Những kết quả tích cực trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông ba tháng đầu năm 2023
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong lĩnh vực viễn thông, trong quý I/2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 75,36% (tăng 1,4% so với quý IV/2022). Bên cạnh đó, các lĩnh vực chuyển đổi số, chính phủ số, an toàn thông tin… đều đạt những kết quả đáng ghi nhận.
- 09-04-2023Hướng dẫn cách chặn các tin nhắn rác và lừa đảo trên iPhone
- 09-04-2023Quyết liệt xử lý sai phạm trên nền tảng số nước ngoài
- 09-04-2023Cấp miễn phí chữ ký số cho công dân tại Hà Nội
Số thuê bao băng rộng cố định đạt 21,77 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 21,9 thuê bao/100 dân) tăng 1,9% so với quý IV/2022. Mục tiêu đạt đến tháng 12/2023 đạt 25 thuê bao/100 dân.
Số thuê bao băng rộng di động đạt 84,36 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 84,8 thuê bao/100 dân), tăng 1% so với quý IV/2022. Mục tiêu đạt đến tháng 12/2023 đạt 90 thuê bao/100 dân.
Riêng trong tháng 3/2023, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hoá có thông tin thuê bao đúng quy định, đáp ứng mục tiêu tất cả các thuê bao đang hoạt động phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, trùng khớp.
Đến hết 31/3/2023, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định cần chuẩn hóa do có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau đối soát, có dấu hiệu có thông tin không đúng quy định, đã có 2,17 triệu thuê bao (56,49%) thực hiện chuẩn hóa sau khi nhận được thông báo; còn 1,67 triệu thuê bao (43,51%) không thực hiện chuẩn hoá theo thông báo đã bị tạm dừng dịch vụ một chiều theo quy định.
Từ 01/3/2023, triển khai Cổng tra cứu thông tin website, tên miền: https://tracuutenmien.gov.vn hoặc nhắn tin qua đầu số 156 hỗ trợ người dân nhận diện, xác thực nguồn thông tin chính thức khi sử dụng dịch vụ, giao dịch trên Internet. Đến nay, có 65.040 lượt tra cứu (trong đó qua SMS 156: 5.677 lượt; website 59.363 lượt).
Bên cạnh công tác chuẩn hóa thuê bao, để xử lý triệt để vấn đề SIM rác, Bộ TTTT sẽ triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4/2023 đến ngày 5/6/2023.
Cũng trong tháng 3/2023, đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 08 vụ việc sử dụng trạm phát sóng BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo... với mục đích lừa đảo người dân tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa.
Về Chuyển đổi số quốc gia, đã có 63/63 địa phương đã triển khai xây dựng mô hình Tổ CNSCĐ với 71.836 tổ, tăng 4% so với tháng trước (69.345), 334.896 thành viên, tăng 3% so với tháng trước. Nền tảng học trực tuyến mở đại trà One Touch đã có hơn 18 triệu lượt truy cập; đã hoàn thành đóng gói mã nguồn và tài liệu hướng dẫn sử dụng, quản trị nền tảng để sẵn sàng bàn giao cho Campuchia.
Tham mưu ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 tại Quyết định số 17/QĐ-UBQG CĐS ngày 04/4/2023 của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Ban hành Quyết định số 516/QĐ-BTTTT ngày 31/3/2023, về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia” của Bộ TTTT với chủ đề của năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”. Trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu là: Phát triển dữ liệu mở; Phát triển cơ sở dữ liệu; Phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.
Về Chính phủ số, trong Quý I năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVCTT theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Tính từ 21/02/2023-20/3/2023, tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ: 50,61%, tăng 2,84% so với tháng trước (47,77%). Mục tiêu 2023: 80%; Tỷ lệ DVCTT mức độ toàn trình đủ điều kiện : 77,08% tăng 2,36% so với tháng trước (74,72%). Mục tiêu 2023: 100%.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ của các DVCTT toàn trình: 54,80%, tăng 6,06% so với tháng trước (48,74%). Mục tiêu 2023: 60%; 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 63/63 địa phương đã ban hành Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử 2.0.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong tháng 3 năm 2023 là 40.513.165 giao dịch.
VNPT đã triển khai Hệ sinh thái chính quyền số cho 63 tỉnh/thành phố; Hệ sinh thái giáo dục vnEdu cho trên 31.500 cơ sở giáo dục; Hệ sinh thái Y tế số cho gần 2.000 bệnh viện. Tiếp cận, cung cấp dịch vụ qua kênh trực tuyến cho hơn 50 nghìn doanh nghiệp SME.
Về An toàn thông tin mạng, trong tháng 3 số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet: 392.108 địa chỉ (giảm 50,3% cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,5% so với tháng 02/2023).
Trong tháng 03/2023, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 525 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (407 cuộc Phishing, 65 cuộc Deface, 53 cuộc Malware), giảm 68,9 % so với tháng 02/2023 (1.687 cuộc), giảm 49,3% so với cùng kỳ tháng 3/2022 (1.035 cuộc).
Lĩnh vực kinh tế số, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-BTTTT ngày 13/3/2023 về tiêu chí, quy định công nhận cá nhân, tổ chức tư vấn thuộc Mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Kết quả Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp (tính đến ngày 17/3/2023): Số lượng doanh nghiệp SME tiếp cận Chương trình: 749.665 doanh nghiệp (tăng 17.502 doanh nghiệp, tăng trưởng 2,3% so với tháng 02/2023). Số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình: 107.221 doanh nghiệp (tăng trưởng 17.213 doanh nghiệp, tăng trưởng 16% so với tháng 02/2023).
Về xã hội số, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 7 ứng dụng có số lượng người dùng thường xuyên trên 10 triệu người dùng hàng tháng, 12 ứng dụng có từ 5-10 triệu người dùng hàng tháng và 67 ứng dụng có từ 1-5 triệu người dùng hàng tháng. Mạng xã hội vẫn là lĩnh vực được người dùng điện thoại yêu thích nhất, tiếp đến là các sàn TMĐT và trò chơi điện tử.
Về Công nghiệp ICT, ước tính đến hết tháng 3/2023, doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt 32,8 tỷ USD giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử: ước đạt khoảng 26,6 tỷ USD giảm 9,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, sản lượng xuất khẩu các tháng đầu năm đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 4/2023
- Về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 4 năm 2023; chuẩn bị tốt nội dung của dự án Luật.- Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
- Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về Phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia.
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án chuyển hướng hỗ trợ thiết bị cho các học sinh, sinh viên hộ nghèo tiếp cận thông tin từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; phương án thực hiện nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.
- Xây dựng kế hoạch, giải pháp, chỉ đạo, điều phối doanh nghiệp viễn thông xử lý triệt để “rác” viễn thông.
- Triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023.
- Tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia
- Triển khai chấm điểm chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2022.
- Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- Khai trương gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho công dân tại Phố đi bộ quận Hoàn Kiếm ngày 08/4/2023.
- Theo đó, người dân Thủ đô và khách tham quan phố đi bộ Quận Hoàn Kiếm vào cuối tuần sẽ được giới thiệu về vai trò, lợi ích của chữ ký số trong giao dịch điện tử và được cấp phát miễn phí Chữ ký số từ tháng 04-12/2023. Người dân cũng sẽ được hướng dẫn sử dụng chữ ký số khi tham gia dịch vụ công và các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, toàn trình.
Vnmedia