MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những câu nói "chạm đến trái tim người Việt" của Tổng thống Obama tại Hà Nội

25-05-2016 - 13:34 PM | Xã hội

Sáng nay, buổi nói chuyện của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra. Trước đó, ông đã có những phát ngôn vô cùng ấn tượng trong buổi nói chuyện với giới trẻ tại Hà Nội.

Trong buổi nói chuyện với giới trẻ tại Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với khán giả. Với những bình luận hiểu biết sâu sắc và tinh tế về đất nước và con người Việt Nam, ông đã kéo người dân Việt Nam gần mình thêm rất nhiều lần. Cùng nhìn lại những câu nói đặc biệt ấn tượng của ông Obama trong buổi nói chuyện này.

“Hôm qua tôi đến thăm phố cổ Hà Nội và được ăn bún chả rất ngon, uống bia Hà Nội. Đường phố thật đông đúc, tôi chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy. Tôi chưa thử qua đường, nhưng sau này có dịp trở lại Việt Nam, có thể các bạn sẽ chỉ cho tôi cách qua đường như thế nào”.

Khởi đầu cuộc nói chuyện, ông kể về trải nghiệm của mình với văn hóa ẩm thực Hà thành cũng như giao thông của thành phố với sự dí dỏm thường thấy của mình.

Ông cũng chia sẻ ông ý thức được về quá khứ cũng như tương lai của mối quan hệ của hai đất nước:

“Khi đến đây tôi ý thức về quá khứ nhưng chúng ta nên hướng về tương lai, sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định để chúng ta có thể thúc đẩy lẫn nhau. Tôi cũng trân trọng quá khứ lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam”.

Ông đã trích dẫn bài thơ rất nổi tiếng của tướng Lý Thường Kiệt nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với quyền tự do, độc lập của đất nước Việt Nam:

“Sau nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp, nhưng cây tre cũng như tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành đã định tại sách trời”.

Với ý thức đó, cùng với hậu quả của nhiều cuộc chiến đã xảy ra, Tổng thống Obama nhận định, chiến tranh chỉ đem lại sự đau thương mà thôi:

“Chúng ta đã nhận thức được sự thật đau đớn rằng chiến tranh dù cho thế nào đi nữa đều mang lại sự đau đớn và bi kịch cho người dân của chúng ta”.


Ông Obama giơ tay chào người dân Việt Nam sau khi kết thúc bài phát biểu.

Ông Obama giơ tay chào người dân Việt Nam sau khi kết thúc bài phát biểu.

Vượt qua nỗi đau của chiến tranh, hai đất nước đều đang nỗ lực để hàn gắn và cùng nhau đặt ra những mục tiêu cùng phát triển, người với người giữa hai quốc gia sẽ có cơ hội để gần gũi và hiểu nhau hơn. Ông không quên ca ngợi vẻ đẹp của đất nước Việt Nam trong bài phát biểu của mình gắn với mong muốn tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước:

“Rất nhiều khách du lịch đã đến thăm Việt Nam, 36 phố phường cổ Hà Nội, các cửa hàng ở Hội An, cố đô Huế. Như người Việt và người Mỹ đều có thể thuộc những bài hát của Văn Cao “Từ nay ta biết quê người. Từ nay người biết thương người.”

Để có được giá trị tốt đẹp đó, theo Tổng thống Hoa Kỳ, chiến tranh là bài học đắt giá cho tất cả mọi người trên thế giới:

“Tôi tin tưởng rằng những bài học trong chiến tranh sẽ là những bài học cho cả thế giới”. Ông khẳng định chủ quyền của Việt Nam: “Hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh. Với sự tiến bộ, những giá trị tốt đẹp của con người cần được thúc đẩy chứ không phải là chiến tranh hay xung đột. Đây là điều mà hai nước đã chỉ ra cho thế giới thấy. Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định”.

Ông cũng không quên đề cao vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong buổi nói chuyện của mình, một cử chỉ đẹp của một người đứng đầu đất nước hùng mạnh vào bậc nhất thế giới:

“Từ thời đại Hai Bà Trưng đến nay, người phụ nữ Việt Nam luôn mạnh mẽ, tự cường và giúp cho đất nước Viêt Nam tiến lên phía trước. Khi chúng ta có một gia đình tốt, sự đóng góp của người phụ nữ, phụ nữ được đi học và có vị trí xứng đáng ở trường học, chính phủ, trong giới lãnh đạo thì chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều này luôn đúng kể cả ở Mỹ cũng như Việt Nam”.

Khi nhắc đến TPP, ông Obama luôn nhấn mạnh lợi ích từ cả hai phía có thể nhận được từ hiệp định này:

“Tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP, bởi vì bản thân tôi sẽ giúp cho Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa đến Mỹ. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam không phải phụ thuộc thương mại với quốc gia nào duy nhất mà mở rộng thị trường của mình như với Hoa Kỳ”.

Khi nhắc đến các vấn đề an ninh của khu vực và của thế giới, một lần nữa ông khẳng định lại vai trò của Việt Nam trên trường thế giới:

“Thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta, không chỉ Việt Nam một trật tự quốc tế và an ninh chung phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta xây dựng thông lệ chung tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Các nước lớn không được hại nước nhỏ hơn”.

Câu nói này của ông đã được toàn thể khán giả trong hội trường vỗ tay tán thưởng.


Từ đó, một lần nữa, ông cam kết sẽ sát cánh với Việt Nam trong việc đảm bảo tự do hàng hải cho khu vực:

Từ đó, một lần nữa, ông cam kết sẽ sát cánh với Việt Nam trong việc đảm bảo tự do hàng hải cho khu vực:

“Chúng tôi sát cánh cùng đối tác tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do thương mại. Khi chúng ta sát cánh bên nhau, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác chiều sâu từ hàng không đến các vùng biển mà quốc tế cho phép”Và giúp đỡ Việt Nam tăng cường vai trò của mình trong việc đảm bảo an ninh cho toàn thế giới: “Mỹ vui mừng khi đã giúp đỡ Việt Nam tham gia hơn nữa về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đặc biệt hai nước trước đây tham gia trận chiến (là kẻ thù của nhau -PV), nhưng giờ cùng hợp tác bảo vệ hòa bình”.

Kết thúc buổi nói chuyện, ông khẳng định thêm tính lịch sử của thời điểm hiện nay trong mối quan hệ giữa hai nước, khi mà nó đang ngày càng được thắt chặt và phát triển, bằng một câu nổi tiếng trong truyện Kiều của Nguyễn Du:

“Hay như Trịnh Công Sơn viết bài “nối vòng tay lớn” để mở tấm lòng của mình ra để thấy bản chất và trái tim của mình. Tương lai nằm trong tay các bạn. Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn. Sau này khi người Mỹ Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau thì các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn như Nguyễn Du đã nói: Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Câu kết đậm chất Việt Nam của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã trở thành một dấu ấn đặc biệt trong chuyến thăm Hà Nội lần này của ông. Sáng ngày 25/5, Tổng thống Barack Obama cũng có buổi nói chuyện với giới trẻ TP Hồ Chí Minh. Chiều cùng ngày, ông sẽ lên máy bay rời Việt Nam sang Nhật Bản dự Hội nghị thượng đỉnh G7.

Theo Phan Sương

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên