và Thịt ngon Quốc tế La Maison sau 10 năm ròng rã cố gắng, hy vọng.

Hiện, Nhựa Ngọc Nghĩa vẫn còn ghi nhận gần 684 tỷ phải thu cho vay ngắn hạn, được biết chủ yếu mục này được vay bởi Hồng Phú. Đến cuối năm nay, Công ty cũng đã trích lập dự phòng 417 tỷ đồng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.

Nhựa Ngọc Nghĩa: Bất chấp quý 4 lỗ 420 tỷ, thành quả bán đứt nước chấm Kabin vẫn mang về 353 tỷ đồng lợi nhuận - Ảnh 3.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên