Những câu hỏi “nóng” trước thềm đại hội cổ đông của VPBank và ACB
Hôm nay 10/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cùng tổ chức đại hội cổ đông. ACB sẽ tổ chức buổi sáng và VPBank buổi chiều.
Cả hai ngân hàng đều có kết quả kinh doanh tích cực trong năm qua, trong đó VPBank có lợi nhuận cao nhất hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân với riêng ngân hàng mẹ đạt hơn 3.400 tỷ và ngân hàng hợp nhất đạt trên 4.900 tỷ đồng còn ACB cũng đạt trên 1.600 tỷ - dấu hiệu cho thấy nhà băng này đang trở lại sau khủng hoảng 2012.
Dẫu vậy, trước thềm đại hội cổ đông cũng còn những vấn đề nóng mà nhà đầu tư muốn gửi tới Hội đồng quản trị của hai ngân hàng, kỳ vọng sẽ được làm rõ.
VPBank
1. Ngân hàng đã tăng trưởng liên tục với tốc độ chóng mặt từ 2012 tới nay. Có khi nào ban lãnh đạo nhìn lại thấy mình đang tăng “quá nóng” và cần phải điều chỉnh hay không?
2. Fe Credit hoạt động hiệu quả với lợi nhuận nghìn tỷ đóng góp vào ngân hàng mẹ từ năm ngoái tới nay, nhưng đi kèm đó là tỷ lệ nợ xấu cao, cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả chung. Ngân hàng đã có kế hoạch gì để ngăn chặn điều đó?
3. Sau nhiều năm trả cổ tức bằng cổ phiếu, năm nay ngân hàng làm ăn khấm khá, có nên chia thêm cả cổ tức bằng tiền cho cổ đông hay không?
4. Fe Credit đang “lớn nhanh như thổi” nhưng sự cạnh tranh trong mảng tài chính tiêu dùng cũng rất mạnh mẽ, VPBank có kế hoạch gì với công ty này, có tính đến việc bán 49% vốn cho đối tác ngoại như các công ty tài chính khác?
5. Theo lộ trình tháng 9/2017, VPBank là 1 trong 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II, đến nay ngân hàng đã chuẩn bị thế nào?
6. Dư nợ cho vay của VPBank đang cao hơn nhiều so với nguồn tiền huy động (144 nghìn tỷ so với 123 nghìn tỷ), liệu việc này có ảnh hưởng đến các giới hạn mà NHNN áp với các ngân hàng?
7. Các ngân hàng có quy mô tương đương đều đã niêm yết trên sàn chứng khoán, VPBank bao giờ sẽ niêm yết để giúp nhà đầu tư dễ dàng giao dịch hơn? Nếu có thì sẽ lên sàn nào?
8. VPBank từng có cổ đông nước ngoài khá hùng mạnh, năm nay ngân hàng có dự định tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hay không?
Và câu hỏi cho ACB:
1. Tại đại hội cổ đông năm 2015, lãnh đạo ngân hàng đã nói rằng sẽ xử lý hết các tồn đọng trong năm ấy. Tuy nhiên kế hoạch này mãi vẫn chưa hoàn thành và năm nay ngân hàng lại đặt mục tiêu là năm 2017. Có khi nào kế hoạch lại tiếp tục gia hạn? Cơ sở nào để ban lãnh đạo thuyết phục cổ đông tin tưởng năm 2017 ngân hàng sẽ thoát hoàn toàn khỏi những vấn đề còn tồn đọng từ 2012 trở về trước?
2. Cách đây 3 năm, Tổng giám đốc ngân hàng nói rằng lợi nhuận dự kiến năm 2016 sẽ đạt 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên thực tế năm vừa rồi mới đạt được phân nửa con số đó và kế hoạch năm 2017 chỉ ở mức 2.200 tỷ. Bao giờ ACB sẽ thực sự “chạm ngõ” con số 3.000 – 4.000 tỷ của giai đoạn trước?
3. ACB là anh cả của nhóm ngân hàng cổ phần một thời, nhưng hiện đang bị các ngân hàng “đàn em” là Techcombank và VPBank vượt qua, ngân hàng có kế hoạch gì để cạnh tranh với các ngân hàng đó?
4. Năm 2015 ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu, 2016 và 2017 cũng dự định sẽ chia cổ tức tiếp bằng cổ phiếu, sao ngân hàng không tính chia bằng tiền mặt cho cổ đông?
5. Các cổ đông lớn nước ngoài đã hỗ trợ ngân hàng thế nào trong năm qua. Họ có dự định thoái vốn khỏi ACB không khi mà họ đã từng thoái vốn ở các ngân hàng khác tại Việt Nam?
6. ACB có còn sở hữu cổ phần ở ngân hàng nào nữa không?
Trí Thức Trẻ